Nằm trong chương trình hoạt động năm 2021, ngày 24 tháng 5 năm 2021, Viện Xã hội học đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học nhằm trao đổi, thảo luận về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19. Đến dự và trình bày tham luận có PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cùng toàn thể cán bộ Viện Xã hội học.
Nội dung tham luận đã cho thấy rằng, trong năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế thế giới rơi vào cuộc đại suy thoái lớn. Nếu trong cuộc Đại khủng hoảng năm 1929-1933, có 84% nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái thì đến năm 2020, tỉ lệ này là 92,9% với hầu hết các nền kinh tế có mức tăng trưởng âm. Về khía cạnh kinh tế, những biểu hiện của đại suy thoái thể hiện rõ rệt qua hiện tượng giá dầu thế giới thấp ở mức kỷ lục, thị trường tài chính biến động khó lường, kèm theo đó là chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy. Về khía cạnh xã hội, dịch Covid-19 khiến khoảng 2 tỷ lao động trong khu vực phi chính thức bị thất nghiệp, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng thu nhập trên thế giới gia tăng. Nó cũng làm thay đổi hệ giá trị hiện có, thay đổi cách thức con người giao tiếp với nhau bởi hàng loạt các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng khi nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế trên thế giới rơi vào tăng trưởng âm. Đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các mặt của đời sống xã hội, tuy nhiên đây có thể là thời cơ lịch sử nếu Việt Nam biết nắm bắt. Các ý kiến tại buổi tọa đàm tập trung thảo luận về việc Việt Nam cần phải làm gì để tận dụng cơ hội này. Theo đó, Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội, phải thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng cho mình những năng lực mới ở mọi cấp độ, mọi chủ thể, đồng thời cần có sự thay đổi trong cách thức hành động. Về mặt giải pháp, Việt Nam cần xây dựng cho mình những giải pháp chiến lược, trong đó chú trọng đến việc đổi mới hệ thống khuyến khích, chuyển từ cơ chế “chọn người thắng” sang cơ chế “thưởng cho người thắng”. Ở khía cạnh thể chế, Việt Nam cần đảm bảo sự công khai, minh bạch, tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng, đồng thời thúc đẩy việc khởi nghiệp sáng tạo bằng việc xây dựng cơ chế “sandbox” khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đồng thời, cần chú trọng vấn đề an ninh mạng, xác định công nghệ cao là nền tảng an ninh quốc gia.
Cuối buổi tọa đàm, các đại biểu và PGS.TS Trần Đình Thiên đã cùng nhau thảo luận sâu về các chủ đề liên quan đến tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19, từ đó gợi mở nhiều ý tưởng nghiên cứu cho Viện trong thời gian tới..
Hồ Ngọc Châm