Điều tra quốc gia về sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam 2019-2021

19/09/2019

Trẻ em và vị thành niên từ 5-17 tuổi chiếm gần một phần tư dân số toàn cầu và khoảng 85% những người trẻ này sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (LMICs). Mới đây, Ủy ban Lancet về sức khỏe và tình trạng hạnh phúc-khỏe mạnh của vị thanh niên đã nhận định tuổi vị thành niên là giai đoạn phát triển then chốt trong đời người, nhưng cũng là giai đoạn mà người trẻ tuổi phải đối mặt với sự thay đổi văn hóa, kinh tế và xã hội chưa từng có. Những thách thức này là một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của vị thành  niên nói chung, đặc biệt là sức khỏe tâm thần của họ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn một nửa số trường hợp rối loạn tâm thần bắt đầu từ năm 14 tuổi, nhưng hầu hết các trường hợp này không được phát hiện và điều trị hợp lý, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn đối với sức khỏe tâm thần trong suốt cuộc đời. Cũng theo WHO, sức khỏe tâm thần vị thành niên nổi lên như là một nội dung ưu tiên của y tế công cộng trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề thách thức hiện nay là thiếu nguồn dữ liệu có tính chất đại diện quốc gia, khu vực, để làm căn cứ xây dựng các chính sách giải quyết vấn đề này. Trên toàn cầu, có rất ít cuộc điều tra đại diện trên toàn quốc về sức khỏe tâm thần vị thành niên đã được thực hiện, nhất là ở LMICs thì hầu như không có cuộc khảo sát nào như vậy.

Việt Nam nằm trong nhóm LMICs. Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, dân số Việt Nam tính đến ngày 01 tháng 4 năm 2019 là 96 triệu người, trong đó vị thành niên tuổi từ 10-17 chiếm khoảng 12,25%. Trong những năm qua, một số nghiên cứu về sức khỏe tâm thần vị thành niên cũng đã được tiến hành ở Việt Nam. Các cuộc điều tra nghiên cứu này đã cung cấp một số thông tin về tình trạng sức khỏe tâm thần của trẻ  em Việt Nam, tuy nhiên không có cuộc điều tra nào mang tính đại diện quốc gia về rối  loạn tâm thần ở vị thành niên, cũng như sử dụng Bảng danh mục phỏng vấn các rối loạn tâm thần trẻ em (DISC-5) để thu thập dữ liệu. Việc thiếu dữ liệu về tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần ở vị thành niên đã khiến cho Chính phủ và các cơ quan quản lý thiếu thông tin quan trọng, cần thiết để xây dựng kế hoạch và đưa ra các biện pháp can thiệp hiệu quả nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe tâm thần cho vị thành niên.

 

Được sự tài trợ của Đại học Queensland (Úc), cuộc Điều tra Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần Vị thành niên Việt Nam (viết tắt tiếng Anh là V-NAMHS) được Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thực hiện với sự phối hợp của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế, và các chuyên gia của Tổng cục Thống Kê. Đây là cuộc điều tra đại diện quốc gia đầu tiên về các rối loạn tâm thần trong trẻ vị thành niên tuổi từ 10 – 17. Các dữ liệu về rối loạn tâm thần được thu thập trong V-NAMHS bao gồm: Ám ảnh sợ xã hội (SoPh), hội chứng rối loạn lo âu lan tỏa (GAD), hội chứng trầm cảm chủ yếu (MDD), hội chứng trầm cảm kéo dài (PDD), hội chứng tăng động/giảm chú ý (ADHD), rối loạn hành vi (CD) và hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Những rối loạn tâm thần này được xác định theo các tiêu chí do Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần, Phiên bản Thứ năm (DSM-5) của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ năm 2013 đưa ra.

V-NAMHS là một bộ phận trong Dự án Điều tra Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần Vị thành niên (NAMHS) kéo dài trong giai đoạn 2019-2021 và được điều phối bởi Đại học Tổng hợp Queensland, Úc. Dự án này được tổ chức ở 3 nước là Kenya (K-NAMHS), Indonesia (I-NAMHS) và Việt Nam (V-NAMHS). Ở mỗi nước, dự án gồm có một cuộc điều tra đại diện quốc gia, trước đó là một nghiên cứu thí điểm để kiểm tra về công cụ chẩn đoán (được gọi là DISC-5), phương pháp và công tác hậu cần của cuộc điều tra; một hiệu chuẩn lâm sàng cũng sẽ được tiến hành để xác định xem công cụ chẩn đoán thực hiện tốt như thế nào so với chẩn đoán lâm sàng.  

 

 

 

Vũ Mạnh Lợi