Hội thảo khoa học “Một số cách tiếp cận và ứng dụng phương pháp mới trong nghiên cứu xã hội học”

16/05/2017

    Ngày 10 tháng 5 năm 2017, tại Đà Lạt đã diễn ra Hội thảo khoa học “Một số cách tiếp cận và ứng dụng phương pháp mới trong nghiên cứu xã hội học” do Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Khoa Công tác xã hội - Đại học Đà Lạt đồng tổ chức.

 

 

    Tại Hội thảo, 4 bài tham luận đã được các nhà nghiên cứu của Viện Xã hội học trình bày. TS. Đỗ Thiên Kính trong bài tham luận “Bàn về cách tiếp cận và phương pháp đo lường tầng lớp trung lưu ở Việt Nam” cho rằng tầng lớp trung lưu nằm trong chủ đề phân tầng xã hội - một nội dung rất quan trọng trong xã hội học. Hơn nữa, chủ đề này gắn với nhiều chính sách phát triển của đất nước. Vì vậy việc nghiên cứu và tìm hiểu về phân tầng xã hội có một ý nghĩa quan trọng. Theo TS. Đỗ Thiên Kính, kiến thức về phân tầng xã hội ở Việt Nam còn rất lạc hậu so với thế giới. Thông qua mô hình 5 giai cấp cơ bản trong xã hội công nghiệp trên thế giới và thực tiễn xã hội ở Việt Nam, TS. Đỗ Thiên Kính đã xây dựng mô hình hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam, từ đó nhận diện tầng lớp trung lưu thông qua tiêu chí nghề nghiệp.

 

    TS. Trần Nguyệt Minh Thu chỉ ra sự cần thiết phải tiếp cận về nghèo đa chiều trong nghiên cứu nhằm hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập nhưng lại nghèo về các chiều cạnh khác trong cuộc sống qua bài tham luận “Nghèo đa chiều: cách tiếp cận và vận dụng trong thực tiễn Việt Nam”. Trong bài tham luận này, TS. Trần Nguyệt Minh Thu cũng đã giới thiệu các chỉ số đo lường về nghèo đa chiều trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

 

    Bài trình bày “Hạnh phúc của người Việt Nam: Kết quả từ nghiên cứu gần đây” của TS. Nghiêm Thị Thủy được trích ra từ kết quả nghiên cứu ban đầu của một nghiên cứu quốc tế (thực hiện tại 7 quốc gia khác nhau, đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippin, In-đô-nê-xi-a, Đài Loan và Việt Nam) cũng thu hút sự chú ý và được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi và bình luận. Tại Việt Nam, nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát tại Hà Nội, Đà Nằng và Cần Thơ. Kết quả khảo sát đã cho thấy, phần lớn người dân cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống nói chung. Tuy nhiên, niềm tin trong cuộc sống thì ở mức trung bình, đa phần người dân chỉ tin cậy gia đình và người thân trong gia đình.

 

    PGS.TS Vũ Mạnh Lợi đã có một bài trình bày tâm huyết về “Cách mạng công nghiệp 4.0 và hàm ý đối với phương pháp nghiên cứu Khoa học xã hội”. PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi nhận định Cách mạng công nghiệp 4.0 là một chủ đề rất nóng hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đó là cuộc cách mạng dựa trên sự tiến bộ khoa học kỹ thuật của nhiều ngành, đó là sự phát triển vượt bậc của công nghệ số hóa, công nghệ Na nô, trí tuệ nhân tạo, lưu trữ năng lượng, v.v. Cuộc cách mạng này sẽ tác động mạnh mẽ lên đời sống xã hội. Về mặt kinh tế, năng suất lao động sẽ tăng lên rất nhiều và những nước có trình độ phát triển công nghệ cao sẽ phát triển vượt bậc. Về tác động xã hội, đó là sự chuyển đổi từ xã hội công nghiệp sang xã hội tri thức - xã hội dùng trí tuệ để giao tiếp, ứng xử, dùng trí tuệ để sản xuất, để tiêu dùng, dùng trí tuệ để làm văn hóa, chính trị, v.v. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đem lại nhiều thách thức, đó là vấn đề nhiều lao động giản đơn sẽ bị xa thải, nguy cơ gia tăng bất bình đẳng, nhiều giá trị truyền thống bị thay đổi, v.v. Tình hình trên đòi hỏi cách tiếp cận nghiên cứu khoa học xã hội cũng phải thích ứng và một tiếp cận nghiên cứu mới được đề xuất, đó là  nghiên cứu xuyên ngành. Nghiên cứu xuyên ngành khác nghiên cứu liên ngành ở điểm: các nhà khoa học của các chuyên ngành khác nhau cùng thảo luận và quyết định từ đầu cho đến cuối một vấn đề nghiên cứu (từ đặt câu hỏi nghiên cứu đến xây dựng công cụ thu thập thông tin, xử lý, phân tích và phổ biến kết quả).

 

    Hội thảo đã diễn ra rất sôi nổi, đáng chú ý là các ý kiến: vai trò của tầng lớp trung lưu trong việc xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội và vấn đề sức khỏe tâm thần của tầng lớp trung lưu; sự băn khoăn về việc dùng chỉ báo nghề nghiệp để xây dựng hệ thống phân tầng xã hội và xác định tầng lớp trung lưu ở Việt Nam do thu nhập ở Việt Nam quá thấp, không tương xứng với nghề nghiệp; các khó khăn trong việc đo lường về điều kiện kinh tế hộ gia đình, về mức sống; vấn đề xử lý Big Data; cách giám sát điều tra viên khi không có mặt tại hiện trường; cách sử dụng máy tính bảng trong khảo sát.

 

 

    Hội thảo đã thành công tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Viện Xã hội học và Khoa Công tác xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo và giảng dạy xã hội học, công tác xã hội theo nguyện vọng của đại học Đà Lạt.  

 

Nguyễn Tuấn Minh