Hoạt động học thuật nhóm nước ASEAN+3

21/07/2017

    Trong bối cảnh già hóa dân số đang ngày càng phổ biến ở các nước Đông Nam Á, ngày 19/7/2017, Diễn đàn Quan hệ Quốc tế Nhật Bản (JFIR) đã tổ chức cuộc họp về “Hệ thống chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh già hóa dân số ở Đông Á”. Cuộc họp này nằm trong khuôn khổ hoạt động học thuật của nhóm các nước ASEAN+3, được tổ chức thành 03 phiên: 1) Bao phủ y tế toàn dân trong điều kiện già hóa dân số; 2) Hợp nhất các dịch vụ y tế và xã hội trong bối cảnh già hóa dân số; và 3) Nguồn nhân lực và việc ứng dụng công nghệ trong chăm sóc người cao tuổi.

 

 

    Phiên họp 1 tập trung vào các vấn đề như: i) Những ảnh hưởng của già hóa dân số đến hệ thống chăm sóc sức khỏe và bao phủ y tế toàn dân; ii) Các nước ASEAN+3 có thể làm gì để khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe phù hợp và bền vững trong bối cảnh già hóa dân số; iii) Động thái hợp tác nào có thể được thực thi giữa các nước ASEAN+3 nhằm đạt được/duy trì bao phủ y tế toàn dân. Phiên họp này xoay quanh các thực tiễn khác nhau về tình hình bao phủ y tế tại các nước. Các bài trình bày cho thấy hầu hết các nước ASEAN+3 đang trải qua giai đoạn già hóa nhanh, nhưng các nước này lại đang ở các cấp độ khác nhau về độ bao phủ của hệ thống y tế công. Hầu hết các nước đều đã có hệ thống y tế bao phủ toàn dân hoặc đang đặt mục tiêu hướng tới bao phủ toàn dân. Tuy nhiên, vấn đề là các nước mới chỉ dừng ở việc mở rộng diện bao phủ của các dịch vụ y tế công nhưng chất lượng dịch vụ cũng như các khoản chi trả bảo hiểm còn thấp. Tại phiên họp này, cán bộ của Viện Xã hội học đã trình bày tham luận về bao phủ y tế toàn dân trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam.

 

    Phiên họp 2 xem xét những lĩnh vực y khoa nào sẽ trở nên quan trọng trong bối cảnh già hóa dân số, kéo theo đó là những thay đổi gì trong cấu trúc bệnh tật; và đặt ra yêu cầu về sự chuyển đổi mô thức nào trong các chính sách y tế nhằm thiết lập một xã hội già hóa “sáng sủa”. Các nước đề cập đến quá trình già hóa tích cực theo hướng phối hợp đồng bộ giữa các chính sách ưu tiên dành cho tuổi già, những cải tiến y tế đối với một số bệnh đặc thù của tuổi già và mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng.

 

    Phiên họp thứ 3 tập trung thảo luận về nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi và việc ứng dụng công nghệ trong chăm sóc người cao tuổi. Hầu hết các đại biểu đều thống nhất rằng già hóa dân số dẫn đến những thay đổi về lối sống và sắp xếp cuộc sống. Tình hình chung ở nhiều nước châu Á là sự tồn tại của một mặt là các quan niệm phổ quát về việc sống chung với con cái và sống tại ngôi nhà của mình, và mặt khác là tình trạng già hóa dẫn đến tỷ lệ người già sống cô đơn ngày càng nhiều. Do đó dẫn đến nhu cầu cao về nguồn nhân lực y tế cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà. Hiện tại ở nhiều nước đang khuyến khích các dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà do chính các thành viên trong gia đình đảm nhận. Ngoài ra, sự phổ biến và tiến bộ của công nghệ cũng giúp quá trình chăm sóc tại nhà trở nên dễ dàng hơn.

 

    Cuối cuộc họp, các đại biểu tham dự đã thống nhất xây dựng bản đề xuất liên quan đến hệ thống chăm sóc y tế trong bối cảnh già hóa ở châu Á. Bản kiến nghị này sẽ được đệ trình Hội nghị cấp cao ASEAN+3 vào tháng 11 tới. 

 

Đặng Phương