Hội thảo khởi động Dự án hợp tác nghiên cứu và đào tạo xuyên ngành tại Viên, Cộng hòa Áo

15/03/2017

    Từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 3 năm 2017, Viện Nghiên cứu Phát triển thuộc Đại học Tổng hợp Viên (Áo), cơ quan điều phối mạng lưới, đã tổ chức Hội thảo khởi động dự án nghiên cứu và đào tạo xuyên ngành nhằm giải quyết những vấn đề di cư, bất bình đẳng và môi trường ở Đông Nam Á (KNOTS). Dự án được triển khai trong thời gian ba năm (2017-2019) do tổ chức EU tài trợ, hướng vào các mục tiêu: 1) Tăng cường kết nối các mạng lưới hợp tác giữa các nhà khoa học xã hội với các đối tác không thuộc lĩnh vực nghiên cứu; 2) Xây dựng tài liệu hướng dẫn về đào tạo và nghiên cứu xuyên ngành; 3) Vận dụng thực tiễn nhằm nâng cao năng lực khoa học xã hội của mỗi quốc gia tham gia.

 

    Sự chuyển đổi phương pháp từ đơn ngành (discipline) sang đa ngành (multidíscipline) trong những năm 80 của thế kỷ trước, và từ nghiên cứu liên ngành (interdiscipline) sang nghiên cứu xuyên ngành (transdiscipline) trong thập niên gần đây phản ánh đòi hỏi bức xúc của thực tiễn. Các vấn đề xã hội có nhiều nguyên nhân và cần tìm hiểu từ nhiều  góc độ. Hiện nay, những giải pháp chính sách thường do mỗi ngành và giới nghiên cứu đề xuất nên rất khu biệt và tách rời, tính khả thi thấp. Phương pháp xuyên ngành xóa bỏ và vượt qua ranh giới của mỗi chuyên ngành/nhóm ngành, kết nối được những điểm mạnh, hạn chế được những điểm yếu của từng ngành/nhóm ngành, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp tổng thể thích hợp và hiệu quả.

 

    Tham gia dự án KNOTS có các nhà nghiên cứu đến từ mạng lưới các trường Đại học ở châu Âu và Đông Nam Á (Đại học Praha - Cộng hòa Séc, Đại học Bon - CHLB Đức, Đại học Chulalongkorn và Đại học  Chiangmai - Thái Lan,  Đại học Mở tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ và Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Ngoài ra, tham dự và trình bày báo cáo tại Hội thảo còn có một số chuyên gia từ các tổ chức quốc tế Châu Âu và Bắc Mỹ là cộng tác viên dự án.

 

    PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng và PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Xã hội học tham dự hội thảo này. Hai nhà khoa học Việt Nam đã trình bày nội dung kế hoạch triển khai dự án, gắn với đặc thù và mặt bằng của khoa học xã hội nước nhà hiện nay. Kế hoạch thực hiện gồm các tiêu chí đánh giá cụ thể, mốc thời gian và sản phẩm đầu ra chung của dự án. Tại mỗi quốc gia tham dự, dự án sẽ tập trung thúc đẩy đào tạo theo phương pháp xuyên ngành, gắn với nhiệm vụ nghiên cứu ba chủ đề nóng trên thế giới hiện nay là: gia tăng di cư, bất bình đẳng xã hội và xuống cấp môi trường. Các cán bộ nghiên cứu trẻ và một số nghiên cứu sinh được lựa chọn từ mỗi Đại học sẽ tham gia các hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Hoạt động đầu tiên trong năm 2017 của dự án sẽ bắt đầu bằng Hội thảo quốc tế tổ chức tại Bangkok, Thái Lan (tháng 6) và khóa đào tạo hai tuần tại Hà Nội, Việt Nam (tháng 9).

 

    Hợp tác nghiên cứu thông qua mạng lưới toàn cầu là mô hình phổ biến và phương thức hiệu quả trên thế giới hiên nay. Việc tham gia vào dự án KNOTS của Việt Nam phản ánh yêu cầu cập nhật, đổi mới phương pháp nghiên cứu hiện đại, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn và xu hướng đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế.

 

Hà Phương