TS. Đặng Xuân Thanh
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Kính thưa quý vị đại biểu!
Lời đầu tiên tôi xin thay mặt Đảng ủy và lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới đội ngũ viên chức và người lao động Viện Xã hội học cũng như toàn thể quý vị đại biểu tham dự buổi hội thảo khoa học nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Xã hội học, hướng tới 70 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Trong 4 thập kỷ qua, Viện Xã hội học có những bước phát triển, đạt những thành tựu đáng ghi nhận, là nơi quy tụ nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực xã hội học. Viện đã luôn khẳng định vị thế đi đầu trong ngành Xã hội học Việt Nam, với những kết quả nghiên cứu có nhiều ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Đội ngũ các thế hệ nhà khoa học của Viện đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp khoa học nước nhà nói chung và cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội nói riêng. Xin nhiệt liệt chúc mừng các đồng chí!
Kính thưa quý vị đại biểu!
Hôm nay, tôi rất hân hạnh cùng quý vị tham dự Hội thảo quốc gia “Cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam: Thực trạng và xu hướng biến đổi”. Đây là hoạt động khoa học kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Xã hội học, và quan trọng hơn, Hội thảo là bước tiếp theo góp phần triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sau 37 năm sự nghiệp Đổi mới cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc đáng ghi nhận, thoát nghèo trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình trên thế giới. Trong quá trình đó, cơ cấu xã hội Việt Nam nói chung và ở khu vực nông thôn nói riêng đã có những biến đổi sâu sắc. Phát triển và hiện đại hóa nông thôn là mục tiêu được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng, thể hiện rõ nhất qua các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển nông thôn Việt Nam còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng gần đây có xu hướng giảm. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn còn nhiều bất cập; chất lượng lao động nông thôn vẫn còn hạn chế; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn khoảng cách khá xa so với khu vực thành thị… Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là xây dựng nông thôn “phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững…”.
Trong bối cảnh như vậy, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xác định việc triển khai các đề tài nghiên cứu, hội thảo khoa học về chủ đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm bổ sung cập nhật những luận điểm và bằng chứng khoa học, góp phần triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là nhiệm vụ rất cần thiết và có ý nghĩa. Do đó, lãnh đạo Viện Hàn lâm hoàn toàn ủng hộ và tạo điểu kiện cho Viện Xã hội học, vốn có bề dày kinh nghiệm và thế mạnh trong nghiên cứu nông thôn, tổ chức Hội thảo quốc gia “Cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam: Thực trạng và xu hướng biến đổi”.
Chúng tôi hy vọng tại Hội thảo này, các học giả, các nhà nghiên cứu sẽ trình bày, thảo luận những kết quả mới về thực trạng và xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam qua các chiều cạnh cơ bản như dân số, lao động việc làm, đất đai, đời sống kinh tế, thu nhập, văn hóa, hôn nhân, gia đình, an sinh xã hội, môi trường, an ninh trật tự…, từ đó có thể nhìn nhận, tổng kết, đánh giá về quá trình xây dựng phát triển nông thôn Việt Nam hiện nay, chỉ ra những khía cạnh tích cực, nhưng điểm còn hạn chế bất cập cũng như các yếu tố tác động. Kết quả của hội thảo không chỉ cung cấp cơ sở lý luận, những bằng chứng thực nghiệm, mà còn đề xuất các giải pháp và khuyến nghị chính sách liên quan đến quá trình biến đổi xã hội nông thôn trong bối cảnh hiện nay, góp phần triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Một lần nữa, thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tôi gửi lời chúc mừng tới lãnh đạo và cán bộ viên chức Viện Xã hội học nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện. Chúc tập thể Viện Xã hội học tiếp tục phát huy truyền thống và thế mạnh của mình trong nghiên cứu khoa học, gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa trong thời gian tới.
Kính chúc các quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Chúc hội thảo thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!