Nghiên cứu Quyết định di cư theo thị trường lao động từ châu Á đến các quốc gia EU (AspirE)

05/09/2024

Trong những năm qua, các chính sách, pháp luật liên quan đến di cư quốc tế không ngừng được Chính phủ hoàn thiện nhằm quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả di cư, phát huy những mặt tích cực, đồng thời giảm thiểu những thách thức trong quá trình này. Việt Nam cũng đã tham gia Thỏa thuận Toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) và đang tích cực triển khai các cam kết trong việc tạo môi trường di cư an toàn, minh bạch, tôn trọng và kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư.

Đề tài hợp tác nghiên cứu “Quyết định di cư lao động đến các quốc gia EU: Trường hợp di cư theo thị trường lao động từ các quốc gia châu Á (AspirE)” do Đại học Libre de Bruxelles (ULB) chủ trì, với sự tham gia của các Trường đại học và Viện nghiên cứu ở một số quốc gia Châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, Việt Nam) và quốc gia EU (Bỉ, Cộng hòa Séc, Đức, Ý, Bồ Đào Nha, Phần Lan). Viện Xã hội học là đơn vị tham gia thực hiện nghiên cứu tại Việt Nam. Đây là cơ hội để Viện tăng cường công tác hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ trẻ tham gia.

Đề tài nghiên cứu được thực hiện trong 3 năm (2023-2025) tập trung trả lời các câu hỏi: 1/ Hiểu biết và nhận thức của người lao động về việc đi nước ngoài làm việc như thế nào? 2/ Tại sao lại quyết định chọn thị trường lao động các quốc gia EU, và liệu quyết định này có thay đổi theo thời gian? 3/ Mạng lưới xã hội có ảnh hưởng như thế nào đến quyết định di cư?

Nghiên cứu được thực hiện bằng các phương pháp phân tích chính sách, phỏng vấn chuyên gia và người dân để tìm hiểu mục đích, động lực và vai trò của mạng lưới xã hội trong quyết định đi lao động, làm việc ở châu Âu (EU). Quá trình rà soát số liệu cho thấy số lượng công dân Việt Nam đến 6 quốc gia nghiên cứu AspirE còn hạn chế, chưa được thống kê và nắm bắt đầy đủ. Trong khi đó, mạng lưới xã hội phát triển mạnh đã kết nối nơi đi và nơi đến có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quyết định di cư. Quyết định này có thể thay đổi theo thời gian và có thể không thực hiện được do những hạn chế trong chính sách của nước đến về cấp thị thực, tiếp nhận và cư trú. Ngoài chính sách chung của EU thì mỗi quốc gia lại có quy định riêng về nhập cảnh. Các quốc gia này vẫn áp dụng các hạn ngạch nhằm hạn chế tiếp nhận lao động từ châu Á.

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy ngoài kênh đi lao động thì các kênh du học, đoàn tụ gia đình, đi du lịch và đầu tư còn được người dân sử dụng để hiện thực hóa quyết định di cư. Từ phía trong nước, trong thời gian qua, các thủ tục liên quan đến xuất nhập cảnh đã được quy định rõ ràng hưn, đơn giản hơn với việc ứng dụng công nghệ thông tin, giúp tiết kiệm thời gian cũng như giảm chi phí xã hội.

Trong tương lai, các quốc gia EU sẽ tiếp tục là thị trường đón nhận công dân Việt Nam đến lao động, làm việc, học tập, đi du lịch, và đoàn tụ gia đình. Vì vậy, các chính sách cởi mở hơn về thị thực và nhập cảnh, cư trú cần được các quốc gia EU cân nhắc phù hơp với bối cảnh dân số già và thiếu hụt lao động hiện nay tại thị trường này.

  Nghiêm Thủy