Dựa trên kết quả hợp tác nghiên cứu giữa nhóm nghiên cứu Viện Xã hội học và chuyên gia của Đại học Senshu (Nhật Bản) về người lao động Việt Nam tại Nhật Bản sử dụng phương pháp photovoice, ngày 25 tháng 9 năm 2023, Chi đoàn cơ sở Viện Xã hội học tổ chức tọa đàm khoa học “Ứng dụng phương pháp photovoice (kể chuyện qua hình ảnh) trong nghiên cứu khoa học xã hội” nhằm cung cấp thêm thông tin về phương pháp photovoice và việc ứng dụng của nó trong nghiên cứu về người lao động Việt Nam tại Nhật Bản.
Tại buổi tọa đàm, diễn giả trình bày về định nghĩa phương pháp photovoice và những ưu điểm, nhược điểm và thách thức trong quá trình ứng dụng phương pháp này trong nghiên cứu khoa học xã hội, đồng thời chia sẻ các phát hiện nghiên cứu về đời sống của người lao động Việt Nam tại Nhật Bản trước, trong và sau đại dịch Covid-19 thông qua việc ứng dụng phương pháp photovoice và chia sẻ những bức ảnh kèm theo những câu chuyện/sự kiện qua những bức ảnh của người lao động Việt Nam tại Nhật Bản (triển lãm ảnh photovoice). Cụ thể là:
Mặc dù có nhiều ưu điểm (như trao quyền cho người tham gia và thúc đẩy sự tham gia và gắn kết của cộng đồng, gắn kết giữa những người tham gia trong dự án, cung cấp dữ liệu định tính phong phú về những sự kiện/trải nghiệm, quan điểm của người tham gia về các khía cạnh của cuộc sống thông qua những bức ảnh đăng tải của họ và có thể tác động đến dư luận, chương trình và chính sách thông qua buổi triển lãm ảnh và những câu chuyện liên quan đến bức ảnh), phương pháp này cũng đặt ra những khó khăn, thách thức nhất định như việc tuyển/mời người tham gia nghiên cứu (người cung cấp thông tin); cỡ mẫu nhỏ và các phát hiện nghiên cứu khó có thể khái quát hóa cho cả bối cảnh rộng lớn; vấn đề về tăng cường sự tương tác của những người tham gia trong việc chia sẻ ảnh và những câu chuyện/sự kiện liên quan đến bức ảnh; và những thách thức về thời gian, tài chính, chất lượng hình ảnh và phân tích dữ liệu nếu triển khai dự án nghiên cứu với số lượng người tham gia nghiên cứu lớn.
Nguyễn Quang Tuấn