Ngày 28/6/2023, nhân dịp kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam, Viện Xã hội học kết hợp với Chi hội Viện Xã hội học, Hội Xã hội học Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Gia đình Việt Nam thời chuyển đổi số”. Diễn giả chính của buổi tọa đàm là PGS.TS Vũ Mạnh Lợi - Chi hội trưởng Chi hội Viện Xã hội học và TS. Trần Nguyệt Minh Thu - Trưởng phòng Đô thị và Công nghệ, Viện Xã hội học.
Nội dung trình bày của tọa đàm đưa ra bức tranh khái quát về sự chuyển đổi gia đình Việt Nam từ quá khứ đến hiện đại. Quá trình hiện đại hóa đã khiến quan hệ hôn nhân và gia đình ngày càng dân chủ, bình đẳng hơn, quyền tự quyết của cá nhân, nhất là người trẻ và phụ nữ ngày càng được tôn trọng hơn. Gia đình chuyển từ đơn vị sản xuất sang đơn vị tiêu dùng và ngày càng theo xu hướng hạt nhân hóa thay vì gia đình nhiều thế hệ như trong xã hội truyền thống. Việc nuôi dạy con cái được chuyển dần cho nhà trường, trẻ em ít có thời gian tự do ở nhà do không có người giám sát và do áp lực phải học thêm. Sự khác biệt giữa các thế hệ trong gia đình dần trở thành thách thức trong xây dựng quan hệ gia đình hài hòa.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số càng làm cho những biến đổi trong gia đình càng thêm sâu sắc. Một mặt, chuyển đổi số khiến các thành viên trong gia đình dễ dàng kết nối với nhau hơn dù ở khoảng cách xa, các tiện ích phục vụ đời sống gia đình ngày càng khiến cuộc sống dễ dàng hơn nhờ ứng dụng các dịch vụ thông minh. Tuy nhiên mặt trái của chuyển đổi số cũng tạo ra nhiều thách thức không nhỏ như giảm thời gian và cường độ giao tiếp của các thành viên trong gia đình dưới một mái nhà; tăng rủi ro về sức khỏe thể chất và tâm thần do phải làm việc nhiều giờ liên tục với máy tính và các thiết bị điện tử khác; rủi ro về bạo lực trên mạng, thông tin phản văn hóa với trẻ em và vị thành niên; xung đột giữa các thế hệ trong gia đình gia tăng do cha mẹ dần mất đi vai trò là tấm gương và uy tín tuyệt đối với con cái. Vì vậy, để gia tăng những lợi ích và giảm thiểu những tác động tiêu cực của chuyển đối số đối với gia đình, các diễn giả nhấn mạnh rằng các thành viên trong gia đình phải học tập không ngừng để có những kỹ năng số phù hợp và có kiến thức định hướng cho hành vi của các thành viên. Cha mẹ cần có kỹ năng xử lý các xung đột phi bạo lực, cần có kỹ năng số và học cách giám sát con cái chưa thành niên sao cho vừa bảo vệ con cái trước những tác động tiêu cực của không gian mạng, vừa không ngăn cản con tiếp cận các nội dung tích cực và cách tiện ích từ không gian số.
Hồ Ngọc Châm