Chính phủ Việt Nam đã thông qua các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) năm 2000 và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) năm 2015 với các hoạt động cụ thể để thực hiện các Chương trình Nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, các chỉ tiêu để theo dõi, đánh giá, giám sát mục tiêu phát triển đòi hỏi phải có những chỉ số tổng hợp, trực tiếp liên quan đến an sinh và phúc lợi của mọi tầng lớp dân cư, không phân biệt vị thế hay đặc điểm kinh tế-xã hội.
Trong tháng 5 và tháng 6 năm 2021, Chương trình khoa học trọng điểm cấp Bộ “Xây dựng Bộ chỉ số đảm bảo an sinh quốc gia” đã triển khai nhiều hoạt động tọa đàm, hội thảo nhằm xây dựng bộ chỉ số an sinh quốc gia với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia xã hội học và khoa học thống kê. Nội dung trình bày, trao đổi và thảo luận tập trung vào các nguyên tắc, phương pháp và kinh nghiệm quốc tế trong việc lựa chọn, thiết kế bộ chỉ số trên cơ sở xác định những vấn đề và chỉ tiêu cần đo lường. GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình và PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học, Phó Chủ nhiệm Chương trình đã chủ trì và điều hành các tọa đàm, hội thảo nói trên.
Bộ chỉ số được xây dựng không dừng lại ở những chỉ tiêu/chỉ số đơn lẻ mà được thiết kế tổng hợp trên cơ sở đa lĩnh vực (kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự, bình đẳng giới) và đa ngành (dân số, lao động, y tế - sức khỏe, giáo dục - đào tạo). Bên cạnh việc xây dựng các chỉ số tổng hợp và thành phần, các nhiệm vụ còn thực hiện hình thành cơ sở dữ liệu của chương trình theo nguyên tắc tận dụng tối đa các dữ liệu hiện có trong nước, ở cả cấp trung ương và địa phương.
Bộ chỉ số an sinh quốc gia sẽ góp phần đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2025, theo hướng công bằng và bao trùm xã hội trong phân bổ và tiếp cận nguồn lực, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực hiện quyền an sinh trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội ở nước ta từ nay đến năm 2030.
Hà Phương