Góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ Viện Xã hội học về các vấn đề cơ bản trong thời kỳ chuyển đổi số, chiều ngày 27 tháng 8 năm 2020, viện Xã hội học đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Một số vấn đề của chuyển đổi số” với khách mời trình bày là GS. Hồ Tú Bảo. Giáo sư là chuyên gia hàng đầu về khoa học dữ liệu trên thế giới, hiện là Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (do GS. Ngô Bảo Châu sáng lập và lãnh đạo), Giám đốc Khoa học Viện John Von Neumann, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh. Giáo sư có nhiều năm sống và làm việc tại Nhật và nguyên là Giáo sư Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (Japan Advanced Institute of Science and Technology: JAIST). Bên cạnh các hoạt động khoa học, GS Hồ Tú Bảo còn tích cực hoạt động quảng bá kiến thức chung, nâng cao nhận thức xã hội thông qua các bài viết, tọa đàm hay các diễn đàn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm, PGS. Vũ Mạnh Lợi cho rằng thời kỳ chuyển đổi số hay cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 (CMCN 4.0) dựa trên nền tảng những đột phá khoa học công nghệ hiện đại (đó là công nghệ sinh học, vật liệu mới, năng lượng... nhưng phần Công nghệ thông tin là quan trọng nhất và trong đó thì cốt lõi là khoa học dữ liệu). Về mặt kinh tế, thời kỳ chuyển đổi số sẽ dẫn đến những tiến bộ vượt bậc về năng suất lao động và làm thay đổi căn bản hệ thống kinh tế cũng như các ngành nghề trong xã hội. Về mặt xã hội, thời kỳ này tạo ra nhiều cơ hội để giải quyết các vấn đề xã hội, song cũng đặt ra nhiều thách thức to lớn. So với các cuộc cách mạng công nghiệp trước, điểm khác biệt của những thay đổi xã hội do thời kỳ này gây ra sẽ rất nhanh, trên diện rộng và sâu sắc. Đây là thách thức rất to lớn đối với năng lực thích ứng của xã hội, gia đình và từng cá nhân. Không phải ai cũng thích ứng thành công và nguy cơ phân hóa xã hội, bất bình đẳng xã hội rất lớn.
Trong bài trình bày, GS. Hồ Tú Bảo đã mở đầu với những chủ trương, chính sách ở tầm vĩ mô về chuyển đổi số, trong đó nhấn mạnh đến “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với ba trụ cột là phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Sau đó là các khái niệm cơ bản của chuyển đổi số và khái lược về các cuộc cách mạng công nghiệp, ở đó CMCN 4.0 với đặc trưng quan trọng nhất là số hóa và xử lý dữ liệu thông minh làm thay đổi sâu sắc mọi khía cạnh đời sống trên phạm vi toàn cầu. Tiếp theo là các cấp độ của chuyển đổi số, các bước chuyển đổi số cũng như những vấn đề liên quan đến hạ tầng và nền tảng số. Ông cho rằng quá trình chuyển đổi số có thể là cơ hội cuối cùng của Việt Nam (khi đã ba lần đứng ngoài các cơ hội của cách mạng cộng nghiệp) để bứt phá và vươn lên trong nhóm những đất nước phát triển. Có ba yếu tố chính của chuyển đổi số là con người, thể chế và công nghệ, trong đó ông cho rằng con người là yếu tố quan trọng nhất. Từ đó, ông cũng đề cập đến các vấn đề như giáo dục và đào tạo thời chuyển đổi số hay chuyển đổi số doanh nghiệp.
Tại buổi tọa đàm, các cán bộ của Viện Xã hội học cũng đã có những câu hỏi, trao đổi, thảo luận với GS. Hồ Tú Bảo về các chủ đề như bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo, tương lai của các nghề nghiệp, giáo dục và các vấn đề liên quan đến dữ liệu (như luật chia sẻ dữ liệu, dữ liệu mở, bảo mật) cũng như ý tưởng hình thành nhóm nghiên cứu liên ngành trong việc nghiên cứu và phổ biến các kiến thức về xã hội số mà Viện Xã hội học có thể là đơn vị khởi xướng.
Đây là cơ hội để các cán bộ của Viện Xã hội học mở rộng vốn hiểu biết cũng như nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với tương lai của Việt Nam, từ đó có thể chủ động học hỏi và sáng tạo cho phù hợp với bối cảnh mới.

Nguyễn Tuấn Minh