Tạp chí Xã hội học, thành tựu 40 năm và định hướng phát triển

28/03/2024

Tạp chí Xã hội học tiếng Việt được phát hành số đầu tiên vào quý 1 năm 1983 theo Giấy phép xuất bản báo chí số 26/XB-BC, ngày 01 tháng 01 năm 1983. Là cơ quan ngôn luận của Viện Xã hội học cũng như của ngành Xã hội học Việt Nam, Tạp chí Xã hội học xuất bản mỗi năm bốn số và đến nay đã phát hành được 160 số với tổng cộng 2.131 bài báo khoa học. Từ năm 2013, tạp chí phát hành thêm bản tiếng Anh (Sociology) mỗi năm hai số. Trải qua bốn thập kỷ xây dựng và phát triển, Tạp chí Xã hội học luôn là diễn đàn khoa học có uy tín và cho đến nay vẫn là tạp chí chuyên ngành xã hội học duy nhất ở Việt Nam, có nhiệm vụ phổ biến tri thức xã hội học thế giới và công bố các kết quả nghiên cứu lý luận và thực nghiệm xã hội học nhằm làm rõ những vấn đề xã hội của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ở Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động, Tạp chí Xã hội học luôn tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học có uy tín. Hội đồng biên tập tạp chí gồm những nhà xã hội học hàng đầu có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu. Đội ngũ cộng tác viên tham gia viết bài là các nhà nghiên cứu trong và ngoài viện, các giảng viên và cán bộ quản lý có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn ở các bộ ngành. Nội dung các bài công bố trên tạp chí thời gian qua đề cập đến các vấn đề chung có tính lý luận, giới thiệu kết quả nghiên cứu thực nghiệm, trao đổi nghiệp vụ và cập nhật phổ biến tri thức mới của xã hội học thế giới.

Độc giả chính của Tạp chí Xã hội học là các cán bộ nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học; các nhà quản lý và hoạch định chính sách trong lĩnh vực xã hội học và các chuyên ngành khoa học xã hội; các cá nhân và các cơ quan, tổ chức xã hội trong nước và quốc tế quan tâm đến lĩnh vực này. Trong 40 năm qua, Tạp chí Xã hội học không chỉ luôn thu hút sự quan tâm của giới độc giả thuộc chuyên ngành xã hội học mà còn là địa chỉ hấp dẫn các học giả khoa học xã hội trong và ngoài nước có nhu cầu tra cứu thông tin về những vấn đề xã hội, quản lý phát triển xã hội Việt Nam. Tạp chí Xã hội học được Hội đồng Chức danh giáo sư cấp Nhà nước công nhận là tạp chí uy tín hàng đầu với số điểm tối đa dành cho một tạp chí khoa học xã hội xuất bản ở Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Tạp chí Xã hội học đã hoàn thành tốt nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Viện Xã hội học và ngành xã hội học Việt Nam. Các chủ đề, bài viết công bố trên tạp chí tiếng Việt và tiếng Anh đã cập nhật, truyền tải tri thức lý luận xã hội học, đóng góp tích cực vào hoạt động đào tạo, giảng dạy chuyên ngành xã hội học ở Việt Nam; Các kết quả khảo sát thực nghiệm được công bố trên tạp chí mang đến cho độc giả  những nhận thức mới về thực tiễn chuyển đổi xã hội và đất nước 40 năm qua, chỉ ra những hạn chế và thành công của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ở Việt Nam. Đặc biệt, các kết quả thực nghiệm và luận chứng khoa học từ tiếp cận xã hội học là cơ sở cho hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước ta trong quá trình quản lý phát triển xã hội. Qua 4 thập kỷ hoạt động, Tạp chí Xã hội học đã nhiều lần đạt danh hiệu tập thể lao động suất xắc, hàng chục lần nhận được bằng khen của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ.

Sự kiện Tạp chí Xã hội học bản tiếng Việt được đổi tên thành “Tạp chí Xã hội học Việt Nam”, bản tiếng Anh đổi tên thành “Vietnam Journal of Sociology” theo Giấy phép hoạt động báo chí in số 361/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 29/9/2023 là dấu mốc mới để Tạp chí tiếp nối truyền thống phát triển của Viện Xã hội học và Ngành Xã hội học Việt Nam trong việc phổ biến cập nhật tri thức và kết quả nghiên cứu xã hội học, là diễn đàn trao đổi của giới nghiên cứu trong nước và quốc tế. Đây cũng là bước đi cần thiết để Tạp chí tiếp tục nâng cao chất lượng, đẩy mạnh hội nhập, tiến tới tham gia vào các hệ thống chỉ số trích dẫn quốc tế. Trong thập kỷ tới, Tạp chí phấn đấu duy trì vị thế là cơ quan ngôn luận Xã hội học hàng đầu ở Việt Nam, tiếp tục hoàn thiện để đạt chuẩn quốc tế và có những bước phát triển thành công nhiều hơn nữa. Để đạt được mục tiêu đặt ra, Tạp chí Xã hội học Việt Nam sẽ tập trung triển khai một số nhóm giải pháp sau:

  • Tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn bài viết được công bố. Định hướng này sẽ giúp tạp chí chủ động mở rộng và đa dạng hóa nguồn bài viết có chất lượng từ các nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên sau đại học, các chuyên gia, nhà quản lý ở các bộ ngành và địa phương trên cả nước, kể cả các học giả Việt kiều và quốc tế. Đổi mới cả nội dung và hình thức thể hiện theo hướng bàn luận chuyên sâu về những vấn đề học thuật và thực tiễn xã hội đang đặt ra.
  • Quan tâm đến việc đổi mới quy trình tiếp nhận, phản biện, biên tập và xuất bản. Để thực hiện định hướng này cần xây dựng và đổi mới quy trình xuất bản tạp chí từ khâu tiếp nhận bản thảo bài đáp ứng khuôn mẫu tạp chí đến khâu phản biện; ứng dụng công nghệ mới trong tất cả các khâu biên tập; in ấn; phát hành. Trong đó, chú trọng hơn nữa công tác phản biện kỹ về chuyên môn (mời chuyên gia giỏi, độc lập tham gia) để nâng cao chất lượng khoa học của từng bài báo và rộng hơn nữa là nâng cao chất lượng xuất bản của tạp chí.
  • Đẩy mạnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng công tác xuất bản của tạp chí. Theo định hướng này tạp chí sẽ đẩy mạnh ứng dụng số hóa tiến tới xuất bản trực tuyến tạp chí, áp dụng triệt để các phần mềm trong hoạt động của tạp chí, tạo cơ sở dữ liệu đồng bộ để các cơ quan bộ ngành, địa phương, các học giả, học viên sau đại học và sinh viên thuận tiện trong việc khai thác, sử dụng và trích dẫn thông tin của tạp chí. Tiếp tục quan tâm đến chỉ số xuất bản và hợp tác quốc tế để tạp chí không chỉ tham gia vào hệ thống chỉ số trích dẫn Việt Nam (VCI) do Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước xây dựng mà còn là cơ sở để tạp chí có thể gia nhập vào hệ thống chỉ số trích ACI và các hệ thống khác trong khu vực và trên thế giới; cải tiến, đổi mới tạp chí khoa học theo các chuẩn của VCI; xây dựng kế hoạch và chiến lược trong việc hợp tác xuất bản tạp chí, cũng như hợp tác giữa đội ngũ làm tạp chí với các cơ quan, các viện nghiên cứu, các trường Đại học trong khu vực và trên thế giới.
  • Chú trọng hơn nữa đến việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ làm công tác tạp chí. Trong đó quan tâm đến hoạt động đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ trẻ làm công tác tạp chí giỏi về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ báo chí và hội tụ phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động của tạp chí khoa học chuyên ngành. Các cán bộ, biên tập viên trẻ của tạp chí sẽ phấn đấu không ngừng học hỏi tích lũy kiến thức và kinh nghiệm để đảm nhận các công việc chủ đạo của tạp chí, như: biên tập, biên dịch, hiệu đính, chế bản; năng lực ngoại ngữ, tin học.
  • Đổi mới thành phần và hoạt động của Hội đồng biên tập, cộng tác viên, và xem xét việc lập Quỹ biên tập của tạp chí. Quan tâm đến việc đổi mới hội đồng biên tập để tiếp nối thế hệ và huy động sự tham gia đóng góp chuyên môn của các nhà khoa học có uy tín trong nước và quốc tế. Việc lập quỹ biên tập là rất cần thiết phải tính đến trong thời gian tới nhằm có thêm nguồn lực tài chính phục vụ cho công tác đặt bài từ các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước, mời chuyên gia khoa học phản biện độc lập, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, máy tính, phần mềm chuyên dụng, v.v… để đảm bảo bộ máy và quy trình xuất bản được vận hành có hiệu quả trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhân kỷ niệm 40 năm hoạt động và mang tên mới, Tạp chí Xã hội học Việt Nam xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan chức năng, các biên tập viên, các tác giả, đội ngũ cộng tác viên cùng toàn thể bạn đọc đã nhiệt tình quan tâm và hợp tác trong suốt quá trình phát triển của Tạp chí. Tạp chí Xã hội học Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, tiếp tục nỗ lực để thành công, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành xã hội học Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.