Tạp
chí Xã hội học ra đời cùng với Viện Xã hội học. Đến nay Tạp chí đã hơn
20 năm. Giáo sư Vũ Khiêu - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội
Việt Nam, Viện trưởng Viện Xã hội học, đảm nhiệm cương vị Tổng Biên
tập đầu tiên của Tạp chí.
Tạp chí có chức năng là cơ quan ngôn luận của ngành xã hội học, là
diễn đàn của giới nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng xã hội học trong cả
nước.Tạp chí có các nhiệm vụ:-
Công bố các bài nghiên cứu nhằm góp phần giải quyết những vấn đề lý
luận và thực tiễn của Xã hội học, cung cấp những luận cứ khoa học góp
phần cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phổ
biến kiến thức khoa học xã hội học nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu,
giảng dạy và ứng dụng xã hội học phục vụ hoạt động tổ chức và quản lý
xã hội.-
Là diễn đàn của các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn, trao đổi,
tranh luận về những vấn đề lý luận và thực tiễn thuộc lĩnh vực Xã hội
học, thúc đẩy sự phát triển của khoa học Xã hội học.
Thông
tin, giới thiệu những thành tựu khoa học xã hội học của Việt Nam ra
thế giới, giới thiệu thành tựu của khoa học Xã hội học ở các nước với
bạn đọc Việt Nam.
Tạp chí luôn theo sát đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoàn
thành tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn qua các thời kỳ cách mạng
vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
20
năm qua, ngành Xã hội học ở Việt Nam đã có những bước phát triển và
trưởng thành nhanh chóng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy
truyền bá và ứng dụng xã hội học vào hoạt động tổ chức, quản lý xã hội.
Nhiều cơ quan, tổ chức nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng Xã hội học đã
được thành lập, song, đến nay, Tạp chí Xã hội học vẫn là cơ quan ngôn
luận duy nhất của ngành Xã hội học. Tạp chí đã xứng đáng với vai trò là
tạp chí khoa học chuyên ngành, có uy tín trong giới nghiên cứu, giảng
dạy ứng dụng xã hội học ở trong nước và trong chừng mực nhất định, tạp
chí đã có những ảnh hưởng đến một một bộ phận bạn đọc ở nước ngoài.
Trong mỗi số tạp chí có một phần chung dành để in các bài nghiên cứu lý
luận, lịch sử xã hội học, lý thuyết xã hội học đại cương, lý thuyết xã
hội học chuyên biệt.
Phần xã hội học thực nghiệm, trình bày các kết quả nghiên cứu xã hội học
được rút ra từ các đề tài, từ các chương nghiên cứu điền dã. Đây đang
là phần có nhiều bài viết với nhiều trang in của tạp chí, chiếm khoảng
1/3 tổng số trang in.
Phần Sự kiện bình luận dành để các nhà chuyên môn nhận định và bình luận
về các vấn đề, các sự kiện xã hội có ý nghĩa thời sự cấp thiết, từ đó,
chỉ ra ý nghĩa xã hội học trong sự phân tích để góp phần vào hoạt động
tổ chức, quản lý xã hội.
Phần Trao đổi nghiệp vụ dành để trao đổi ý kiến về một chủ đề nào đó được nhiều người cùng quan tâm.
Phần Xã hội học thế giới để đăng các bài về tình hình nghiên cứu xã hội
học trên thế giới. Đây là những bài tổng thuật do toà soạn thực hiện,
hoặc toà soạn đặt làm, cũng có thể là các bài dịch từ các tạp chí Xã hội
học nước ngoài.
Ngoài ra, tạp chí còn có các mục thường kỳ như: Giới thiệu sách, Thông tin xã hội học, Giới thiệu luận án Xã hội học...
Cho đến năm 2008, Tạp
chí Xã hội họp đã xuất bản trên 100 số, với khoảng 1.600 bài nghiên
cứu lý luận và thực nghiệm xã hội học, thông tin, trao đổi nghiệp vụ và
480 tin tức hoạt động xã hội học ở phạm vi trong nước và quốc tế.
Từ
những năm 1983 - 1986, đây là thời kỳ đất nước chuẩn bị bước vào thời
kỳ Đổi mới. Những bài nghiên cứu của Tạp chí chủ yếu tập trung vào các
vấn đề nghiên cứu xã hội học đô thị, trong đó nổi bật lên vấn đề nghiên
cứu nhà ở. Vào thời kỳ này các nghiên cứu xã hội học nông thôn, vấn đề
lao động và việc làm, nghiên cứu xã hội học gia đình...cũng đã được
công bố. Những bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí Xã hội học cho thấy rõ
những biến đổi xã hội đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cần đối với công
cuộc Đổi mới đất nước, đổi mới các hoạt động kinh tế, xã hội theo các
mục tiêu phát triển của Đảng và Nhà nước đề ra. Tạp chí coi trọng việc
phổ biến tri thức xã hội học đối với bạn đọc, đứng vững trên lập trường
mác-xít phê phán xã hội học tư sản...
Từ
năm 1986 đến 2003, đây là thời kỳ đất nước chuyển từ nền kinh tế bao
cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những
nghiên cứu đăng trên Tạp chí đã tập trung làm sáng tỏ cơ sở lý luận của
đường lối Đổi mới do Đảng và Nhà nước khởi xướng, phân tích các biến
đổi xã hội dưới tác động của đường lối Đổi mới tới các tổ chức thiết
chế xã hội, các giai cấp và tầng lớp xã hội, các quan hệ xã hội và đề
xuất các phương hướng cho hoạt động tổ chức, quản lý xã hội theo mục
tiêu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các bài viết
chủ yếu tập trung vào các chủ đề sau:
Mô
tả và phân tích thực trạng cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội, phân hóa
giàu nghèo trong thời kỳ đổi mới; Các vấn đề xã hội học của đời sống
kinh tế và nguồn nhân lực; Biến đổi hệ thống phúc lợi xã hội; Nghiên
cứu động thái dân số; Xã hội học về sức khỏe dân cư và hệ thống chăm sóc
sức khỏe.
Các lĩnh vực nghiên cứu xã hội học chuyên biệt gắn với cơ cấu xã hội như
xã hội học đô thị, xã hội học nông thôn, xã hội học trẻ em, xã hội học
thanh niên, xã hội học gia đình, quan hệ thân tộc, hoặc các chuyên
ngành khác của xã hội học như xã hội học truyền thông đại chúng và dư
luận xã hội, xã hội học văn hóa... cũng đã được thể hiện qua nhiều công
trình nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Xã hội học.
Công tác tổ chức của Tạp chí cũng được coi trọng để phù hợp với hoạt
động chuyên môn. Tạp chí có Hội đồng biên tập gồm những thành viên là
các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, tiến sĩ chuyên ngành xã hội
học có năng lực chuyên môn cao, có khả năng đọc phản biện các bài gửi
đến tòa soạn, tạo điều kiện để Ban biên tập tổ chức bài viết và Tổng
Biên tập ra quyết định công bố các bài trên Tạp chí.
Tạp chí có đội ngũ cộng tác viên đông đảo, trên 100 người, là những giáo
sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên viên, nhà giáo, tham gia
hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng xã hội học tại các Viện,
các Trung tâm nghiên cứu, các Trường Đại học, các tổ chức NGO,... trên
các miền đất nước.
Để
hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình, Tạp chí Xã hội học đã được sự
quan tâm của Lãnh đạo Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia,
của Viện Xã hội học, của các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy xã hội học,
sự cộng tác thân thiết của các cộng tác viên và của đông đảo bạn đọc.
Nhân dịp tròn 20 năm xuất bản, Tạp chí Xã hội học được xin được bày tỏ
lòng biết ơn sâu sắc đối với các cấp lãnh đạo, các ban, ngành và toàn
thể bạn viết, bạn đọc đã nhiệt tình quan tâm, cộng tác đối với Tạp chí.
Những biến đổi xã hội trong bối cảnh của công cuộc Đổi mới dưới sự lãnh
đạo của Đảng và Nhà nước đặt ra các yêu cầu cấp bách đối với khoa học
xã hội học. Gắn bó chặt chẽ với thực tiễn, đề xuất các phương hướng
nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội theo định
hướng xây dựng đất nước Việt Nam "Dân giầu, nước mạnh, xã hội công
bằng, dân chủ, văn minh" là nhiệm vụ của khoa học xã hội học và của Tạp
chí Xã hội học.
Gần
đây, Hội nghị Trung ương V, Khóa IX, đã thông qua Nghị quyết về "Nhiệm
vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới", xác
định những yêu cầu cấp thiết về công tác tư tưởng lý luận đối với thực
tiễn cuộc sống. Là diễn đàn của một ngành khoa học có ưu thế trong việc
phát hiện các vấn đề lý luận từ thực tiễn đời sống, Tạp chí Xã hội học
quán triệt tinh thần ấy và lấy đó làm mục tiêu của hoạt động xuất bản
và phương hướng phấn đấu để xứng đáng với niềm tin tưởng của bạn đọc.