I. Chức năng và nhiệm vụ
Thư viện là bộ phận có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc phục vụ hoạt động nghiên cứu và đào tạo xã hội học. Do nhận thức được ý nghĩa của hoạt động này nên lãnh đạo Viện qua các thời kỳ đã rất quan tâm phát triển Thư viện Xã hội học ngay từ khi thành lập.
Xuất phát từ chức năng và nhiệm vụ chung của Viện Xã hội học, chức năng nhiệm vụ của Thư viện Viện Xã hội học là:
- Lưu trữ và phổ biến các ấn phẩm nghiên cứu liên quan đến xã hội học.
- Tiến hành xây dựng, tổ chức hoạt động thông tin- thư viện phục vụ cán bộ nghiên cứu nói chung nhằm đáp ứng nhu cầu tìm tin của bạn đọc một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác. Thư viện sử dụng những phương tiện thông tin hiện đại đồng thời kết hợp việc sử dụng các phương tiện tìm tin truyền thống như hệ thống mục lục, cùng với việc xây dựng các cơ sở dữ liệu giúp cho những cán bộ nghiên cứu tìm được tài liệu nhanh nhất.
- Biên soạn các ấn phẩm thông tin và biên soạn thư mục thông báo khoa học chuyên đề, giúp các nhà nghiên cứu rút ngắn thời gian sưu tầm tài liệu.
- Tổng quan tài liệu theo chủ đề nghiên cứu của các phòng và Viện đặt hàng. Hàng năm thư viện sưu tầm các bài báo theo chuyên đề có liên quan đến ngành xã hội học góp phần hỗ trợ người dùng tin.
- Tổ chức trưng bày, triển lãm tài liệu mới hay tài liệu theo chuyên đề, giới thiệu đến độc giả những tài liệu cụ thể giúp họ tìm được nguồn tài liệu phong phú, để đi sâu nghiên cứu, khai thác thông tin.
II. Giới thiệu về nguồn lực thông tin tại thư viện
Nguồn lực thông tin của Viện Xã hội học được hình thành và phát triển trong hơn 20 năm (1983-2007). Số lượng tài liệu khi mới thành lập Viện chỉ có hơn 250 bản sách, trang thiết bị của thư viện còn phải dùng chung với phòng hành chính nhưng đến nay lên tới hơn 12.500 bản (sách, tư liệu...) và nhiều loại tạp chí khác nhau. Hiện nay hàng năm Thư viện thường được bổ sung khoảng 300 cuốn sách tiếng Việt, 150 cuốn sách tiếng Anh, hơn 30 loại tạp chí Việt và khoảng 40 loại tạp chí tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc.
Có thể chia toàn bộ tài liệu hiện có tại Thư viện Viện Xã hội học thành các thành phần chính như sau:
1. Từ điển, bách khoa toàn thư liên quan đến khoa học xã hội và xã hội học
2. Các sách nói về Lý thuyết, phương pháp nghiên cứu xã hội học và các sách xã hội học chuyên biệt như: xã hội học gia đình, xã hội học dân số, xã hội học nông thôn, xã hội học đô thị, xã hội học sức khoẻ.......
3. Các loại tạp chí Xã hội học, xã hội học chuyên ngành và các ngành liên quan với xã hội học
4. Các báo cáo nghiên cứu, kết quả khảo sát thực nghiệm, tài liệu chuyên khảo ...
5. Số liệu điều tra cơ bản quốc gia về dân số, niên giám thống kê, mức sống hộ gia đình, nhà ở...
6. Các tài liệu khác có liên quan đến các lĩnh vực cụ thể mà Viện nghiên cứu hàng năm như an sinh xã hội, dân chủ cơ sở, tham nhũng ...
Số lượng sách tại Thư viện (tính đến cuối năm 2009):
* Sách: khoảng 11.500 cuốn gồm nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Đức và tiếng Nga v.v.
* Tài liệu tra cứu: 350 cuốn
* Báo, tạp chí: 38 loại báo trong nước
47 loại tạp chí tiếng Việt
32 tạp chí tiếng nước ngoài
(tổng số khoảng 8.500 bản)
* Tư liệu: 2.900 cuốn
III. Cơ sở vật chất
Thư viện Viện Xã hội học đã được đầu tư cơ sở vật chất và các trang thiết bị đáp ứng được nhu cầu của người dùng tin hiện nay tại thư viện. Thư viện mới chuyển đến Tầng 9, Số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội. Các phòng làm việc được trang bị hệ thống chiếu sáng, máy hút ẩm, điều hòa, quạt thông gió. Các phương tiện để làm việc bao gồm: 4 máy tính được nối mạng, trong đó có 2 máy tính có thể truy cập internet qua đường truyền ADSL, 1 máy in laser.
Thư viện sử dụng phần mềm WINISISI để quản lý, khai thác thông tin. Viện đã bước đầu thực hiện "Tin học hóa" công tác thông tin thư viện, xây dựng cơ sở dữ liệu trên máy vi tính và internet để phục vụ bạn đọc, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ nghiên cứu, tiến tới hiện đại hóa công tác thông tin - thư viện. Ngoài ra, bạn đọc có thể tra cứu danh mục sách của thư viện từ bên ngoài qua website của Viện Xã hội học
Thư viện