Tóm tắt kết quả đề tài cơ sở "Giá trị bảo vệ môi trường của người dân nông thôn ngày nay: Nghiên cứu trường hợp xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, Thái Bình"

25/12/2023

Loại đề tài 

Đề tài cơ sở

Chủ nhiệm đề tài

TS. Đoàn Kim Thắng

Thời gian thực hiện

01/01/2023 -12/2013

Tổ chức chủ trì đề tài

Viện Xã hội học

Mục tiêu nghiên cứu

1. Mục tiêu tổng quát:

Nhận diện và phân tích các biểu hiện giá trị bảo vệ môi trường của người dân nông thôn ngày nay.

2. Mục tiêu cụ thể:

  • Nhận diện và phân tích giá trị bảo vệ môi trường của người dân nông thôn thông qua nhận thức, thái độ và đánh giá của họ;
  • So sánh sự khác biệt giữa các nhóm xã hội ở nông thôn trong nhận thức, thái độ và đánh giá về giá trị bảo vệ môi trường.

Phương pháp nghiên cứu

 1. Phương pháp và mẫu nghiên cứu.

Đề tài này sử dụng các phương nghiên cứu sau đây:

   - Phân tích tài liệu:

   - Tổng hợp, phân tích các nghiên cứu về giá trị, bảo vệ môi trường;

   - Phân tích tài liệu trên các web có thông tin liên quan tới nội dung nghiên cứu.

   - Phương pháp nghiên cứu định lượng:

       + Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu chính là phương pháp định lượng với dữ liệu được chọn mẫu ngẫu nhiên, sử dụng công cụ nghiên cứu là bảng hỏi. Dự kiến cuộc khảo sát sẽ được thực hiện vào 3-4/2023, điều tra viên của đề tài hỏi và điền vào phiếu hỏi trực tiếp 200 hộ dân.

      + Bảng hỏi cấu trúc soạn sẵn được sử dụng để thu thập thông tin ở cấp độ hộ gia đình. Một số nội dung chính được thể hiện trong bảng hỏi: i) Thông tin cá nhân và hộ gia đình; ii) Sự quan tâm, kỳ vọng về bảo vệ môi trường; iii) Quan niệm, thái độ về bảo vệ môi trường; và iv) Các hoạt động bảo vệ môi trường.

  - Các phép phân tích số liệu định lượng trong nghiên cứu này bao gồm:

   + Thống kê mô tả: tỷ lệ %, giá trị trung bình.

   + Kiểm định Khi bình phương để kiểm tra mối liên hệ giữa 2 biến số định danh/biến định danh với biến số thứ bậc; kiểm định hệ số gamma của Goodman và Kruskal để kiểm tra mối liên hệ giữa 2 biến thứ bậc.

      + Kiểm định T-test, Anova để so sánh các giá trị trung bình.

Tóm tắt kết quả/phát hiện    chính của đề tài         

Tóm tắt các phát hiện/kết quả chính của đề tài (từ 01-1,5 trang, tương đương khoảng 600-1000 từ)

           Kết quả khảo sát tại xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cho thấy, tuyệt đại đa số người dân được hỏi cho biết cần có các hoạt động để giữ gìn môi trường sống, sinh hoạt trong lành, sạch đẹp. Người dân được hỏi làm các nghề nghiệp khác nhau, nhóm tuổi khác nhau đều có mối quan tâm về bảo vệ môi trường khá cao. Trình độ học vấn của người dân có mối tương quan tỷ lệ thuận với nhu cầu mong muốn trong vấn đề bảo vệ môi trường. Người dân có trình độ học vấn cao hơn, tỷ lệ mong muốn về bảo vệ môi trường cao hơn so với các nhóm có trình độ học vấn khác. Mức sống hộ gia đình có sự khác biệt khá đáng kể về mối quan tâm đến ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi trường ở nông thôn.

              Trong số các mong muốn của người dân để bảo vệ môi trường ở nông thôn hiện nay qua khảo sát cho thấy, mong muốn cao nhất là được tiếp cận với các tài liệu về bảo vệ môi trường, mong muốn này không có sự khác biệt đáng kể giữa người dân được hỏi là nam hay nữ. Qua đây cho thấy, vấn đề tuyên truyền, tài liệu truyền thông về bảo vệ môi trường ở nông thôn hiện nay cần được cung cấp kịp thời cho mọi người dân trong cộng đồng, tạo cho họ có đầy đủ kiến thức để bảo vệ môi trường.

            Có nhiều lý do khiến vấn để bảo vệ môi trường ở nông thôn còn gặp những rào cản, trong số đó có vấn đề về nhận thức của người dân. Còn một tỷ lệ khá đáng quan tâm người dân còn thờ ơ với vấn đề bảo vệ môi trường và cho rằng vấn đề môi trường không có ảnh hưởng gì đáng kể đến các hoạt động đời sống và sinh hoạt chung của người dân. Một trong những lý do khiến một bộ phận người dân này còn coi nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường là sự thiếu hiểu biết về bảo vệ môi trường, điều này thường dẫn đến việc ưu tiên phát triển kinh tế hơn bảo tồn môi trường, và thường đặt lợi nhuận ngắn hạn được ưu tiên hơn tính bền vững lâu dài. Đây là khoảng trống về nhận thức và thái độ đối với vấn đề BVMT của người dân nông thôn rất cần có sự quan tâm của cả chính bản thân người dân và các nhà hoạch định chính sách nhằm phát triển hài hòa giữa kinh tế và bảo vệ môi trường với phát triển nông thôn bền vững.

Nghiên cứu về hành vi bảo vệ môi trường nông thôn cho thấy, hiện nay người dân ở các nhóm tuổi, nhóm trình độ học vấn, nhóm nghề nghiệp khác nhau có mối quan tâm với tỷ lệ khá cao về vấn đề môi trường so với các quan tâm khác trong sản xuất và đời sống sinh hoạt. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân không quan tâm đến việc BVMT. Sự thiếu quan tâm này sẽ vô hình chung có tác động đến sự suy thoái môi trường, ảnh hưởng chung đến cuộc sống của mọi người dân trong cộng đồng. Kết quả nghiên cứu tại Văn Lang cũng cho thấy, mức sống hộ gia đình khác nhau, có sự khác biệt khá đáng kể về mối quan tâm đến ô nhiễm môi trường và hành vi bảo vệ môi trường.

            Nghiên cứu cũng quan tâm đến các hành vi của người dân thông qua các hành động để ứng phó, khắc phục và xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn. Người dân được hỏi đã tuân thủ với tỷ lệ cao gần như tuyệt đối các quy định về bảo vệ môi trường, đồng thời nhắc nhở người thân trong gia đình tuân thủ quy định về BVMT. Tuy nhiên, việc phê phán hay tố cáo các hành vi gây ô nhiễm môi trường ở nông thôn vẫn còn rất hạn chế, các hành vi bảo vệ môi trường chưa trở thành dư luận tích cực đối với mọi người dân. 

               Trình độ học vấn của người dân có mối tương quan theo chiều tích cực với các hành vi BVMT. Những người có trình độ học vấn cao hơn, thì việc tuân thủ với các quy định về bảo vệ môi trường cao hơn bằng những hành động cụ thể. Giới cũng có khác biết ở một vài hành vi về BVMT. Tuy nhiên, hành động “Tố cáo người có hành vi gây hại đến môi trường” tỷ lệ này còn khá thấp ở cả nam và nữ.

          Hành vi bảo vệ môi trường ở nông thôn hiện nay cũng được xem xét trong khía cạnh tham gia   đóng góp về vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Nhóm người dân làm nghề kinh doanh dịch vụ, nhóm công nhân viên chức và nhóm làm thuê có những đóng góp nhiều hơn so với các nhóm khác về tiền, ngày công lao động và ý kiến tư vấn về bảo vệ môi trường. Về khía cạnh này, nhóm nông dân lại có tỷ lệ đóng góp thấp hơn so với các nhóm nghề nghiệp khác.

           Kết quả khảo sát những người được hỏi ở các nhóm tuổi khác nhau tại xã nghiên cứu, cũng cho thấy đóng góp cho các hoạt động BVMT về “ngày công lao động” có tỷ lệ cao nhất so với các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, nhóm trẻ hơn (≤ 40 tuổi, và 41-59 tuổi) có tỷ lệ đóng góp về “tiền bạc” cho hoạt động BVMT ở nông thôn cao hơn nhóm từ 60 tuổi trở lên.

            Mức sống hộ gia đình có ảnh hưởng nhiều đến các hành vi bảo vệ môi trường của người dân. Hộ gia đình ở nông thôn có mức sống khá giả đóng góp nhiều hơn về “tiền bạc”, “ngày công lao động”, “phương tiện/công cụ”, “đất đai” và “ý kiến góp ý/tư vấn” đối với các hoạt động BVMT so với các nhóm mức sống khác trong cộng đồng.

              Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã và đang trở thành một xu thế phát triển tất yếu. Tuy nhiên, quá trình này cũng đã tạo ra những mặt trái, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh chóng, cần có những giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động này đến người dân sinh sống tại khu vực nông thôn hiện nay. Môi trường nông thôn đang chịu những áp lực các hoạt động dân sinh và sản xuất. Các hoạt động sản xuất ở nông thôn phần lớn là quy mô hộ gia đình, gần khu dân cư, hình thức sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, chưa đầu tư cho hoạt động BVMT. Đồng thời, việc thực hành việc xử lý nước thải sản xuất và sinh hoạt của người dân chưa hiệu quả cũng tạo ra những áp lực không nhỏ đối với môi trường nông thôn.

               Các hoạt động nông nghiệp cùng với những hoạt động dịch vụ, sinh hoạt đã làm xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn. Trong sản xuất nông nghiệp, do lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các nguồn nước ở hồ, ao, kênh mương bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khỏe người dân…Trong hoạt động quản lý, BVMT còn những bất cập. Nhận thức của một số bộ phận người dân nông thôn chưa đầy đủ; còn thiếu sự hợp tác, liên kết, chung tay của cộng đồng trong bảo vệ môi trường; thiếu sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương để hành động; nghiêm trọng hơn là một số bộ phận người dân chưa thấy rõ được nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn sẽ có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó có sức khỏe người dân.

                 Nghiên cứu này thực hiện khảo sát tại một xã nông thôn đồng bằng sông Hồng đã cho một bức tranh khá rõ nét về tình trạng nêu trên. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng còn những hạn chế, do dữ liệu thu được chỉ mới từ khảo sát tại một xã nông thôn đồng bằng sông Hồng được xem như nghiên cứu trường hợp. Giá trị nghiên cứu này sẽ cao hơn, nếu nghiên cứu được thực hiện ở các vùng nông thôn Việt Nam với diện rộng hơn và quy mô hơn.

Khuyến nghị (nếu có)

         Đối với lĩnh vực BVMT nông thôn, cần có cách nhìn toàn diện để giải quyết một cách bền vững. Đồng thời, bảo vệ môi trường không chỉ là khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, mà còn phải giảm thiểu các tác động xấu, các hành vi phát thải, từ đó đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như:

          Thứ nhất, kết quả nghiên cứu cho thấy, còn một bộ phận người dân nhận thức về vấn đề BVMT chưa cao; chưa có ý thức BVMT, do đó cần cần nâng cao nhận thức và ý thức về bảo vệ môi trường của một số bộ phận người dân trong cộng đồng - đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường nông thôn. Bảo vệ môi trường nông thôn, không thể tách rời được cộng đồng và để làm sao người dân sẽ tự nguyện áp dụng các giải pháp sản xuất sạch khi giữ nguyên và gia tăng giá trị sản xuất kinh tế, và bảo vệ được sức khỏe cho chính bản thân người dân, gia đình và cộng đồng. Người dân sẵn sàng tự nguyện tham gia các hoạt động BVMT, đóng góp vật chất và ngày công cho các hoạt động BVMT nông thôn. Do đó, cần thay đổi cách tiếp cận, là phải phân tích, làm nổi bật lên được những giá trị mà người dân được trực tiếp thụ hưởng, khi thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường.

            Thứ hai, thông qua hệ thống thông tin truyền thông cần tuyên truyền để việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày của người dân bảo đảm đúng quy định. Giảm thiểu tình trạng đáng báo động về việc người dân, doanh nghiệp tại địa phương xả trực tiếp chất thải sinh hoạt và sản xuất ra ao, hồ, kênh, mương…gây ô nhiễm đất và ô nhiễm nguồn nước trong cộng đồng. Việc sử dụng tràn lan hóa chất bảo vệ thực vật, như lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu được người dân sử dụng không theo quy định, không có sự quản lý chặt chẽ, điều này không chỉ tạo những những nông sản không bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh gây hại cho sức khỏe người sử dụng mà còn làm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước ngầm và nước mặt chính những nơi sản xuất nông nghiệp này. 

             Thứ ba, về vấn đề chính sách thực tế cho thấy, chúng ta còn thiếu hụt các chính sách cụ thể có tính khả thi cao cho công tác BVMT sinh thái khu vực nông thôn. Cần xác định rõ các chính sách cho “bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn” không chỉ là vấn đề xử lý chất thải, mà phải giảm thiểu phát sinh ngay từ đầu vào của quy trình sản xuất và đời sống sinh hoạt. Đó là các chính sách về nguyên liệu thân thiện môi trường, công nghệ sản xuất, chế biến không phát sinh chất thải; các chính sách về hình thành thị trường trao đổi chất thải (tận thu, tái chế, quay vòng tái sử dụng, xử lý); coi chất thải (đặc biệt là chất thải hữu cơ) là hàng hóa có giá trị thương mại.

              Thứ tư, đối với địa phương (nơi tiến hành nghiên cứu), cần đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền và cập nhật các thông tin về ý nghĩa của bảo vệ môi trường hiện nay cho người dân địa phương thông qua các buổi họp dân và tập huấn về sản xuất hoặc lồng ghép vào các hoạt động tuyên truyền khác của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương. Thông qua đó, sẽ giúp người dân hiểu biết được ý nghĩa về bảo vệ môi trường cho chính bản thân người dân, hộ gia đình và cộng đồng, để người dân có những hành vi tuân thủ về BVMT. Chính quyền xã sở tại, cũng cần có những biện pháp cụ thể và hiệu quả để hoạt động của nhà máy xử lý rác thải hiện đang đóng trên địa bàn xã hoạt động thường xuyên và hiệu quả, nhằm góp phần BVMT tốt nhất cho địa phương, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương.  

            Cuối cùng, bảo vệ môi trường nông thôn, không thể tách rời được mối quan hệ giữa cá nhân người dân/hộ gia đình và với cộng đồng. Người dân sẽ tự nguyện áp dụng các giải pháp sản xuất sạch và gia tăng giá trị sản xuất kinh tế, bảo vệ được sức khỏe cho chính bản thân người dân và gia đình, cũng như cộng đồng./.

 

 

Các tin cũ hơn.............................

    Nội dung đang được cập nhật