Tóm tắt kết quả/phát hiện chính của đề tài
|
Nghỉ hưu là một sự kiện đời sống xã hội quan trọng và không thể tránh khỏi, nó có tác động đến nhiều khía cạnh của cuộc sống bao gồm các lĩnh vực thể chất, tâm lý và tài chính. Nghỉ hưu thường được xem như là bước ngoặt của cuộc đời khi chuyển từ tuổi trung niên sang tuổi già, khi vừa hình thành những nét cấu tạo tâm lý mới vừa tạo ra những khó khăn nhất định trong việc thích ứng (Nghiêm Thị Tứ, Quang Thục Hảo, 2015). Tuỳ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, môi trường, mà người nghỉ hưu sẽ đối mặt với quãng đời hưu trí theo những cách thức khác nhau. Trong nghiên cứu này đa phần người dân ở mọi độ tuổi, giới tính, khu vực lao động đều cho rằng việc chuẩn bị cho tuổi già là cần thiết, sự chuẩn bị này giúp họ chủ động cho cuộc sống độc lập khi về già. Theo họ thì tài chính là yếu tố hàng đầu và then chốt trong việc chuẩn bị cho tuổi già, có nhiều hình thức trong việc chuẩn bị tài chính.
Đối với sự chuẩn bị về tinh thần có sự khác biệt giữa khu vực làm việc trong sự chuẩn bị này, khi nhóm lao động phi chính thức cho rằng không cần phải chuẩn bị do họ làm trong môi trường mở, không bị phụ thuộc vào ai trong việc dừng công việc đang làm, họ là người tự quyết.
Có thể thấy người dân trên địa bàn nghiên cứu đã có sự quan tâm và hiểu biết nhất định về các hình thức chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu như sức khỏe, tinh thần. Điều này cho thấy các cá nhân đã có sự chuẩn bị đầy đủ hơn nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống của họ khi về già. Tuổi già là tất yếu, nhưng có được tuổi già độc lập trên mọi khía cạnh chính là sự lựa chọn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam nằm trong nhóm những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất, đi liền với điều này là những thay đổi về kinh tế, xã hội khiến nhiều người trung niên khó bắt nhịp cuộc sống mới. Các chuyên gia cho rằng, chỉ khi chuẩn bị từ sớm và lên kế hoạch cụ thể, con người mới đạt được sự tự do sau cột mốc tuổi 50.
|