Tóm tắt kết quả đề tài cơ sở "Nhận thức, thái độ và hành vi của thanh niên đối với chuyển đổi số"

25/12/2023

Loại đề tài 

Cấp cơ sở

Chủ nhiệm đề tài

Lê Quang Ngọc

Thời gian thực hiện

01/2023-11/2023

Tổ chức chủ trì đề tài

Viện Xã hội học

Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu tổng quát

Nghiên cứu thực trạng nhận thức, thái độ và hành vi của thanh niên đối với chuyển đổi số ở Việt Nam, xác định những yếu tố tác động tới nhận thức, thái độ và hành vi của thanh niên đối với chuyển đổi số. Từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách có cơ sở để triển khai những phương án nhằm hỗ trợ thanh niên trong việc nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi với chuyển đổi số.

Mục tiêu cụ thể

- Tìm hiểu thực trạng nhận thức, thái độ và hành vi của thanh niên đối với chuyển đổi số ở Việt Nam

- Xác định các yếu tố ảnh hưởng bao gồm các những yếu tố tích cực và các rào cản tới nhận thức, thái độ, hành vi của thanh niên đối với chuyển đổi số.

Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp nghiên cứu tài liệu, văn bản: Việc tìm hiểu các công trình nghiên cứu trước đây, sử dụng những tài liệu có liên quan đến đề tài là rất cần thiết. Điều này đem lại cái nhìn tổng thể về đề tài nghiên cứu, giúp xây dựng cơ sở lý luận và có cơ sở để đề xuất kiến nghị chính xác hơn.

- Phương pháp thăm dò nội dung thông điệp trên và mạng xã hội: Phương pháp thăm dò nội dung thông điệp trên mạng xã hội là một phương pháp được áp dụng dựa trên phương pháp Phân tích Chuyên đề  theo chủ đề liên quan. Đây là một phương pháp hữu ích để xây dựng lý thuyết từ dữ liệu thực nghiệm thu thập được. Đặc biệt sự khác biệt của phương pháp này cũng được áp dụng để nghiên cứu các thông điệp hay các dạng thông tin văn bản có trên mạng xã hội và từ đó xử lý và phân tích chúng bằng các kĩ thuật và các công cụ công nghệ quét dữ liệu đặc thù áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện nay như trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine Learning)…, từ đó giúp các nhà nghiên cứu đưa ra được các bằng chứng cho các luận điểm nghiên cứu.

Trong khuôn khổ đề tài nhóm nghiên cứu sẽ áp dụng phương pháp thăm dò nội dung thông điệp trên mạng xã hội theo các từ khóa liên quan trên công cụ Google tìm kiếm xu hướng mà đối tượng sử dụng internet quan tâm bằng các từ khóa có liên quan và các lượng đề cập tương tác về các vấn đề liên quan đến chủ đề nghiên cứu. Từ phương pháp này có thể mô tả các lượng tương tác, tìm kiếm về chủ đề liên quan và đưa ra được biểu đồ theo thời gian về lượt tìm kiếm gia tăng hay giảm bớt của người tìm kiếm sử dụng internet. Bằng cách này có thể định lượng được xu hướng quan tâm sử dụng internet về các vấn đề mà công chúng quan tâm thông qua công cụ tìm kiếm mạnh nhất thế giới Google .

Sau đó nghiên cứu các từ khóa trên công cụ Google để tìm kiếm các từ khóa then chốt được sử dụng nhiều nhất về các vấn đề liên quan đến chủ đề nghiên cứu. Lưu ý có thể thu nhỏ lại lượt tìm kiếm và sử dụng theo thời gian và khu vực vị trí địa lý hoặc có thể so sánh các xu hướng tìm kiếm từ khóa của đối tượng người sử dụng internet. Cho phép đánh giá các từ khóa then chốt theo chủ đề liên quan bằng việc định lượng giá trị từ khóa mà vấn đề này được Google định giá giá trị từ khóa theo mô hình tự nhận diện và tổng hợp của Trí tuệ nhân tạo (AI) và Máy học (Machine Learning). Sau đó tiến hành nghiên cứu các từ khóa then chốt trên các công cụ chuyên dụng thăm dò quét mạng xã hội để tìm kiếm lượt tương tác và lượt đề cập tới nhận thức, thái độ của thanh niên đối với vấn đề chính trị, xã hội hiện nay. Phân tích và tổng hợp dữ liệu từ các công cụ quét đặc thù này có thể tìm kiếm các chủ đề nổi bật người dân quan tâm thông qua mạng xã hội, tổng hợp và thống kê được các tương tác và đề cập về chủ đề nghiên cứu.

Đề tài nắm bắt được các xu hướng tìm kiếm và quan tâm của thanh niên về chuyển đổi số nổi bật thông qua công chúng sử dụng mạng internet (kể cả những người gián tiếp sử dụng mạng internet cũng có thể tìm kiếm và thống kê được thông qua những từ khóa mà công chúng sử dụng internet quan tâm). Từ đó, đề tài nắm bắt được chủ đề, xu hướng, thái độ, thống kê của thanh niên từ nhóm công chúng sử dụng mạng internet quan tâm và đưa ra được những nhận thức, thái độ, quá trình lan truyền, diễn biến tranh luận thông tin của thanh niên trên mạng và từ đó tiến hành xử lý số liệu để nghiên cứu sâu hơn về chuyển đổi số trong thanh niên. Từ những từ khóa tìm kiếm đề tài sẽ xác định các nội dung về chủ đề nghiên cứu mà đối tượng người dùng quan tâm trao đổi trên nền tảng mạng xã hội, từ đó tiến hành tách, lọc và xử lý các dữ liệu thu thập phù hợp và lý giải cho các vấn đề nghiên cứu.

Thông qua việc tìm kiếm dữ liệu từ các công cụ tích hợp mạng xã hội khác nhau, đề tài sẽ vẽ nên được bức tranh toàn cảnh về các dữ liệu lớn (big data), và các thảo luận về chủ đề chuyển đổi số. Đa số đối tượng sử dụng mạng xã hội đều là thanh niên (mô tả mẫu nghiên cứu sử dụng quét dữ liệu sẽ được đề tài mô tả cụ thể trong các phần tiếp theo của đề tài). Sau công việc thu thập dữ liệu nghiên cứu trên các công cụ tích hợp mạng xã hội, đề tài sẽ tiến hành tìm hiểu sâu về các thảo luận liên quan đến chuyển đổi số của thanh niên và trích xuất các dữ liệu phù hợp, cũng như các thảo luận, bình luận, bài viết có liên quan nhận được nhiều lượt tương tác (thích, bình luận, trao đổi, chia sẻ) trên mạng xã hội của thanh niên. Từ đó đo lường được nhận thức, thái độ và hành vi của thanh niên đối với chuyển đổi số.

- Phương pháp xử lý dữ liệu định lượng: Đề tài tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu định lượng thông qua công cụ tích hợp mạng xã hội và so sánh dữ liệu đó với những phân tích chuyên sâu hơn trong dữ liệu bộ số liệu thứ cấp của thanh niên từ bộ số liệu của đề tài Nhận thức và thích ứng của thanh niên đối với vấn đề chuyển đổi số bằng phần mềm thống kê SPSS để làm rõ mục tiêu và nội dung nghiên cứu cũng như trả lời các câu hỏi nghiên cứu đã đưa ra. Nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành xử lý dữ liệu thu thập được thông qua các công cụ tích hợp mạng xã hội, đồng thời xử lý dữ liệu định lượng của bộ số liệu thứ cấp trên với 600 mẫu điều tra là thanh niên được hỏi bởi hai hình thức là bảng hỏi trực tiếp và trực tuyến, bằng cách bóc tách các nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội trong bộ số liệu và sử dụng các kỹ thuật xử lý sâu hơn của bộ số liệu trên như kỹ thuật kiểm định, bảng chéo, hồi quy…để lý giải sâu hơn các vấn đề nghiên cứu mà đề tài Nhận thức, thái độ và hành vi của thanh niên với chuyển đổi số chưa lý giải được trọn vẹn. Đề tài cũng tiến hành phân tích các khía cạnh chính là các yếu tố tác động tới nhận thức, thái độ và hành vi của thanh niên bằng các biến số phụ thuộc và độc lập nhằm trả lời các câu hỏi cụ thể liên quan đến những thuận lợi và khó khăn trong nhận thức của thanh niên với chuyển đổi số từ các luận điểm được đo lường bằng các chỉ báo cụ thể trong đề tài.

- Phương pháp xử lý dữ liệu định tính: Đề tài tiến hành thu thập các bài báo, bài viết, bài đăng, bài bình luận của các nhóm đối tượng có tầm ảnh hưởng và thu hút sự quan tâm của công chúng trên mạng xã hội bằng phương pháp sử dụng công cụ tích hợp mạng xã hội trong quá trình nghiên cứu. Đồng thời, tiến hành xử lý các dữ liệu định tính thu thập được trong quá trình sử dụng các công cụ số nhằm lý giải sâu hơn các vấn đề nghiên cứu mà các kết quả nghiên cứu định lượng chưa giải thích được chi tiết. Phỏng vấn sâu và Thảo luận nhóm sẽ được cân nhắc sử dụng (nếu thấy hiệu quả).

- Phương pháp chuyên gia: Được sử dụng với mục đích tham khảo ý kiến của các chuyên gia - những người có chuyên môn sâu về lĩnh vực nghiên cứu của đề tài nhằm tăng độ chính xác và tính khoa học trong đánh giá những vấn đề nghiên cứu.

 

Tóm tắt kết quả/phát hiện chính của đề tài

Điểm quan trọng mà thanh niên nhận thức được chính là sự chủ động hơn trong nhiều hoạt động (chiếm 51,3%), bởi chỉ có việc tham gia, trải nghiệm thực tiễn vào quá trình này dù nhiều hay ít, dù bằng những hình thức gì thì mới nhận ra được những thay đổi của chính bản thân mình. Bên cạnh những lợi ích, thanh niên cũng nhận thức rõ về những rủi ro do tác động của chuyển đổi số đến với bản thân. Nhưng nhận thức là khâu ban đầu, cần thiết cho những hoạt động tiếp theo của cá nhân. Kết quả cho thấy, có 81,7% thanh niên nhận thấy những rủi ro về thông tin cá nhân. Mặc dù vậy, hiện nay tình trạng lừa đảo dựa trên việc đánh cắp thông tin cá nhân diễn ra trở thành một hiện tượng nguy cơ cao dẫn đến sự mất an toàn và mất niềm tin về tình trạng bảo mật thông tin. Ngay cả những người cẩn thận nhất cũng có thể rơi vào tình trạng bị mất hoặc lộ thông tin. Điều này gây cho xã hội sự mất an toàn, và người dân cần được bảo vệ sự riêng tư ấy. Thêm nữa, tình trạng này cũng đặt ra yêu cầu đến các nhà an ninh mạng, đó là cần phải có cách thức để đảm bảo cho những thông tin cá nhân của người dân. Rủi ro về quản trị dữ liệu cũng có giá trị tương đương với rủi ro về thông tin cá nhân, nhưng ít được thanh niên nhận thấy hơn (chiếm 71,7%). Trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi số, các dữ liệu liên quan đến rất nhiều hoạt động. Những rủi ro về quản trị dữ liệu liên quan nhiều đến các hoạt động học tập/ làm việc của thanh niên hơn là liên quan đến các hoạt động vui chơi/ giải trí. Chính vì thế, quá trình chuyển số buộc thanh niên khi tham gia vào phải lường trước được rủi ro này để tìm hiểu, học tập và có cách thức để tự bảo vệ những dữ liệu của mình. Khá it thanh niên nhận thấy những rủi ro liên quan đến sự ổn định và bền vững của công việc và thu nhập (34,0%).

Việc tiếp cận các thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của tỉnh/ thành phố là một chỉ báo nhằm làm rõ thái độ đánh giá của thanh niên đối với công nghệ số, đo lường việc áp dụng công nghệ số thông qua thái độ nhận định, đánh giá về việc tìm hiểu thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của tỉnh/ thành phố của thanh niên có thể cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về việc áp dụng công nghệ số của thanh niên trong việc chủ động tìm kiếm các chính sách mới của thành phố. Nhóm thanh niên làm việc kinh doanh – tài chính cho rằng việc tìm hiểu những thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách là cao nhất trong số các nhóm thanh niên có việc làm khác, cụ thể có tới 43,5% thanh niên có làm việc chuyên môn kinh doanh – tài chính được hỏi cho rằng việc tìm hiểu những thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của thành phố là dễ dàng. Tuy nhiên, việc tìm hiểu các thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của các nhóm thanh niên có việc làm tại các ngành khác lại cho rằng việc tìm hiểu những chính sách của thành phố ở mức bình thường. Có sự khác nhau này có thể là do nhóm thanh niên làm việc chuyên ngành kinh doanh -  tài chính phải tiếp xúc nhiều hơn với việc tìm hiểu về chính sách thành phố để phục vụ công việc kinh doanh nhiều hơn so với các nhóm thanh niên khác. Tuy nhiên, việc tìm hiểu những thông tin chính sách của thành phố đều được đa số thanh niên đánh giá là không quá khó tìm kiếm và khá thuận lợi.

Các ứng dụng giáo dục số như họp, học trực tuyến không còn xa lạ đối với người dân trong thời điểm vừa qua. Trong thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid 19, các ứng dụng họp, học trực tuyến đã góp phần giữ kết nối giữa mọi người với nhau, đảm bảo an toàn trong bối cảnh giãn cách toàn xã hội. Các ứng dụng thông thường như họp, học trực tuyến được người dân sử dụng rất rộng rãi và quen thuộc như Zoom, Google Meeting, E-Learning, E-Meeting...không chỉ học sinh mà cả người đi làm cũng sử dụng cho đến tận thời điểm hiện nay. Nhóm việc làm quản lý hành chính công sử dụng các ứng dụng họp, học trực tuyến nhiều hơn so với nhóm việc làm kinh doanh, tài chính (96,0%>72,5%). Các ứng dụng học offline hay sổ học bạ điện tử có số lượng thanh niên sử dụng ít hơn so với các ứng dụng họp, học trực tuyến. Việc sử dụng các ứng dụng giáo dục số không chỉ đơn giản là các thao tác trên nền tảng số mà còn phải tính đến các yếu tố khác như thay đổi thói quen làm việc, học tập, các định mức và khuôn mẫu để đánh giá chất lượng, cũng như hiệu quả khi sử dụng nền tảng ứng dụng giáo dục số với các phương thức giảng dạy, họp truyền thống. Muốn đạt được hiệu quả sử dụng công nghệ số cần phải có một lộ trình rõ ràng và bước đi đúng đắn, đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá liên tục trong quá trình vận hành, sử dụng.

 

 

Các tin cũ hơn.............................

    Nội dung đang được cập nhật