Tóm tắt kết quả đề tài cơ sở "Hành vi của người dân đô thị trong việc phân loại rác thải tại nguồn (Nghiên cứu tại Phường Trung Liệt- Quận Đống Đa – Thành phố Hà Nội)"
25/12/2023
|
|
Loại đề tài
|
Đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2023
|
Chủ nhiệm đề tài
|
ThS. Trần Việt Long
|
Thời gian thực hiện
|
Từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2023
|
Tổ chức chủ trì đề tài
|
Viện Xã hội học
|
Mục tiêu nghiên cứu
|
- Mục tiêu tổng quát: tìm hiểu nhận thức, thái độ và hành vi của người dân tại Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (hay còn gọi là rác thải sinh hoạt) dựa vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, từ đó đề xuất những giải pháp phù hợp với thực tế để giải quyết những rào cản trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa bàn.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Mục tiêu 1: phân tích, đánh giá về nhận thức, thái độ và hành vi của người dân tại địa bàn trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt dựa vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.
+ Mục tiêu 2: đề xuất những giải pháp phù hợp với thực tế để giải quyết những rào cản trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa bàn.
|
Phương pháp nghiên cứu
|
- Phương pháp phân tích các nguồn tài liệu có sẵn: các công trình nghiên cứu, các quy định của pháp luật, các bài viết trong và ngoài nước liên quan đến chủ đề chất thải rắn sinh hoạt sẽ được biên soạn lại, hay nói cách khác sẽ được xem xét các thông tin có sẵn để rút ra các thông tin cần thiết, có liên quan đến mục tiêu của bài viết. Từ đó, phát triển thêm các hướng nghiên cứu mới mà chưa được các nghiên cứu khác đề cập tới.
- Phương pháp trưng cầu ý kiến: nghiên cứu áp dụng phương pháp trưng cầu ý kiến, cụ thể nghiên cứu tiến hành phát 200 phiếu tại tổ 11 và tổ 15 thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội để đại diện hộ gia đình tự trả lời bảng hỏi, mục đích là để tìm hiểu, đánh giá về nhận thức, thái độ và hành vi của người dân trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
- Phương pháp nghiên cứu định tính: nghiên cứu thực hiện phỏng vấn sâu (10 trường hợp) tại tổ 11 và tổ 15 thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội để tìm hiểu những khó khăn, nhằm tìm ra những giải pháp phù hợp với thực tế, góp phần giải quyết những rào cản trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa bàn.
|
Tóm tắt kết quả/phát hiện chính của đề tài
|
Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm chất thải rắn trong sinh hoạt hàng ngày của hộ gia đình tại địa bàn chủ yếu là chất thải thực phẩm và khối lượng phát sinh trong ngày chủ yếu là từ 1kg đến 5kg.
Xét về mặt nhận thức, tỷ lệ người dân tại địa bàn đã biết nhưng chưa đọc nội dung về chủ trương phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP chiếm tỷ lệ cao nhất, tuy nhiên đa phần người dân đều cho rằng việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là cần thiết và việc không phân loại sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và lãng phí nguồn tài nguyên đối với chất thải rắn sinh hoạt có thể tái sử dụng, tái chế. Bên cạnh đó, tỷ lệ biết cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là khá cao, nguồn thông tin mang lại cho họ hiểu biết về cách phân loại từ sách/báo/intetnet chiếm tỷ lệ cao nhất.
Xét về mặt thái độ, tỷ lệ người dân tại địa bàn ủng hộ chủ trương phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP nhưng chưa thực hiện tại thời điểm này chiếm tỷ lệ cao nhất và khi thấy người khác vứt rác không đúng nơi quy định thì đa số sẽ cảm thấy khó chịu và đứng ra nhắc nhở. Bên cạnh đó, theo Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP thì hộ gia đình, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng nếu không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020 (bắt đầu áp dụng từ 1/1/2025) thì người dân trong mẫu phỏng vấn sâu đều đồng ý với mức xử phạt này vì cho rằng đã đủ sức răn đe và cho rằng đại diện phường nên thực thi và quản lý số tiền phạt này.
Xét về mặt hành vi, có thể thấy đa số hộ gia đình tại địa bàn nghiên cứu đều lưu trữ chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày trong thùng rác có nặp đậy và cách xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong ngày là để vào thùng rác/xe rác công cộng. Tuy rằng tỷ lệ biết cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của người dân là khá cao nhưng việc phân loại trước khi loại bỏ vẫn còn thấp, nguyên nhân chủ yếu là thiếu thùng rác để phân loại và thiếu người hướng dẫn việc quản lý/phân loại rác nên việc chưa bao giờ tuyên truyền cho những người xung quanh phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chiếm tỷ lệ cao nhất. Nếu xét riêng nhóm mức độ hiểu biết về chủ trương phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP thì có thể thấy nhóm người càng hiểu biết về chủ trương phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo nghị định này thì tỷ lệ biết cách phân loại và có thực hiện việc phân loại trước khi loại bỏ càng cao nên mức độ tuyên truyền cho những người khác về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn càng lớn.
Có một số yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức, thái độ và hành vi của người dân trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đối với yếu tố chủ quan, xét về giới tính, có thể thấy tỷ lệ nữ giới hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, biết cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, có mức độ hiểu biết và sẵn sàng thực hiện chủ trương phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ngay tại thời điểm này theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP cao hơn nam giới, vì vậy mức độ tuyên truyền cho những người xung quanh về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt và khi thấy người khác vứt rác không đúng nơi quy định thì tỷ lệ nữ giới sẽ tự nhặt rác bỏ vào nơi quy định, báo với chính quyền cao hơn nam giới. Bên cạnh đó, nhóm thanh niên, nhóm không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và nhóm nghề kinh doanh, dịch vụ cho rằng việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt là không cần thiết, không biết cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chưa từng biết đến và không sẵn sàng thực hiện chủ trương phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo nghị định này chiếm tỷ lệ cao nhất nên việc họ không phản ứng gì khi thấy người khác vứt rác không đúng nơi quy định cũng chiếm tỷ lệ cao nhất.
Đối với yếu tố khách quan, đa số người dân cho rằng trang thiết bị thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại địa bàn chưa đầy đủ và phù hợp, hiếm khi chính quyền địa phương đi kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cũng như chưa bao giờ được nghe tuyên truyền/phổ biến/hướng dẫn về việc phân loại. Những yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, thái độ và hành vi của người dân trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
|
Khuyến nghị
|
Thực tế, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa bàn còn gặp không ít trở ngại vì chưa có quy định bắt buộc, chế tài xử phạt hay cơ chế khuyến khích. Sự quan tâm, ủng hộ từ chính quyền địa phương các cấp, các đoàn thể không thường xuyên, chưa đồng bộ mà chỉ mang tính phong trào, một số hộ dân mới chỉ phân loại đơn thuần như chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế để bán cho đội thu mua tái chế, toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt còn lại là đội công nhân môi trường thu gom. Vì vậy, để chủ trương phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP đạt hiệu quả, tôi xin đề xuất một số giải pháp đối với chính quyền địa phương, công ty môi trường đô thị, và người dân tại địa bàn. Cụ thể như sau:
-
Đối với chính quyền địa phương:
-
Cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa, tập trung đầu tư vào hạ tầng và trang thiết bị, cũng như thiết lập các tiêu chuẩn môi trường an toàn để quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt một cách hiệu quả hơn.
-
Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến từng người dân trong địa bàn để họ có thể nắm bắt được kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và tầm quan trọng của việc phân loại, đặc biệt là đối với nhóm nam giới, nhóm thanh niên, nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp và nhóm làm nghề kinh doanh, dịch vụ để từ đó họ có thể thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
-
Cần sớm triển khai việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm đánh giá kết quả thực hiện tại địa bàn nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm trước khi chủ trương phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 1/1/2025. Đồng thời, có hình thức khen thưởng đối với các hộ dân thực hiện tốt việc phân loại.
-
Cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt vì việc áp dụng phần mềm quản lý chất thải rắn sinh hoạt và số hóa dữ liệu sẽ giúp cán bộ địa phương quản lý địa bàn hiệu quả, dễ dàng hơn.
-
Đối với công ty môi trường đô thị:
-
Phải kiểm tra, giám sát, nếu người dân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt thì kiên quyết không tiến hành thu gom, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
-
Phải có quy định giờ thu gom chung phù hợp với người dân và màu túi đựng các nhóm chất thải rắn sinh hoạt phải dễ nhận biết, cũng như cần tính đến câu chuyện bảo vệ môi trường do phát sinh túi đựng.
-
Tham gia các lớp tập huấn, các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do chính quyền địa phương tổ chức.
-
Tham gia vận động, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giữa những hộ gia đình và tích cực thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
|
Các tin cũ hơn.............................
|
|