Tóm tắt kết quả đề tài cơ sở "Sự tham gia của các tổ chức xã hội trong giáo dục cho trẻ em khuyết tật: Nghiên cứu trường hợp một số tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội"

25/12/2023

 

 

Loại đề tài 

Cấp Cơ sở

Chủ nhiệm đề tài

TS. Đặng Thị Việt Phương

Thời gian thực hiện

12 tháng

Tổ chức chủ trì đề tài

Viện Xã hội học

Mục tiêu nghiên cứu

- Mục tiêu tổng quát: Tìm hiểu thực tiễn tham gia của một số tổ chức phi chính phủ trong giáo dục cho trẻ em khuyết tật ở Hà Nội hiện nay

- Mục tiêu cụ thể:

Mục tiêu 1: Nhận diện các hình thức tham gia trong giáo dục cho trẻ em khuyết tật của một số tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội

Mục tiêu 2: Đề xuất khuyến nghị nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ trong giáo dục cho trẻ em khuyết tật

Phương pháp nghiên cứu

- Đề tài sử dụng cách tiếp cận xã hội học với lý thuyết về xã hội dân sự nhằm nhận diện sự tham gia của một số tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực giáo dục cho trẻ em khuyết tật; đồng thời xem xét thực tiễn và triển vọng của các tổ chức xã hội trong việc tham gia cung ứng dịch vụ công (giáo dục) cho trẻ em khuyết tật. Lý thuyết về xã hội dân sự cho rằng các tổ chức xã hội đóng vai trò lấp đầy các khoảng trống mà Nhà nước và thị trường chưa bao phủ hết (do quy mô quá nhỏ, nhóm đặc thù, đối tượng khó tiếp cận). Đề tài xem xét hình thức giáo dục trẻ khuyết tật nào hiện còn chưa được bao phủ hoặc bao phủ chưa hết, hoặc chưa hiệu quả, từ đó đề xuất chính sách huy động sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ trong giáo dục trẻ khuyết tật.

- Đề tài sử dụng phương pháp định tính nghiên cứu sự tham gia giáo dục trẻ khuyết tật của 03 tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội. Bên cạnh đó, đề tài cũng nghiên cứu 03 cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật và chính cha mẹ của trẻ để đánh giá thực tiễn tiếp nhận hỗ trợ của các cơ sở giáo dục và đánh giá nhu cầu của cha mẹ trẻ khuyết tật.

Tóm tắt kết quả/phát hiện chính của đề tài

  • Tóm tắt các phát hiện/kết quả chính của đề tài (từ 01-1,5 trang, tương đương khoảng 600-1000 từ)

 

Hệ thống giáo dục công lập hiện nay nhìn chung đã đáp ứng đủ về số lượng cũng như có tích hợp giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật vào chương trình giảng dạy. Tuy thế, số trẻ khuyết tật thực sự tham gia học giáo dục hòa nhập tại các cơ sở công lập còn hạn chế. Vẫn còn nhiều trẻ khuyết tật ở ngoài nhà trường, đặc biệt là ở nhóm trẻ khuyết tật lớn. Một trong những lý do giải thích cho tình trạng này là điều kiện cơ sở vật chất và hạ tầng trường học hiện nay không phù hợp với trẻ khuyết tật, khiến trẻ và gia đình e ngại trong tiếp cận giáo dục công lập. Nguyên nhân của tình hình này, một mặt là do thiếu nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất chuyên biệt. Mặt khác là do hiện nay Bộ/Sở Giáo dục chưa xây dựng được danh mục cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài liệu giáo dục đặc thù dành cho học sinh khuyết tật trong cả các trường hòa nhập và chuyên biệt. Điều này khiến các trường không có sự chủ động trong việc trang bị cho học sinh. Đồng thời cũng là yếu tố hạn chế sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ trong việc cung ứng hỗ trợ cho trẻ khuyết tật. Đó là còn chưa kể đến quy trình tiếp nhận tài trợ của các trường hiện nay cũng có nhiều thủ tục xin phép phức tạp, khiến cho cả các tổ chức phi chính phủ và nhà trường đều không tha thiết với việc trao và nhận các khoản hỗ trợ nếu muốn và khi cần. Các tổ chức phi chính phủ vì thế, thường tham gia hỗ trợ trẻ khuyết tật tại các trường học dưới hình thức trao quà trực tiếp cho trẻ vào các dịp lễ tết. Một số tổ chức có uy tín thì thường đóng vai trò làm cầu nối để kết nối các nguồn tài trợ, hỗ trợ đến với trẻ khuyết tật. Nhìn chung, với quy mô và nguồn lực hạn chế các tổ chức phi chính phủ trong nước hầu như không tham gia vào hoạt động hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất dạy và học. Các tổ chức này chủ yếu tham gia dưới hình thức hỗ trợ nhỏ và trực tiếp dành cho trẻ khuyết tật.

Các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò tích cực làm cầu nối về thông tin, giáo dục, tư vấn và can thiệp. Họ tổ chức các hoạt động tập huấn, cung cấp thông tin và kiến thức về trẻ khuyết tật và giáo dục trẻ khuyết tật cho người chăm sóc tại gia đình. Có nhiều mạng lưới dân sự đóng vai trò là nơi cung cấp thông tin cho cha mẹ về việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm thần cho trẻ khuyết tật.  

Cung ứng dịch vụ giáo dục có lẽ là hoạt động mang dấu ấn rõ nét nhất của các tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống giáo dục công lập chưa phủ hết được nhu cầu này của trẻ khuyết tật và gia đình. Với tính chất nhỏ gọn, linh hoạt và thích ứng thị trường cao, các tổ chức phi chính phủ tham gia cung ứng dịch vụ giáo dục trẻ khuyết tật dưới nhiều hình thức, đáp ứng. Tổ chức các hoạt động dạy kèm, tổ chức nhóm học hòa nhập, giáo dục kỹ năng tiền hòa nhập cho trẻ khuyết tật, tổ chức lớp học nghề cho trẻ khuyết tật, tập huấn cho cha mẹ kiến thức cho cha mẹ trẻ khuyết tật về kiến thức chăm sóc và trợ giúp trẻ khuyết tật tại gia đình và cộng đồng hay tập huấn chuyên môn về phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, v.v. là những hoạt động mà các tổ chức phi chính phủ có thể đảm nhiệm và làm tốt.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ trong giáo dục trẻ khuyết tật. Trong đó, nguồn lực của tổ chức là một trong những rào cản lớn nhất. Không có Hội cấp dưới trực thuộc hoặc không có mạng lưới liên kết, nguồn nhân lực ít, kinh phí hoạt động eo hẹp là tình trạng chung của các tổ chức phi chính phủ. Điều này ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả tham gia giáo dục trẻ khuyết tật của các tổ chức này. Bên cạnh đó, việc cụ thể hóa các chính sách giáo dục trẻ khuyết tật thành những văn bản để triển khai trên thực tiễn hiện vẫn còn hạn chế. Trong khi các chính sách vĩ mô đã tương đối đồng bộ, thì những chính sách liên quan đến thực hành cụ thể vẫn còn thiếu vắng. Thiếu cơ chế phối hợp hoặc khuyến khích sự phối hợp giữa các tổ chức giáo dục trẻ khuyết tật với các đối tác xã hội, các tổ chức phi chính phủ khó có thể có cơ chế đủ rộng để tham gia sâu hơn vào việc hỗ trợ cho giáo dục trẻ khuyết tật. Bên cạnh đó còn thiếu cả cơ chế hợp tác trong nội bộ nhóm các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong cùng lĩnh vực.

Khuyến nghị (nếu có)

- Khuyến nghị chính sách:

Những khó khăn về đáp ứng chính sách và giới hạn của các nguồn lực trong triển khai thực tế khiến cho việc tạo cơ hội cho trẻ em khuyết tật ở các dạng tật khác nhau được học, được chơi và hoà nhập với các bạn đồng trang lứa vẫn là một trong những khó khăn lớn. Để đạt mục tiêu có 80% trẻ khuyết tật trong độ tuổi đi học được tiếp cận giáo dục vào năm 2025, đặt trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực, cần tính đến những phương thức nhằm huy động sự tham gia của các đối tác xã hội thông qua các hình thức tư nhân hóa các dịch vụ giáo dục cho trẻ khuyết tật. Trên cơ sở nhận diện thực tiễn tham gia giáo dục trẻ khuyết tật của các tổ chức phi chính phủ và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia này, nhóm thực hiện đề tài cũng đề xuất các khuyến nghị nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ trong giáo dục trẻ khuyết tật. Các khuyến nghị hướng đến: i) các nhà làm chính sách liên quan đến giáo dục và trẻ khuyết tật; ii) Các cơ sở giáo dục, đào tạo; và iii) Các tổ chức phi chính phủ, nhằm mục tiêu thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức phi chính phủ trong cung ứng dịch vụ công, thực hiện quyền của trẻ khuyết tật, đáp ứng nhu cầu của trẻ khuyết tật và gia đình.

- Vận dụng giảng dạy, đào tạo:

Kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng trong giảng dạy cho sinh viên Đại học và Sau Đại học các ngành Xã hội học, Chính sách công, Việt Nam học.

 

 

Các tin cũ hơn.............................

    Nội dung đang được cập nhật