Tớm tắt kết quả đề tài“Đặc điểm xã hội và mối tương tác trong công việc của nhóm tài xế công nghệ (Nghiên cứu trường hợp tại Hà Nội)"

12/10/2023

Loại đề tài:

Cấp cơ sở

Chủ nhiệm:

Khuất Thị Diệu Linh

Thời gian thực hiện:

2022

Tổ chức chủ trì:

Viện Xã hội học

Mục tiêu

nghiên cứu:

Nghiên cứu nhằm tìm hiểu các đặc điểm xã hội của nhóm lao động đang làm công việc tài xế công nghệ xe máy và ô tô tại Hà Nội và trạng thái công việc của họ; đồng thời tìm hiểu cách thức và phân tích ý nghĩa của các mối tương tác trong công việc của tài xế công nghệ với bên cung ứng nền tảng, với khách hàng và với các tài xế công nghệ khác.

Phương pháp

nghiên cứu:

- Phương pháp phân tích các nguồn tài liệu có sẵn: Đề tài sử dụng phương pháp phân tích các nguồn tài liệu có sẵn (các nguồn tư liệu, dữ liệu, tài liệu, các công trình nghiên cứu trong nước và ngoài nước) có liên quan đến chủ đề nghiên cứu của đề tài.

- Phương pháp phỏng vấn sâu: Đề tài tiến hành phỏng vấn sâu các tài xế công nghệ để tìm hiểu khái quát các vấn đề trước khi thực hiện khảo sát bằng bảng hỏi. Số lượng dự kiến là 10 trường hợp.

- Phương pháp xử lý dữ liệu định lượng: Đề tài tiến hành khảo sát bảng hỏi trực tuyến đối với nhóm tài xế công nghệ tại Hà Nội. Nhóm đối tượng được lựa chọn bao gồm tất cả các tài xế xe máy và ô tô đang làm việc dựa trên các ứng dụng đặt xe phổ biến hiện nay là Grab, Be và GoJek, 3 ứng dụng chiếm thị phần lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Số lượng là 300 trường hợp. Bảng hỏi được thiết kế trên Google Forms, đường link bảng hỏi sẽ được chia sẻ trên các trang mạng xã hội và thông qua mạng lưới quen biết của họ. Sau đó, dữ liệu sẽ được tiến hành xử lý và phân tích bằng phần mềm thống kê SPSS.

Tóm tắt kết quả/

phát hiện chính:

Khái niệm “embeddedness” được phân tích theo hai hướng tiếp cận đối lập nhau đã cung cấp những góc nhìn đa chiều để phân tích và hiểu rõ về bản chất những giao dịch kinh tế và mối quan hệ lao động – việc làm trong xã hội. Cách tiếp cận theo xã hội học kinh tế mới, mà nổi bật nhất là quan điểm của Granovetter, đã chứng minh các giao dịch kinh tế, tưởng chừng như chỉ thuần túy về mặt lợi ích và duy lý, luôn được ‘lồng’ vào trong các mối quan hệ cá nhân của các bên trong giao dịch; và lợi ích kinh tế không phải luôn luôn là lợi ích duy nhất và quan trọng nhất trong một giao dịch kinh tế. Cách tiếp cận theo xã hội học lao động cung cấp một cái nhìn toàn cảnh và hệ thống hơn về quá trình biến đổi và phát triển của thị trường. Thị trường lao động, thị trường việc làm luôn luôn dao động giữa tính linh hoạt, không chắc chắn và tính ổn định, an toàn. Từ những đòi hỏi của thị trường và xã hội, các thiết chế và quy định được thiết lập để điều tiết các mối quan hệ trong nó. Khi thị trường ở trong một trạng thái quá lâu, sẽ có xu hướng hình thành một lực, hoặc nhu cầu, kéo thị trường về hướng ngược lại. Dựa trên điều này, ta có thể hiểu rõ hơn những hiện tượng mới xuất hiện trong thị trường và có thể dự báo hoặc có những biện pháp điều tiết phù hợp.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy các tài xế công nghệ đại đa số là nam giới, trong độ tuổi thanh niên và đầu trung niên. Tuy nhiên, đa phần trong số họ chỉ mới hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, không qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Nhóm những tài xế có trình độ chuyên môn cao thường là những người đang có một công việc chính khác, làm công việc lái xe công nghệ là việc làm thêm để tăng thu nhập. Hơn 90% trong số các lái xe công nghệ có trách nhiệm nuôi dưỡng và chu cấp cho ít nhất 1 người phụ thuộc trở lên.

Nhìn chung, các tài xế công nghệ thường gắn bó với công việc từ 1-3 năm. Ngoài dịch vụ chở người/hành khách, họ còn đăng kí làm thêm những dịch vụ khác như vận chuyển hàng hóa, mua giúp đồ, đi chợ hộ... Việc làm thêm quá số giờ quy định là phổ biến đối với các tài xế công nghệ. Thời gian làm việc phổ biến là từ 10-12 giờ/ngày. Tuy nhiên có sự khác biệt rõ nét giữa tài xế xe máy và tài xế ô tô. Phương tiện làm việc của tài xế xe máy chủ yếu đến từ tài sản tích lũy của bản thân, hoặc vay/mượn người thân, họ hàng. Trong khi đó, tài xế ô tô tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính chủ yếu từ việc vay ngân hàng để đầu tư phương tiện làm việc. Do đó, nhóm này dễ có áp lực tài chính và rủi ro về tài chính hơn.

Thu nhập trung bình của tài xế công nghệ tương đối khá, song phải đánh đổi bằng cường độ làm việc cao kéo dài, đồng thời cũng phải chịu sự chi phối và thay đổi đơn phương các chính sách chiết khấu của bên cung ứng dịch vụ. Họ cũng là nhóm dễ bị tổn thương khi có đến ¼ số tài xế không tham gia bất cứ loại hình bảo hiểm nào.

Mặc dù là một loại hình việc làm mới ra đời dựa trên hợp đồng điện tử được kết nối thông qua ứng dụng, công việc lái xe công nghệ vẫn cho thấy là một giao dịch kinh tế được ‘lồng’ trong mạng lưới niềm tin. Các ứng dụng gọi xe giữ vai trò trung gian trong giao dịch, một mặt giúp rút ngắn quá trình xây dựng niềm tin giữa hai bên giao dịch, nhưng đồng thời cũng gây nên những rủi ro nhất định vì sự rút ngắn này. Bên cạnh đó, tài xế công nghệ cũng thể hiện những tính toán duy lý trong việc duy trì mối quan hệ với khách hàng và tối đa hóa lợi nhuận cho bản thân mình.

Chỉ bằng việc định danh mối quan hệ giữa công ty cung cấp ứng dụng và tài xế là sự hợp tác giữa hai đối tác, các công ty đã ‘tách’ rời tài xế ứng dụng khỏi các thiết chế và sự bảo vệ của luật pháp, đặt họ vào trạng thái dễ bị tổn thương. Không chỉ vậy, việc phân mảnh công việc thành các nhiệm vụ và chỉ trả công cho phần việc hoàn thành, các công ty cung cấp ứng dụng cũng đã tự ‘tách’ mình khỏi sự chế tài của các quy định áp dụng cho người sử dụng lao động, né tránh các trách nhiệm xã hội trong việc khôi phục và tái sản sinh sức lao động xã hội.

Từ những kết quả nghiên cứu trên, có thể thấy tài xế công nghệ là công việc dễ bị tổn thương và gặp nhiều rủi ro. Do là một hình thức việc làm mới, tài xế công nghệ nói riêng và các công việc dựa trên nền tảng nói chung đang chưa được điều chỉnh và chế tài theo các quy định và chính sách pháp luật. Việc làm linh hoạt, tự do đang cho thấy sẽ là xu hướng phát triển của thị trường lao động trong dòng chảy của nền kinh tế số, bởi vậy cần những biện pháp phù hợp từ phía nhà nước để hạn chế những rủi ro nghề nghiệp, bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người lao động, đồng thời điều tiết nguồn nhân lực một cách hợp lý.

 

Các tin cũ hơn.............................

    Nội dung đang được cập nhật