Tớm tắt kết quả đề tài“Thực trạng tự an sinh của người lao động khu vực phi chính thức ở đô thị (Nghiên cứu trường hợp 1 phường tại TP Hà Nội)"

12/10/2023

Loại đề tài:

Cấp cơ sở

Chủ nhiệm:

Hồ Ngọc Châm

Thời gian thực hiện:

Tháng 1 – tháng 12/2022

Tổ chức chủ trì:

Viện Xã hội học

Mục tiêu

nghiên cứu:

Tìm hiểu thực trạng tự an sinh của người lao động khu vực phi chính thức ở đô thị đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Phương pháp

nghiên cứu:

Ba phương pháp chính được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm: phương pháp phân tích tài liệu, phương pháp nghiên cứu định lượng và phương pháp nghiên cứu định tính. Đề tài sử dụng phương pháp phân tích dựa trên các tài liệu có sẵn liên quan đến chủ đề nghiên cứu. Về phương pháp nghiên cứu định tính, đề tài tiến hành phỏng vấn sâu 15 trường hợp là người lao động làm thuê không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội bắt buộc, lao động tự do, người lao động là chủ các cơ sở buôn bán nhỏ không có giấy phép kinh doanh và cán bộ tổ dân phố/ cán bộ phường thuộc 1 phường tại Thành phố Hà Nội nhằm phân tích, mô tả thực trạng tự an sinh và đánh giá hiệu quả của các biện pháp tự an sinh của người lao động phi chính (PCT) thức ở đô thị. Về phương pháp nghiên cứu định lượng, bộ số liệu Điều tra mức sống hộ gia đình 2020 được sử dụng trong phân tích nhằm bổ sung mô tả đặc điểm xã hội cơ bản của người lao động, một số đặc điểm về việc làm và thu nhập cũng như làm rõ hơn thực trạng tự an sinh, các yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng tự an sinh của người lao động PCT ở khu vực đô thị trên quy mô quốc gia.

Tóm tắt kết quả/

phát hiện chính:

Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua đã ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều khía cạnh trong đời sống của nhóm lao động PCT, đặc biệt là nhóm lao động PCT tại khu vực đô thị, trong đó ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến việc làm và thu nhập của người lao động. Nhiều lao động bị mất việc, giãn việc hoặc giảm giờ làm nghiêm trọng, từ đó khiến thu nhập của người lao động bị giảm mạnh. Mất việc, thu nhập thấp khiến một bộ phận lao động PCT tại đô thị buộc phải chấp nhận làm các công việc trong điều kiện bảo hộ lao động kém, dẫn đến những nguy cơ rủi ro về sức khỏe. Dịch bệnh Covid – 19 đã làm trầm trọng hơn tình trạng dễ bị tổn thương của người lao động PCT.

Để giảm bớt tình trạng khó khăn do tác động của dịch bệnh, Chính phủ và chính quyền nhiều tỉnh/ thành phố đã triển khai các gói cứu trợ đến nhóm dân cư bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Lao động PCT cũng nằm trong nhóm đối tượng được chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, lao động PCT tại khu vực đô thị gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ. Trong bối cảnh người lao động PCT đô thị khó tiếp cận đến các gói an sinh do Nhà nước triển khai, họ đã có các biện pháp tự an sinh để giải quyết khó khăn do dịch Covid – 19 gây ra. Các biện pháp này có thể mang tính chủ động và được chuẩn bị từ trước thời gian diễn ra dịch bệnh như tự tiết kiệm bằng tiền mặt, tham gia các gói bảo hiểm thương mại để phòng ngừa rủi ro. Các biện pháp tự an sinh cũng có thể là các giải pháp bị động để giải quyết rủi ro, khó khăn trước mắt liên quan đến dịch bệnh như đi vay mượn, nhờ sự trợ giúp từ người thân, bạn bè. Dù mang tính chất chủ động hay bị động, các biện pháp tự an sinh đã góp phần giải quyết khó khăn về mặt vật chất, động viên an ủi về mặt tinh thần, đồng thời giúp cho một số người lao động mất việc có thể quay lại thị trường lao động sớm nhất.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các biện pháp tự an sinh của người lao động. Thứ nhất, với nhóm yếu tố thuộc về đặc điểm cá nhân người lao động, các kết quả nghiên cứu cho thấy người lao động càng nhiều tuổi, có học vấn càng cao, được đào tạo tay nghề, đang có vợ/ chồng có xu hướng xây dựng chiến lược tự an sinh mang tính chủ động như có sổ tiết kiệm, tham gia bảo hiểm thương mại với tỉ lệ cao hơn so với nhóm 3 lao động ít tuổi hơn, học vấn thấp hơn, không được đào tạo nghề, chưa kết hôn hoặc góa/ ly hôn. Trong khi đó, nhóm lao động ít tuổi, mới tham gia vào thị trường lao động, có trình độ học vấn thấp hơn, không được đào tạo nghề, là lao động di cư thường phải vay mượn, nhờ vào sự giúp đỡ của người thân để giải quyết những khó khăn trước mắt do dịch bệnh gây ra. Trong các nhóm yếu tố thuộc về cá nhân, hầu như không có sự khác biệt về chiến lược tự an sinh theo giới tính của người lao động.

Thứ hai, với nhóm yếu tố thuộc về gia đình người lao động, người lao động trong những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả hơn, có quy mô gia đình lớn hơn, trong gia đình có trẻ em trong độ tuổi đi học thường có sự chủ động hơn trong việc chuẩn bị các biện pháp để phòng ngừa rủi ro. Trong khi đó, những lao động sống trong gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp hơn thường phải vay mượn để giải quyết những khó khăn do dịch Covid – 19 gây ra. Nhưng gia đình có quy mô lớn cũng đồng nghĩa với việc họ phải dành các khoản chi phí lớn hơn để duy trì cuộc sống gia đình, vì vậy người tỉ lệ lao động phải đi vay mượn để giải quyết khó khăn ở nhóm gia đình có quy mô lớn cũng cao hơn so với lao động trong gia đình có quy mô nhỏ.

Thứ ba, về mặt chính sách, trước khi dịch Covid – 19 diễn ra, tuy chính sách an sinh do Nhà nước triển khai có hướng đến nhóm lao động PCT nhưng rất ít người lao động tiếp cận đến các chính sách này. Khi dịch bệnh diễn ra, một tỉ lệ rất nhỏ người lao động PCT có thể tiếp cận đến các gói cứu trợ do Nhà nước triển khai bởi một số nguyên nhân như nguồn ngân sách hạn hẹp, thủ tục hỗ trợ rườm rà, hoạt động hỗ trợ bị gián đoạn bởi các lệnh phong tỏa, giãn cách…..Vì vậy, người lao động vẫn chủ yếu dựa vào các biện pháp tự an sinh để giải quyết khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Có thể thấy, các hình thức an sinh truyền thống vẫn đang thể hiện tốt chức năng khắc phục rủi ro. Người lao động vẫn chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của các thành viên trong gia đình và họ hàng khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Vai trò của mạng lưới xã hội mà người lao động là thành viên đã giúp người lao động vượt qua những khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh. Cùng với đó, người lao động cũng đã xây dựng cho mình một chiến lược tự an sinh phù hợp. Tham gia bảo hiểm thương mại, tiết kiệm tiền mặt là những cách thức nằm trong chiến lược tự an sinh của người lao động nhằm ứng phó với dịch Covid – 19.

 

Các tin cũ hơn.............................

    Nội dung đang được cập nhật