Tóm tắt kết quả/
phát hiện chính:
|
1. Nhận thức của vị thành niên về trách nhiệm trong học tập
Vị thành niên cho rằng bổn phận học tập và rèn luyện đạo đức là nhiệm vụ quan trọng nhất của học sinh với 92,6% ý kiến lựa chọn, tiếp đến là việc thực hiện tốt nội quy, quy định của nhà trường (88,4%) và tham gia các hoạt động chung của lớp/trường (71,3%). Tỷ lệ trẻ vị thành niên cho rằng bổn phận của học sinh là xây dựng, bảo vệ và phát truyền thống của trường thấp nhất (38,0%). Điều này cho thấy trẻ vị thành niên quan niệm về bổn phận trong học tập còn mang tính cá nhân, chú trọng kết quả học tập nhiều hơn là hướng đến những hoạt động tập thể.
Vị thành niên Hà Nội có nhận thức chưa toàn diện về trách nhiệm của bản thân trong học tập. Phần lớn trẻ cho rằng trách nhiệm học tập là kết quả học tập và rèn luyện đạo đức mà chưa quan tâm đến những khía cạnh khác. Điều đáng lưu ý là bản thân cha mẹ vị thành niên cũng chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của trẻ trong học. Cha mẹ kỳ vọng khá lớn vào kết quả học tập của trẻ nhưng chưa chú trọng đến tính trách nhiệm của trẻ trong tập thể, cộng đồng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt về phát triển nhân cách bởi vì mỗi cá nhân không chỉ chăm lo cho lợi ích của mình mà cần quan tâm đến lợi ích của người khác và góp phần xây tạo dựng môi trường sống lành mạnh. Mặt khác, tình trạng học thêm khá nhiều của học sinh hiện nay làm cho nhiều trẻ đánh mất sự phát triển tự nhiên của trẻ thơ cũng như không có thời gian để xây dựng những kỹ năng mềm và nâng cao tính trách nhiệm của bản thân với gia đình nói riêng và xã hội nói chung.
2. Nhận thức của trẻ vị thành niên Hà Nội về trách nhiệm trong việc làm
Vị thành niên Hà Nội hiện nay làm các công việc chưa nhiều, tần suất tham gia khá ít, chủ yếu là các công việc tự phục vụ bản thân do vậy các em đã chưa thể hiện được khả năng và trách nhiệm của mình đối với gia đình.
Nguyên nhân dẫn đến điều này là do trẻ không có thời gian để tham gia các công việc gia đình đặc biệt là nhóm học sinh lớp 9 và lớp 12, những học sinh trong giai đoạn chuyển cấp. Thứ hai là nhiều cha mẹ vẫn chưa san sẻ được các công việc nhà cho các em. Nhiều cha mẹ thấy con học hành nhiều nên “làm thay”, “làm hộ” mà không phân công và tạo điều kiện để trẻ có thể làm các công việc phù hợp với sức khỏe và thời gian. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế thì thuê người giúp việc do đó trẻ không có cơ hội hoặc là không nhận thức được trách nhiệm mà mình phải làm.
Thái độ của trẻ khi tham gia công việc: có 39,0% trẻ vui vẻ và tự giác thực hiện công việc giúp đỡ bố mẹ; 47,8% trẻ được bố mẹ nhắc nhở nhưng vẫn vui vẻ thực hiện; 13,2% không thích nhưng vẫn phải thực hiện.
Tỷ lệ trẻ vị thành niên nữ “vui vẻ và tự giác thực hiện” công việc được giao cao hơn trẻ vị thành niên nam (42,6% so với 34,9%), đồng thời tỷ lệ trẻ vị thành niên nữ cảm thấy bản thân “có bổn phận tham gia công việc trong gia đình” cũng cao hơn vị thành niên nam (67,2% so với 50,0%) cho thấy nhận thức về trách nhiệm của bản thân trong công việc gia đình ở trẻ vị thành niên nữ cao hơn trẻ vị thành niên nam.
3. Nhận thức của trẻ vị thành niên Hà Nội về trách nhiệm trong khía cạnh tình cảm
Trẻ vị thành niên, giai đoạn đứng trước ngưỡng cửa trở thành người lớn có những sự thay đổi lớn cả về thể chất lẫn tinh thần. Trẻ có suy nghĩ độc lập về các vấn đề, ý thức tự chủ dần dần mạnh mẽ, có quan điểm và chính kiến riêng. Nhận thức của trẻ vị thành niên về bổn phận, trách nhiệm trong khía cạnh tình cảm còn hạn chế. Trẻ vị thành niên quan tâm đến lòng hiếu thảo, bổn phận kính trọng, biết ơn ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, những giá trị khác như bảo vệ uy tín của gia đình (không làm việc vi phạm pháp luật hay đạo đức ảnh hưởng đến uy tín gia đình) hay nỗ lực, phấn đấu và rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, người có ích cho xã hội thì tỷ lệ lựa chọn của vị thành niên không cao (18,4% và 16,7%).
Sự gần gũi, chia sẻ của cha mẹ là một yếu tố quan trọng góp phần giúp VTN vượt qua những khủng hoảng tuổi dậy thì đồng thời tăng cường tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã khiến sự liên kết, gắn bó của nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình ở đô thị trở lên lỏng lẻo hơn. Nhiều trẻ VTN dành thời gian trong thế giới ảo, quan tâm và định hướng cá nhân theo các nhóm mạng xã hội hơn là những lời dạy dỗ, bảo ban của cha mẹ. Thậm chí nhiều em có thái độ phản kháng với những ý kiến của cha mẹ tạo ra sự xung đột và khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống của các gia đình hiện nay là một vấn đề cần được quan tâm.
|