Mục tiêu nghiên cứu
|
- Tổng hợp tư liệu nhằm phân tích hiện trạng sử dụng, tích tụ, tập trung đất nông nghiệp và rào cản đối với quá trình này ở nông thôn hiện nay.
- Gợi mở một số vấn đề giải pháp cho việc đẩy mạnh tích tụ ruộng đất nông nghiệp, chuyển đổi nhanh cơ cấu nghề nghiệp, phát triển hiệu quả, bền vững tam nông và mục tiêu công nghiệp hóa nông thôn nước ta.
|
Phương pháp nghiên cứu
|
- Phân tích tài liệu: phân tích các dữ liệu sẵn có từ kết quả tổng điều tra nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2006, 2011 và 2016. Bên cạnh dữ liệu từ cuộc tổng điều tra nêu trên, chúng tôi đã tổng hợp và phân tích một số văn bản chính sách, pháp luật của Việt Nam từ sau đổi mới 1986 đến nay. Tổng hợp một số kết quả nghiên cứu của các tác giả khác trong chủ đề này.
- Nghiên cứu định tính: phỏng vấn sâu cán bộ, người dân và doanh nghiệp địa phương để tìm hiểu về việc tích tụ, tập trung và sử dụng đất đai. 16 cuộc phỏng vấn sâu tại xã Hòa Bình – huyện Tam Nông – tỉnh Đồng Tháp và xã Đạ Sar – huyện Lạc Dương – Tỉnh Lâm Đồng. Các đối tượng được phỏng vấn bao gồm cán bộ cấp tỉnh (01 cuộc), cán bộ cấp huyện (02 cuộc), cán bộ cấp xã (06 cuộc), doanh nghiệp (02 cuộc), và nông dân (05 cuộc).
|
Tóm tắt kết quả/phát hiện chính của đề tài
|
Thảo luận về tích tụ, tập trung ruộng đất ở nông thôn Việt Nam nổi lên 5 vấn đề chính 1/ Vấn đề hạn điền và thời hạn sử dụng đất; 2/ Vấn đề liên kết sản xuất dưới mô hình hợp tác xã, tổ nhóm hợp tác sản xuất; 3/ Vấn đề cho thuê đất nông nghiệp (cho thuê giữa các nông hộ, cho thuê giữa nông hộ và doanh nghiệp); 4/ Vấn đề dồn điền đổi thửa – một chủ trưởng chính sách nỗ lực giảm thiểu tình trạng phân tán, manh mún ruộng đất; 5/ Vấn đề góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Đất đai sản xuất nông nghiệp hiện được nắm giữ bởi đa số hộ gia đình nông dân. Hơn 80% các hộ đang sử dụng diện tích dưới 0,2 hecta. Vẫn còn rất xa để quá trình tích tụ ruộng đất của hộ gia đình đạt tới ngưỡng hạn mức mà luật quy định. Trong khi đó, một số lượng đông đảo các doanh nghiệp nông nghiệp không có đất, hoặc nếu có họ cũng chỉ nắm giữ một lượng đất nhỏ. Chỉ có khoảng 20% số doanh nghiệp có được diện tích từ 10 hecta trở lên. Tình hình chung cũng diễn ra ở mô hình hợp tác xã và trang trại với quy mô diện tích đất đai nhỏ bé. Có thể nói, sự tích tụ, tập trung ruộng đất gặp lực cản một phần bởi chính năng lực nội tại của nền sản xuất mà ở đó các hộ gia đình nông dân đang là chủ thể chính. Có thể thấy, những bằng chứng thực tiễn cho thấy quá trình tích tụ vốn chậm chạp, và sẽ còn như vậy trong một vài thập kỷ khi mà lao động trong các gia đình nông dân chưa thể rời bỏ đất đai để chuyển sang loại hình lao động khác không gắn với đất đai nữa.
Dồn điền đổi thửa đã được thực hiện từ đầu thập niên 2000 nhằm hướng tới việc giảm thiểu sự lãng phí cả về diện tích bờ vùng, bờ thửa giữa các mảnh ruộng, vừa giảm thiểu sự lãng phí về nhân lực, vật lực do đất đai bị phân tán. Việc thực hiện dồn điền đổi thửa cần tới sự ủng hộ của đại đa số nông dân trong cộng đồng vì tinh thần cải thiện sản xuất nông nghiệp chung của địa phương. Việc đổi đất đai giữa các hộ gia đình diễn ra giữa những người cùng làng, cùng xóm. Với mạng lưới quan hệ xã hội vốn của cộng đồng, những hộ gia đình nông dân sẽ có xu hướng đồng thuận để việc trao đổi lẫn nhau trở nên thuận tiện hơn.
Tổ chức sản xuất theo hướng xây dựng mô hình hợp tác xã, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, hoặc tiến tới quy mô cánh đồng lớn là những hướng đi để tiến tới sự tập trung đất đai. Việc theo đuổi mô hình hợp tác xã, chuỗi liên kết hoặc mô hình cánh đồng lớn tức là đặt nông dân vào bối cảnh làm ăn khác, không còn ở dạng thức khép kín, hay chỉ các đơn vị sản xuất cá thể, nhỏ lẻ thuần túy như trước đây. Liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, hoặc với các hợp tác xã khác là những hướng mở quan trọng nhằm tạo đầu ra cho hoạt động sản xuất khi mà diện tích đất đai sẽ ngày một tập trung nhiều hơn. Các nghiên cứu trước cũng đã cho thấy, các mạng lưới xã hội ở nông thôn đã cung cấp các dịch vụ tài chính nhằm giảm thiểu rủi ro và cải thiện sinh kế cho các nhóm hộ gia đình.
Chính sách đất đai của nước ta đã trải qua một quá trình vận động phức tạp, liên tục được điều chỉnh, sửa đổi qua các thời kỳ để phù hợp với thực tiễn. So với hơn 30 năm trước đây, chính sách đất đai, đặc biệt chính sách về tích tụ, tập trung ruộng đất đã có một bước tiến vượt bậc. Những vấn đề thảo luận về giới hạn hạn điền đối với các chủ thể không phải là hộ gia đình nông dân sẽ là một vấn đề cần được tiếp tục làm sáng tỏ. Chính sách đất đai cần tiếp tục hoàn thiện và ban hành những quy định mới, phù hợp, mở đường cho các giao dịch hợp pháp, hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp phát triển.
|