Tóm tắt kết quả đề tài cơ sở 2024 "Tình trạng thất nghiệp của lao động di cư vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung giai đoạn 2020-2022"

03/12/2024

Loại đề tài:

Cấp cơ sở

Chủ nhiệm đề tài:

ThS. Nguyễn Quang Tuấn

Thời gian thực hiện:

Tháng 01/2024 - 12/2024

Tổ chức chủ trì:

Viện Xã hội học

Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu tổng quát: Tìm hiểu tình trạng thất nghiệp và nhận diện một số yếu tố tác động đến tình trạng thất nghiệp của lao động di cư đến vùng BTB&DHMT trong giai đoạn 2020-2022

Mục tiêu cụ thể:

  • Mô tả tình trạng thất nghiệp và đặc điểm của lao động di cư thất nghiệp vùng BTB&DHMT giai đoạn 2020-2022;
  • Chỉ ra sự khác biệt giữa lao động di cư thất nghiệp và lao động di cư không thất nghiệp vùng BTB&DHMT giai đoạn 2020-2022;
  • Nhận diện một số yếu tố tác động đến tình trạng thất nghiệp của lao động di cư đến vùng BTB&DHMT giai đoạn 2020-2022.

Phương pháp

nghiên cứu:

Nghiên cứu sử dụng số liệu Điều tra Lao động việc làm năm 2020 và 2022 của Tổng cục Thống kê để để phân tích tình trạng thất nghiệp của lao động di cư từ tỉnh/thành phố khác đến vùng BTB&DHMT (gọi tắt là lao động di cư), cũng như nhận diện họ là ai và những khác biệt giữa các nhóm xã hội của nhóm lao động di cư thất nghiệp này.

Tóm tắt kết quả/

phát hiện chính:

Nghiên cứu chỉ ra rằng từ năm 2020 đến 2022, tình trạng thất nghiệp trong nhóm lao động di cư đến vùng BTB&DHMT gia tăng đáng kể, với những đặc điểm nổi bật:

Lao động di cư đến vùng BTB&DHMT thất nghiệp phổ biến hơn ở nữ giới vào năm 2020 và nam giới năm 2022; nhóm lao động thanh niên (15-24 tuổi); lao động có học vấn thấp hơn (từ Trung cấp trở xuống và phổ biến ở nhóm học vấn THPT đến Trung cấp). Ngoài ra, lao động di cư đến khu vực thành thị thuộc vùng BTB&DHMT cũng là nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với nhóm lao động di cư đến khu vực nông thôn. Về thời gian di cư, lao động di cư thất nghiệp phổ biến hơn ở nhóm di cư ngắn hạn (dưới 1 năm). Đối với lao động di cư được đào tạo, lao động được đào tạo trong nhóm ngành kinh tế và quản lý thất nghiệp phổ biến hơn so với các nhóm ngành Công nghệ, Kỹ thuật và Sản xuất, Y tế, Pháp luật và Xã hội vào năm 2022.

Lao động di cư đến vùng BTB&DHMT có việc làm phổ biến ở nhóm có học vấn thấp và di cư dài hạn, trong khi nhóm lao động di cư đến vùng BTB&DHMT thất nghiệp phổ biến hơn ở nhóm có học vấn cao hơn và di cư ngắn hạn. Xem xét thêm sự khác biệt giữa lao động di cư đến vùng BTB&DHMT và lao động không di cư cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của lao động di cư cao gấp khoảng 7 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của lao động không di cư.

Xem xét đến các yếu tố tác động, phân tích hồi quy nhị phân cho thấy các yếu tố chính tác động đến tình trạng thất nghiệp gồm giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, ngành đào tạo, khu vực cư trú, và loại hình di cư. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 là một yếu tố trung gian, làm gia tăng sự bất ổn trên thị trường lao động và thúc đẩy quá trình tái cấu trúc kinh tế khu vực.

Khuyến nghị:

Nghiên cứu nhấn mạnh rằng tình trạng thất nghiệp của lao động di cư tại vùng BTB&DHMT phản ánh sự mất cân đối trong cung - cầu lao động, đặc biệt trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Để giải quyết vấn đề này, một số giải pháp chính sách được đề xuất:

  • Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, tạo việc làm bền vững gắn với các ngành kinh tế tiềm năng như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và công nghiệp chế biến.
  • Điều chỉnh chương trình đào tạo và đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại, tập trung vào các ngành kỹ thuật, công nghệ và các kỹ năng mềm giúp người lao động chuyển đổi linh hoạt giữa các ngành nghề.
  • Phát triển các dịch vụ tư vấn nghề nghiệp và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giúp người lao động tận dụng tốt hơn kỹ năng của mình.

Ban hành các chính sách thu hút đầu tư vào khu vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, từ đó tạo nền tảng cho sự cân bằng cung - cầu lao động.

 

Các tin cũ hơn.............................

    Nội dung đang được cập nhật