Tóm tắt kết quả đề tài cơ sở 2024 "Thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến sử dụng dịch vụ y tế của người cao tuổi ở nông thôn" (Qua sử dụng bộ số liệu VHLSS)

03/12/2024

Loại đề tài:

Cấp cơ sở

Chủ nhiệm đề tài:

ThS. Nguyễn Thị Thùy Linh

Thời gian thực hiện:

1/2024 – 12/2024

Tổ chức chủ trì:

Viện Xã hội học

Mục tiêu nghiên cứu:

Làm rõ thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến sử dụng dịch vụ y tế của người cao tuổi ở nông thôn.

Phương pháp

nghiên cứu:

Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:

Phương pháp phân tích tài liệu có sẵn: phương pháp phân tích tài liệu có sẵn xem xét các thông tin có sẵn trong các tài liệu để rút ra các thông tin cần thiết, có liên quan đến mục tiêu nghiên cứu của đề tài. Đề tài sẽ phân tích các công trình nghiên cứu, các tài liệu liên quan đến chủ đề nghiên cứu, bao gồm: sách, giáo trình, văn bản quy phạm pháp luật; các công trình nghiên cứu; các báo cáo, các bài báo tạp chí khoa học và hội thảo khoa học trong và ngoài nước, tài liệu thống kê, tài liệu trên website. Việc tổng hợp, phân tích, khái quát tài liệu nghiên cứu trước đây là cơ sở quan trọng cho việc thiết kế nội dung nghiên cứu hợp lý cho đề tài.

Phương pháp phân tích số liệu thứ cấp: đề tài sẽ sử dụng bộ số liệu thứ cấp Điều tra mức sống hộ gia đình (VHLSS) của Tổng cục thống kê năm 2020 để phân tích và xử lí thông tin. Đây là cuộc điều tra định kỳ 2 năm 1 lần do Tổng cục thống kê thực hiện. Cuộc điều tra năm 2020 được tiến hành trên 46980 hộ gia đình ở 3132 xã/phường theo một số nội dung như việc làm, thu nhập, y tế, giáo dục, tiêu dùng… Nghiên cứu này tập trung phân tích nhóm người cao tuổi ở nông thôn về tình trạng sức khỏe và sử dụng dịch vụ y tế của nhóm này.

 

Tóm tắt kết quả/

phát hiện chính:

Phần lớn NCT ở nông thôn vẫn sống cùng con cháu và còn tiếp tục lao động kiếm sống nhưng lại không có cơ hội tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế như NCT khu vực đô thị. Các phân tích thông qua tính toán từ bộ số liệu VHLSS 2020 cũng đã đề cập đến tình hình sức khỏe của NCT ở nông thôn hiện nay. Có 13,8% NCT ở nông thôn bị ốm/bệnh/chấn thương nặng phải nằm 1 chỗ và cần người chăm sóc trong 12 tháng trước thời điểm khảo sát. NCT là nữ giới dễ mắc bệnh nặng hơn NCT là nam giới. Đồng thời, tuổi càng cao, cơ hội tiếp cận tới các dịch vụ y tế của NCT càng thấp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Nhóm NCT từ 80 tuổi trở lên cũng có số lần mắc bệnh nặng nhiều nhất trong cả ba nhóm tuổi. Về BHYT, tuy số lượng NCT ở nông thôn có thẻ BHYT miễn phí là 94,2% nhưng chỉ có 14,8% NCT sử dụng BHYT để điều trị ngoại trú và 43,6% NCT sử dụng thẻ BHYT để điều trị nội trú. Độ tuổi càng cao thì NCT có xu hướng sử dụng thẻ BHYT để điều trị nội trú càng lớn.

Về thực trạng sử dụng dịch vụ y tế, có sự khác biệt trong việc lựa chọn sử dụng dịch vụ y tế của NCT ở khu vực nông thôn và khu vực đô thị. Trong khi NCT ở nông thôn có xu hướng lựa chọn các loại hình trạm y tế xã, bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh/TP hoặc y tế tư nhân thì NCT ở đô thị lại thường sử dụng các loại hình y tế tuyến trên như bệnh viện huyện/quận, bệnh viện tỉnh/TP, bệnh viện trung ương và y tế tư nhân. Tỷ lệ lựa chọn khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã/phường của NCT ở nông thôn cao gấp gần 6 lần so với NCT khu vực đô thị. Tuy nhiên, khi mắc phải những căn bệnh mãn tính hoặc chấn thương/ốm nặng, NCT ở nông thôn vẫn có nhu cầu được sử dụng các cơ sở y tế tuyến trên để chữa trị. Nhìn chung, khi so sánh giữa các vùng kinh tế - xã hội, NCT nông thôn khu vực Đồng bằng sông Hồng đang có nhiều cơ hội hơn trong việc chăm sóc sức khỏe và sử dụng các dịch vụ y tế.

Về mức độ sử dụng, đối với việc khám chữa bệnh ngoại trú, NCT nông thôn có số lần trung bình khám bệnh nhiều nhất là ở trạm y tế xã/phường và y tế tư nhân (tương ứng với 2,78 lần và 2,87 lần). Tuy có số lần trung bình khám chữa bệnh thấp khi điều trị ngoại trú song bệnh viện tỉnh/TP và bệnh viện trung ương lại là hai loại hình chiếm số lần sử dụng cao nhất được NCT lựa chọn khi điều trị nội trú. Số liệu phân tích chỉ ra sự đối lập trong việc lựa chọn cơ sở y tế khi khám, chữa bệnh ngoại trú và nội trú của NCT ở nông thôn. Đối với các bệnh cần phải điều trị lâu dài, NCT thường có xu hướng lựa chọn tới các bệnh viện tuyến trên để khám, chữa bệnh với mong muốn được sử dụng các dịch vụ có chất lượng tốt.

Về lý do sử dụng, NCT chủ yếu tới các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe và tư vấn hoặc khám/chữa bệnh. Tuy chênh lệch không đáng kể song nam giới cao tuổi vẫn có tỉ lệ sử dụng các loại hình y tế tuyến trên cao hơn so với nữ giới cao tuổi và nhu cầu lựa chọn sử dụng dịch vụ y tế giữa các nhóm tuổi của NCT là khác nhau. Không có sự tác động đáng kể giữa việc lựa chọn sử dụng các loại hình cơ sở y tế của NCT ở nông thôn khi xem xét yếu tố tình trạng hôn nhân. Tuy chênh lệch rất nhỏ song nhóm NCT không có bạn đời bên cạnh vẫn chiếm tỷ lệ cao trong việc lựa chọn sử dụng các dịch vụ y tế tuyến dưới như trạm y tế xã/phường; bệnh viện huyện/quận. Việc không có bạn đời bên cạnh thường tác động tới nhu cầu lựa chọn dịch vụ y tế của NCT.

Xem xét yếu tố trình độ học vấn cho thấy, NCT thuộc nhóm có trình độ học vấn từ THCS trở lên có xu hướng sử dụng các loại hình cơ sở y tế tuyến trên như bệnh viện tỉnh/TP; bệnh viện trung ương cao hơn so với nhóm NCT có trình độ học vấn từ tiểu học trở xuống. Đặc biệt, khó khăn về kinh tế là một trong những yếu tố tác động đến mô hình lựa chọn sử dụng dịch vụ y tế của NCT. NCT thuộc nhóm mức sống càng cao thì càng có nhiều cơ hội tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế tuyến trên.

Các chính sách của Đảng và Nhà nước đều đã đề cập đến tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe cho NCT. Tuy nhiên việc thực hiện các chính sách này còn nhiều hạn chế về nguồn lực, cơ sở vật chất... để NCT có thể tiếp cận và sử dụng một cách hiệu quả các dịch vụ y tế hiện nay.

Khuyến nghị/;

Đa số NCT hiện nay khi sử dụng dịch vụ y tế đều bị chi phối bởi yếu tố chi phí, tính thuận tiện, khoảng cách di chuyển và sự hỗ trợ từ phía người thân. Vì vậy, trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay, đề tài đề xuất một số giải pháp như sau:

- Chú trọng tăng cường đầu tư cả về nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế tuyến cơ sở để NCT có thể tiếp cận được cơ sở y tế nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc cho NCT ngay tại tuyến cơ sở.

- Cần tăng cường công tác truyền thông và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho NCT, đặc biệt là NCT nữ, NCT nghèo và NCT cô đơn không nơi nương tựa.

 - Cần nâng cao tính chủ động cho NCT trong việc giữ gìn và chăm sóc sức khỏe bằng các hình thức hỗ trợ, tuyên truyền tại nhà, cơ sở y tế, hội nhóm NCT.

 - Nhà nước cần chú trọng mở rộng các loại hình và quy mô bao phủ về BHXH và BHYT, tăng cường các hoạt động trợ giúp NCT thông qua các chương trình như xóa đói giảm nghèo, vay vốn sản xuất, các hoạt động quyên góp tài chính và vật chất từ cộng đồng, v.v…

Tóm lại, để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện sức khỏe và mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho NCT, đặc biệt là NCT khu vực nông thôn, cần đầu tư phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe thích ứng với mô hình bệnh tật hiện nay của NCT, tạo sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giữa những NCT để đảm bảo an sinh xã hội tốt hơn cho NCT nông thôn trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay.

 

Các tin cũ hơn.............................

    Nội dung đang được cập nhật