Tóm tắt kết quả đề tài cơ sở 2024 "Bất bình đẳng cơ hội trong giáo dục đối với trẻ em ở cấp Trung học phổ thông"

03/12/2024

Loại đề tài:

Đề tài cấp cơ sở

Chủ nhiệm đề tài:

ThS. Ngô Thị Châm

Thời gian thực hiện:

12 tháng (từ tháng 01/2024 đến tháng 12/2024)

Tổ chức chủ trì:

Viện Xã hội học

Mục tiêu

nghiên cứu:

- Mục tiêu tổng quát: Phân tích các yếu tố xã hội dẫn đến tình trạng bất bình đẳng cơ hội trong giáo dục đối với trẻ em ở cấp trung học phổ thông

- Mục tiêu cụ thể:

+ Tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn về các yếu tố quyết định tình trạng bất bình đẳng cơ hội trong giáo dục

+ Khảo sát và phân tích một số yếu tố xã hội quyết định tình trạng bất bình đẳng cơ hội trong giáo dục đối với trẻ em ở cấp trung học phổ thông

+ Tìm hiểu các chương trình, chính sách của nhà nước và địa phương nhằm giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng cơ hội trong giáo dục đối với trẻ em ở cấp trung học phổ thông

Phương pháp

nghiên cứu:

Tìm hiểu sự bất bình đẳng cơ hội trong giáo dục đối với trẻ em ở cấp trung học phổ thông qua việc xem xét mối quan hệ giữa hoàn cảnh/nền tảng gia đình và giáo dục ở cấp trung học phổ thông bằng cách sử dụng dữ liệu khảo sát đại diện hộ gia đình có con em đang trong độ tuổi theo học ở bậc học trung học phổ thông.

Đề tài sử dụng hai phương pháp chính: Phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp và phương pháp thu thập thông tin tại thực địa để tìm hiểu xem các cơ hội trong giáo dục dành cho trẻ em cấp trung học phổ thông có được phân bổ công bằng hay không bằng cách so sánh khả năng tham gia và tiếp cận một/một vài cơ hội nhất định liên quan đến giáo dục (tỷ lệ đi học đúng tuổi và hoàn thành chương trình học đúng hạn, cơ hội tiếp cận internet phục vụ học tập, mức độ thụ hưởng các dịch vụ giáo dục…) của trẻ em đang trong độ tuổi theo học cấp trung học phổ thông ở các nhóm hoàn cảnh gia đình khác nhau, sinh sống ở các vùng địa lý khác nhau.

- Phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp: Thu thập các nguồn tài liệu sẵn có liên quan đến chủ đề nghiên cứu.

- Phương pháp thu thập thông tin tại thực địa: Vì lý do nguồn lực hạn chế, đề tài lựa chọn phương pháp phỏng vấn sâu tại thực địa chủ yếu đối với các đối tượng là cha mẹ/người giám hộ hợp pháp và trẻ em đang trong độ tuổi theo học cấp trung học phổ thông (nếu thuận tiện) được phân chia theo các đặc trưng nhân khẩu xã hội như: giới tính của trẻ, hoàn cảnh gia đình, khu vực sinh sống của 01 xã nông thôn và 01 phường đô thị thuộc khu vực bắc bộ. Cụ thể: Thực hiện 13 phỏng vấn sâu tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội (đây là một xã ngoại thành Hà Nội thuộc vùng châu thổ Sông Hồng và là xã đông dân nhất của huyện Đan Phượng); 12 phỏng vấn sâu được thực hiện tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Đặc điểm mẫu nghiên cứu phỏng vấn sâu

(Đvt: người)

 

Đô thị

Nông thôn

Tổng

Giới tính

Nam

2

3

5

Nữ

10

10

20

Trình độ học vấn

Tiểu học

2

0

2

THCS

3

5

7

THPT

1

6

8

Cao đẳng, đại học trở lên

6

2

8

Nghề nghiệp

Kinh doanh, buôn bán

6

5

11

Giáo viên

1

1

2

Nhân viên

2

2

4

Cán bộ

1

0

1

Lao động tự do

1

4

5

Hưu trí

1

1

2

Tình trạng hôn nhân

Có vợ/chồng

10

12

22

Ly hôn/ly thân

2

0

2

Goá

0

1

1

Mức sống

Khá giả

1

2

3

Trung bình

10

10

20

Nghèo/cận nghèo

1

1

2

Số lượng con cái

1-2 con

7

9

16

3 con trở lên

5

4

9

Giới tính của trẻ đang theo học cấp THPT

Trẻ em trai

7

4

11

Trẻ em gái

5

9

14

Tổng

12

13

25

 

Tóm tắt kết quả/

phát hiện chính:

Kết quả của nhiều nghiên cứu từ quá trình tổng quan tài liệu cho thấy mặc dù Nhà nước đã và đang thực hiện khá tốt vai trò của mình trong tạo dựng cơ chế phù hợp cho việc mở rộng cơ hội giáo dục cho mọi người. Tuy nhiên, nhìn chung ở Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng bất bình đẳng về cơ hội trong giáo dục, trong đó bao gồm cả giáo dục ở bậc trung học phổ thông, phản ánh thực trạng nguồn lực công phân bố không đủ và không đều. Một bộ phận trong xã hội vẫn chưa được hưởng lợi đầy đủ quyền giáo dục, vẫn còn sự chênh lệch trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục cơ bản và hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ giáo dục của Nhà nước. Điều này góp phần làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục của các nhóm yếu thế, đồng thời là trở ngại lớn đối với mục tiêu “giáo dục bao trùm” cũng như đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Quá trình điều tra định tính tại thực địa tiếp tục khẳng định kết quả của những nghiên cứu đi trước về ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục ở bậc trung học phổ thông. Khả năng tiếp cận giáo dục trung học phổ thông bị ảnh hưởng bởi các đặc điểm văn hoá xã hội gắn liền với sự tương tác trong thể chế gia đình và bởi các yếu tố bên ngoài như: vốn xã hội, kinh tế và văn hoá của gia đình cũng như phụ thuộc vào các điều kiện giáo dục do nhà nước cung cấp. Trong gia đình, vai trò của người mẹ có ảnh hưởng quan trọng đến việc học tập của con cái nhiều hơn người cha. Việc nhắc nhở con cái học hành hàng ngày trong gia đình, trò chuyện, chia sẻ với con hay tham gia các cuộc họp phụ huynh phần lớn đều do người mẹ đảm nhận. Vốn văn hoá hay môi trường văn hoá của gia đình có ảnh hưởng đến việc lựa chọn vào trường trung học nhưng hoàn cảnh kinh tế của gia đình mới là yếu tố quyết định đến việc tiếp cận các cơ hội giáo dục của trẻ ở bậc trung học phổ thông. Vai trò, nhận thức và sự quan tâm của gia đình đến giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định đến tình trạng bất bình đẳng cơ hội trong giáo dục đối với trẻ em ở cấp trung học phổ thông tại địa bàn khảo sát. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của gia đình đến cơ hội tiếp cận giáo dục của con cái ở bậc trung học phổ thông hầu như chưa được đặt ra nghiên cứu một cách bài bản và có chiều sâu. Đan xen với những chiều cạnh bất bình đẳng cơ hội trong giáo dục, bất bình đẳng giới trong tiếp cận giáo dục cũng là vấn đề cần được quan tâm giải quyết, đặc biệt ở nhóm trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhằm đảm bảo cho tất cả trẻ em gái và trẻ em trai đều hoàn thành chương trình giáo dục theo mục tiêu của Chương trình phát triển bền vững 2030.

Về lý thuyết và về mặt chính sách, Nhà nước đang dành nhiều ưu tiên cho những chính sách đầu tư cho giáo dục nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn thông qua những việc làm, những kế hoạch thiết thực như xây dựng thêm trường học, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực giáo dục, cung cấp tài liệu học tập; ưu đãi, trợ cấp, miễn giảm học phí đối với các đối tượng, các nhóm xã hội dễ tổn thương như trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa,… nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Có thể nói, Nhà nước đã xây dựng khuôn khổ pháp lý cơ bản cho giảm thiểu bất bình đẳng về cơ hội giáo dục, tuy nhiên lại chưa tạo dựng được cơ sở xã hội - kinh tế vững chắc để giảm thiểu bất bình đẳng cơ hội giáo dục hiệu quả trên thực tế. Chính sách miễn giảm học phí bậc trung học phổ thông hiện không có nhiều ý nghĩa trên thực tế khi có hàng loạt các khoản đóng góp khác với mức thu cao hơn nhiều lần mức học phí được miễn giảm mà các gia đình phải chi trả. Tỷ lệ đóng góp từ hộ gia đình cho giáo dục khá cao và tăng dần theo các cấp học có xu hướng làm sâu sắc thêm những bất bình đẳng hiện có về khả năng tiếp cận giáo dục, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng về các thành quả giáo dục. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết về lý luận và thực tiễn, đòi hỏi việc tìm hiểu bất bình đẳng cơ hội trong giáo dục đối với trẻ em ở cấp trung học phổ thông dựa trên các yếu tố thuộc về hoàn cảnh gia đình (cấu trúc xã hội của gia đình như thành phần gia đình, số lượng con cái, vốn văn hoá xã hội của gia đình như trình độ học vấn và thái độ của cha mẹ đối với việc học của con cái,…) nên là vấn đề được quan tâm nghiên cứu về cả mặt học thuật và nên được xem xét như một yếu tố tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Bởi nó sẽ thúc đẩy sự quan tâm và khả năng của xã hội trong việc tăng cường cơ hội cho những trẻ em chịu thiệt thòi nhất và cung cấp một môi trường học tập, giáo dục bình đẳng cho tất cả trẻ em nói chung.

Khuyến nghị:

Dựa trên kết quả nghiên cứu bước đầu, đề tài hy vọng góp phần cung cấp những luận cứ khoa học giúp các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách trong việc nhanh chóng đưa ra những giải pháp và khuyến nghị chính sách phù hợp, góp phần giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng cơ hội trong giáo dục, đặc biệt đối với nhóm trẻ em ở cấp trung học phổ thông trên phương diện tìm hiểu cả sự ảnh hưởng từ phía gia đình cũng như những yếu tố về mặt chính sách của Nhà nước và địa phương đến cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ.

Bên cạnh các chính sách, hỗ trợ của nhà nước và địa phương nhằm giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng cơ hội trong giáo dục cho trẻ ở cấp trung học phổ thông, quan điểm xã hội hoá giáo dục ở bậc trung học phổ thông có thể được đưa vào để phân tích tính phù hợp và xem xét tính khả thi triển khai. Bằng cách huy động mọi nguồn lực trong xã hội, từ tài chính, cơ sở vật chất đến các chương trình phát triển kỹ năng và hỗ trợ tinh thần, xã hội hoá giáo dục bậc trung học phổ thông sẽ giúp tạo ra môi trường giáo dục công bằng hơn, nơi mà mọi học sinh đều có cơ hội phát triển toàn diện và tự do theo đuổi ước mơ của mình.

 

Các tin cũ hơn.............................

    Nội dung đang được cập nhật