Tóm tắt kết quả đề tài cơ sở 2024 "Khảo sát nhận thức và hành vi chuẩn bị cho tuổi già của lao động khu vực phi chính thức (Nghiên cứu trường hợp Hà Nội)"

03/12/2024

Loại đề tài:

Đề tài cấp cơ sở

Chủ nhiệm đề tài:

Ths. Lương Ngọc Thúy

Thời gian thực hiện:

12 tháng (1-12/2024)

Tổ chức chủ trì:

Viện Xã hội học

Mục tiêu nghiên cứu:

Tại Việt Nam lao động khu vực phi chính thức đã tồn tại từ lâu và giữ một vị trí, vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo. Tuy nhiên khi làm việc tại khu vực phi chính thức, người lao động không có sự bảo vệ về mặt pháp lý hoặc bảo vệ xã hội, việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp…Theo Tổng cục thống kê năm 2021, Việt Nam có 33,6 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm tới 68,5% tổng số lao động có việc làm. Tuy nhiên trong số này có đến 97,8% lao động phi chính thức không tham gia vào bất kì một loại hình bảo hiểm nào. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ (2,1%) người lao động phi chính thức có tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Rõ ràng, so với lao động chính thức, lao động phi chính thức chịu nhiều thiệt thòi hơn đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức nông thôn khi công việc bấp bênh, tạm thời, không được bảo trợ xã hội mà còn khó có thể đảm bảo mức sống tối thiểu cho bản thân và gia đình. Đề tài: Khảo sát nhận thức và hành vi chuẩn bị cho tuổi già của lao động khu vực phi chính thức (Nghiên cứu trường hợp Hà Nội) lựa chọn xã Phù Lưu huyện Ứng Hòa nhằm mục đích tìm hiểu sự chuẩn bị cho tuổi già của lao động khu vực phi chính thức tại đây thông qua nhận thức và hành vi của họ dưới 4 yếu tố chính là: Tài chính, sức khỏe, tham gia bảo hiểm xã hội, tham gia các hoạt động xã hội.

Phương pháp

nghiên cứu:

Phương pháp nghiên cứu định lượng: Câc câu hỏi tập trung chủ yếu vào các yếu tố về nhận thức và hành vi của lao động phi chính thức trong việc chuẩn bị cho tuổi già của họ. Nghiên cứu được thực hiện tại xã Phù Lưu huyện Ứng Hòa thành phố Hà Nội, mẫu khảo sát được chọn xác suất ngẫu nhiên. Khảo sát định lượng được tiến hành trên 150 cá nhân với độ tuổi từ 49 – 59 tuổi đang có việc làm nhưng không có hợp đồng lao động và không có bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tóm tắt kết quả/

phát hiện chính:

Lao động trong khu vực phi chính thức thường có một cái nhìn khác biệt về tuổi già so với những người lao động trong khu vực chính thức, chủ yếu do tính chất công việc không ổn định, thu nhập thấp và thiếu các chế độ bảo hiểm xã hội. Sự nhận thức và thái độ đối với việc chuẩn bị cho tuổi già không phải là vấn đề đơn giản mà là một quá trình thay đổi, gắn liền với các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống của lao động khu vực phi chính thức.

- Về nhận thức của lao động khu vực phi chính thức tại địa bàn khảo sát cho việc chuẩn bị tuổi già, có thể thấy hầu hết lao động trong khu vực này nhận thức rõ sự cần thiết của việc chuẩn bị cho tuổi già, coi đây là một cách để đảm bảo tự chủ và tránh phụ thuộc vào con cái, người thân khi tuổi cao. Sức khỏe là yếu tố chuẩn bị được ưu tiên cao nhất, tiếp theo là tài chính và cuối cùng là tinh thần. Có sự khác biệt về độ tuổi bắt đầu chuẩn bị giữa các nhóm giới tính, trình độ học vấn và tình trạng hôn nhân, với nữ giới thường có xu hướng chuẩn bị cho tuổi già sớm hơn so với nam giới

- Về hành vi của lao động khu vực phi chính thức tại địa bàn khảo sát cho việc chuẩn bị tuổi già, phần lớn lao động trong khu vực này đều có những sự chuẩn bị nhất định cho tuổi già về các mặt tài chính, sức khỏe, tinh thần và tham gia bảo hiểm xã hội. Trong đó các nhóm giới tính, trình độ học vấn, nghề nghiệp và thu nhập đều có ảnh hưởng lớn đến cách lựa chọn các hình thức chuẩn bị tài chính cho tuổi già. Về mức độ chuẩn bị tài chính cho tuổi già có sự khác biệt qua các yếu tố kinh tế và xã hội, với thu nhập, nghề nghiệp. Các yếu tố nhân khẩu học lại có tác động lớn đến mức độ chuẩn bị về mặt sức khỏe cho tuổi già của lao động khu vực phi chính thức. Với cách thức chuẩn bị cho tinh thần yếu tố thu nhập có ảnh hưởng nhất đến sự chuẩn bị này của lao động khu vực phi chính thức.

Dù người dân tại địa bàn khảo sát đã có nhận thức và hành vi chuẩn bị cho tuổi già tuy nhiên tư tưởng truyền thống về trách nhiệm của con trai và sự hỗ trợ từ gia đình vẫn là động lực chính cho kỳ vọng của họ về an sinh tuổi già. Đặc biệt những yếu tố liên quan đến cấu trúc gia đình, số lượng con và truyền thống xã hội là những nhân tố ảnh hưởng nhiều hơn đến mong muốn hỗ trợ từ con cái của lao động phi chính thức tại nông thôn.

Khuyến nghị (nếu có)

 

 

 

 

Các tin cũ hơn.............................

    Nội dung đang được cập nhật