Tóm tắt kết quả/
phát hiện chính:
|
-
Tóm tắt các phát hiện/kết quả chính của đề tài (từ 01-1,5 trang, tương đương khoảng 600-1000 từ)
Nhận thức về an toàn thực phẩm của người dân hiện nay
- Nhận thức thế nào là thực phẩm an toàn
Đa số đều nhận thức được thực phẩm an toàn là thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người khi được tiêu thụ (84%). Chi tiết hơn, có tới 78,7% cho rằng thực phẩm an toàn là thực phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. 71,0% cho rằng thực phẩm an toàn là thực phẩm không nhiễm các chất độc hại; 70,3% cho rằng thực phẩm an toàn là thực phẩm không bị hư hỏng, nhiễm khuẩn. Mức độ chênh lệch nhận thức giữa hai nhóm nam và nữ, các nhóm tuổi, trình độ học vấn, và giữa hai nhóm nông thôn-đô thị.
Đề tài đưa ra 7 tiêu chí để đánh giá các chiều cạnh của an toàn thực phẩm. Nhận thức đầy đủ về an toàn thực phẩm là đủ 7 tiêu chí. Kết quả khảo sát cho thấy,c có 43,2% người tham gia khảo sát có nhận thức đầy đủ. Như vậy, an toàn thực phẩm là một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, cụ thể là vấn đề sức khỏe nhưng sự quan tâm vấn đề này của người dân là chưa cao. Người tiêu dùng ở các nhóm giới tính, tuổi, trình độ học vấn và nơi sinh sống khác nhau có sự khác biệt về hiểu biết của mình về an toàn thực phẩm.
Thái độ đối với vấn đề an toàn thực phẩm của người dân hiện nay
Người dân ngày càng thể hiện thái độ chú trọng và quan tâm đối với vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt, sau những vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, thực phẩm chứa hóa chất độc hại. Thái độ đối với an toàn thực phẩm phản ánh mức độ quan tâm và trách nhiệm mỗi cá nhân đối với sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Nghiên cứu chỉ ra rằng, người dân nhận thức rất rõ tầm quan trọng của an toàn thực phẩm. Có tới 92,1% người dân tham gia khảo sát đánh giá mức độ quan trọng của an toàn thực phẩm là rất quan trọng.
Hành vi thực hiện an toàn thực phẩm của người dân hiện nay
Hành vi thực hiện an toàn thực phẩm của người dân hiện nay đã có những chuyển biến tích cực, phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nhiều người đã chủ động thay đổi thói quen tiêu dùng, lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên thực phẩm sạch, hữu cơ, và các sản phẩm có chứng nhận an toàn. Việc tự nấu ăn tại nhà, hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn hoặc thức ăn nhanh cũng ngày càng phổ biến. Ngoài ra, nhiều gia đình còn chú trọng hơn đến việc bảo quản thực phẩm đúng cách, từ việc kiểm tra hạn sử dụng đến việc bảo quản ở nhiệt độ phù hợp.
Đánh giá chung về tương tác giữa nhận thức, thái độ, và hành vi của người dân đối với an toàn thực phẩm sử dụng tại gia đình ở Hà Nội hiện nay
Nhận thức, thái độ và hành vi của người dân đối với an toàn thực phẩm trong bữa ăn gia đình có mối quan hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau. Khi nhận thức được nâng cao, thái độ của người dân sẽ trở nên thận trọng và có trách nhiệm hơn đối với việc lựa chọn, chế biến, và bảo quản thực phẩm. Thái độ này, từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi.
|
Khuyến nghị:
|
Đối với nhà quản lý
- Thứ nhất, hoàn thiện quy định pháp luật và tiêu chuẩn đối với an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất và thương mại
- Thứ ba, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý các vấn đề liên quan tới an toàn thực phẩm.
- Thứ tư, tăng cường truyền thông và giáo dục cộng đồng là một nội dung quan trọng nhằm nâng cao nhận thức an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người dân.
- Thứ năm, thúc đẩy sự minh bạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Thứ sáu, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Thứ bảy, hình thành cơ chế xử phạt nghiêm minh và có tính răn đe.
- Thứ tám, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các vấn đề liên quan tới an toàn thực phẩm.
- Thứ chín, thúc đẩy sự tham gia của xã hội bằng cách khuyến khích người tiêu dùng tham gia vào quá trình thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đối với người tiêu dùng
- Thứ nhất, lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn có nguồn gốc rõ ràng.
- Thứ hai, cần có ý thức kiểm tra nhãn mác và thông tin sản phẩm.
- Thứ ba, sử dụng các ứng dụng hoặc dịch vụ truy xuất nguồn gốc.
- Thứ tư, cần bảo quản thực phẩm đúng cách.
- Thứ năm, tuân thủ quy tắc vệ sinh trong chế biến.
- Thứ sáu, tránh sử dụng thực phẩm kém chất lượng.
- Thứ bảy, tự nâng cao kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Thứ tám, người tiêu dùng cần thể hiện trách nhiệm xã hội qua việc báo cáo và phản ánh các vi phạm liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Thứ chín, người tiêu dùng nên có thái độ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn.
|