Phương pháp
nghiên cứu:
|
Đề tài sử dụng phương pháp phân tích tài liệu và phương pháp nghiên cứu định tính.
Đề tài đã phân tích các tài liệu sẵn có như: các văn bản pháp luật như các Quyết định, Thông tư…về hướng nghiệp cho học sinh, các báo cáo, bài báo, công trình nghiên cứu đã công bố, các công trình nghiên cứu về định hướng nghề nghiệp cho học sinh của các học giả trong nước và nước ngoài để nhận diện và phân tích những vấn đề đã nghiên cứu và khoảng trống cần tìm hiểu của đề tài.
Ngoài ra, đề tài còn sử dụng phương pháp nghiên cứu chọn mẫu phỏng vấn sâu tại quận Cầu Giấy và quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đề tài lựa chọn mẫu nghiên cứu theo cặp, nghĩa là chọn cha/mẹ có con hiện đang học lớp 12, sau đó xin phép cha/mẹ cho phỏng vấn con của họ. Đối tượng phỏng vấn được lựa chọn theo các tiêu chí của người cha/mẹ (trình độ học vấn, nghề nghiệp, mức sống gia đình). Để có sự nhận diện đa dạng về quan điểm của cha mẹ học sinh lớp 12, đề tài lựa chọn các nhóm cha mẹ có trình độ học vấn và nghề nghiệp khác nhau làm đối tượng nghiên cứu.
|
Tóm tắt kết quả/phát hiện chính của đề tài:
|
Qua tổng quan tài liệu và nghiên cứu thực tiễn tại địa bàn nghiên cứu cho thấy cha mẹ, gia đình và người thân là người đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp của con. Trong gia đình, cha mẹ là người gần gũi và có khả năng ảnh hưởng nhất đến quyết định lựa chọn nghề nghiệp của con. Do vậy, nhận thức của cha mẹ về định hướng nghề nghiệp cho con có vai trò quan trọng đối với mỗi đứa trẻ. Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy cả nhóm cha mẹ và con đều nhận định cần thiết phải ĐHNN cho con. Cung cấp những thông tin cần thiết về nghề nghiệp cho học sinh lớp 12 là một hoạt động quan trọng trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho con. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ bày tỏ việc cung cấp thông tin về ngành nghề cho con là cần thiết nhưng chỉ hữu ích khi cha mẹ biết rõ thông tin hoặc hiểu rõ ngành nghề đó.
Cha mẹ có hiểu biết về mong muốn nghề nghiệp của con nhưng không hiểu biết hết những ngành nghề hiện nay và “xu hướng việc làm tương lai” khiến cho nhiều cha mẹ gặp khó khăn trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho con.
Cha mẹ học sinh lớp 12 Hà Nội có quan niệm về định hướng nghề nghiệp cho con với các đặc điểm của quá trình định hướng nghề nghiệp khá đa dạng. Nội dung của định hướng nghề nghiệp bao gồm các đặc điểm cơ bản của người con và gia đình (sở thích, tính cách, năng lực, điều kiện của gia đình, các hoạt động hỗ trợ con…); và các yếu tố bên ngoài gia đình (đặc điểm ngành học, đặc điểm của trường đại học, cơ hội việc làm….). Những đặc điểm cơ bản này tạo thành một khối gắn liền với chuỗi các hành động để thực hiện mục tiêu nghề nghiệp đặt ra.
Nhóm cha mẹ khác nhau có quan niệm định hướng nghề nghiệp khác nhau. Nhóm cha mẹ có trình độ học vấn từ THPT trở xuống cho rằng định hướng nghề nghiệp chỉ cần gợi ý, hướng dẫn con lựa chọn ngành nghề, bậc học phù hợp với năng lực, sở thích của con và có thể có việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, có những cha mẹ có những kỳ vọng cao hơn trong quan niệm về định hướng nghề nghiệp cho con. Nhóm cha mẹ có trình độ đại học ngoài yếu tố về sở thích, năng lực của con còn quan tâm nhiều hơn đến việc làm sau khi tốt nghiệp (môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến, thu nhập…). Đặc biệt nhóm cha mẹ có trình độ học vấn trên đại học cho rằng định hướng nghề nghiệp phải bao gồm các yếu tố cá nhân, gia đình, xu hướng việc làm và các cơ hội học tập, thăng tiến trong nghề nghiệp. Điều đó phản ánh hiện trạng nhận thức cũng như mong muốn của mỗi bậc cha mẹ.
Ba nội dung quan trọng nhất khi định hướng nghề nghiệp cho con trong quan niệm của nhóm cha mẹ có trình độ học vấn từ THPT trở xuống bao gồm: (1) có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp; (2) phù hợp với năng lực và sở thích của con; (3) phù hợp với điều kiện của gia đình. Đối với nhóm cha mẹ có trình độ từ Đại học trở lên cho rằng 3 nội dung quan trọng nhất khi định hướng nghề nghiệp cho con là: (1) phù hợp với năng lực và sở thích của con; (2) việc làm phù hợp với nhu cầu xã hội; (3) có cơ hội học tập và thăng tiến. Có thể thấy, nhóm cha mẹ có học vấn cao đã chú ý đến những nhu cầu việc làm tương lai và những cơ hội học tập, thăng tiến trong công việc. Điều này không chỉ giúp con có cơ hội tìm kiếm công việc phù hợp sau khi ra trường, tránh tình trạng thất nghiệp hoặc làm trái nghề mà còn giúp con có hứng thú với nghề nghiệp và động lực tiếp tục trau dồi kiến thức.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều cha mẹ không có hoặc thiếu kiến thức chuyên môn về lĩnh vực nghề nghiệp, hoặc kiến thức về nghề nghiệp của họ cũng có thể lạc hậu không phù hợp với thực tế xã hội. Do vậy, họ không thể hoặc khó có thể định hướng nghề nghiệp hay đưa ra các lời khuyên bổ ích cho con. Nhiều cha mẹ không đủ kiến thức, năng lực để đánh giá khả năng của con và sự phù hợp với ngành nghề nào trong tương lai hoặc không đủ năng lực phân tích thông tin, nhu cầu của thị trường lao động và xu hướng việc làm tương lai, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
|
Khuyến nghị:
|
Cần nâng cao nhận thức cho cha mẹ về vai trò và tầm quan trọng của cha mẹ trong việc ĐHNN cho con. Cha mẹ là những người gần gũi và hiểu rõ năng lực, sở thích của con. Do vậy, sự tham gia tích cực của cha mẹ góp phần giúp trẻ tự tin hơn trong các quyết định nghề nghiệp của bản thân.
Khi định hướng nghề nghiệp cho con cha mẹ cần phân tích, đánh giá nguyện vọng, sở thích của con có phù hợp với năng lực của bản thân hay không. Đồng thời, cần kết hợp với những kiến thức, kinh nghiệm mà cha mẹ có được để đưa ra những lời khuyên hữu ích cho con.
Mặc dù cha mẹ hiện nay đã quan tâm đến vấn đề định hướng nghề nghiệp cho con nhưng phần lớn định hướng mang tính chủ quan, thậm chí còn có cha mẹ có xu hướng can thiệp hoặc áp đặt sự lựa chọn nghề nghiệp của con cái. Do vậy, cha mẹ cần trao đổi, phân tích để con lựa chọn được một nghề nghiệp phù hợp. Đồng thời phải tạo điều kiện và khuyến khích con tham gia tìm hiểu và trải nghiệm những hoạt động nghề nghiệp sớm hơn để con hiểu rõ hơn nghề nghiệp mà bản thân dự kiến lựa chọn.
|