Phương pháp
nghiên cứu:
|
- Phương pháp phân tích các nguồn tài liệu có sẵn: đề tài sẽ tổng quan các công trình nghiên cứu và bài báo khoa học về chủ đề việc làm của người dân tộc thiểu số nhằm đưa ra một cái nhìn tổng quát về vấn đề nghiên cứu.
- Phương pháp phân tích số liệu thứ cấp: bài viết phân tích bộ số liệu điều tra mức sống dân cư năm 2010 và năm 2020 do Tổng cục thống kê thực hiện. Cuộc điều tra năm 2010 được tiến hành trên 9.402 hộ gia đình và cuộc điều tra năm 2020 được tiến hành trên 9.389 hộ gia đình theo một số nội dung như giáo dục, việc làm, y tế, nhà ở… Mẫu nghiên cứu trong bài viết này là người DTTS từ 15-59 tuổi đối với nam và 15-54 tuổi đối với nữ, có việc làm chính – là công việc chiếm nhiều thời gian nhất, có tạo ra thu nhập trong 12 tháng và 30 ngày gần nhất diễn ra cuộc điều tra.
|
Tóm tắt kết quả/
phát hiện chính
|
- Qua phân tích bộ số liệu VHLSS 2010 và VHLSS 2020 cho thấy tỷ lệ người dân tộc thiểu số được đào tạo, có bằng sơ cấp nghề trở lên khi đi làm việc đã có sự chuyển biến tích cực, mặc dù vậy công việc của người dân tộc thiểu số chủ yếu vẫn làm nông nghiệp, đây thường là công việc có mức thu nhập thấp và không ổn định do đa phần người dân tộc thiểu số sinh sống ở nông thôn, có trình độ học vấn và trình độ nghề thấp, tuy nhiên, đã có sự sụt giảm về tỷ lệ người dân tộc thiểu số làm các công việc liên quan đến nông nghiệp và chuyển sang làm các loại hình công việc khác. Bên cạnh đó, thời gian làm việc trung bình và tiền lương trung bình của người dân tộc thiểu số đã có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2010- 2020, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với thời gian làm việc trung bình và tiền lương trung bình của người Kinh. Về tính đảm bảo của công việc, có thể thấy tỷ lệ được ký hợp đồng lao động, hưởng bảo hiểm xã hội của người Kinh cao hơn so với người dân tộc thiểu số, tuy nhiên, tỷ lệ được hưởng bảo hiểm xã hội cho công việc của mình đang làm của cả người dân tộc thiểu số và người Kinh đều thấp hơn so với tỷ lệ được ký hợp đồng lao động trong giai đoạn này.
- Trong những năm qua, Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp luật quốc gia và bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ khá tiến bộ, bao gồm các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vì vậy tỷ lệ có việc làm của nữ dân tộc thiểu số đã được tăng lên trong giai đoạn 2010-2020. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, tỷ lệ người dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực thành thị có việc làm cao hơn so với tỷ lệ người dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực nông thôn, hộ gia đình từ 4 người trở xuống có việc làm nhiều hơn hộ gia đình có 5 người trở lên. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số có việc làm tập trung nhiều nhất ở nhóm 4, nhóm 5 và vùng Đồng bằng sông Hồng.
- Đối với loại hình công việc đi làm nhận tiền lương/tiền công, tỷ lệ nam dân tộc thiểu số có việc làm nhiều hơn nữ dân tộc thiểu số và tỷ lệ người dân tộc thiểu số có bằng cao đẳng trở lên và sơ cấp nghề trở lên đi làm chiếm tỷ lệ cao nhất. Ngoài ra, tỷ lệ người dân tộc thiểu số ở thành thị và hộ từ 4 người trở xuống có việc làm cao hơn so với người dân tộc thiểu số ở nông thôn và hộ từ 5 người trở lên. Tập trung nhiều nhất ở nhóm 5, ít nhất ở nhóm 1 và vùng có tỷ lệ có việc làm cao nhất ở Đông Nam Bộ, thấp nhất ở Trung du và Miền núi phía Bắc.
- Đối với loại hình công việc tự làm nông/lâm/thủy sản, tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số đi làm nhiều hơn nam dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số đi làm khi không có bằng cấp và không có bằng nghề chiếm tỷ lệ cao nhất. Ngoài ra, tỷ lệ người dân tộc thiểu số ở nông thôn và hộ từ 5 người trở lên có việc làm cao hơn so với người dân tộc thiểu số ở thành thị và hộ từ 4 người trở xuống. Tập trung nhiều nhất ở nhóm 1, ít nhất ở nhóm 5 và vùng có tỷ lệ có việc làm cao nhất ở Tây Nguyên, thấp nhất ở Đông Nam Bộ.
- Đối với loại hình công việc tự làm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nữ dân tộc thiểu số đi làm nhiều hơn nam dân tộc thiểu số và tỷ lệ người dân tộc thiểu số có bằng trung học phổ thông và có bằng sơ cấp nghề trở lên đi làm chiếm tỷ lệ cao nhất. Ngoài ra, tỷ lệ người dân tộc thiểu số ở thành thị và hộ từ 4 người trở xuống có việc làm cao hơn so với người dân tộc thiểu số ở nông thôn và hộ từ 5 người trở lên. Tập trung nhiều nhất ở nhóm 5, ít nhất ở nhóm 1 và vùng có tỷ lệ có việc làm cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, thấp nhất ở Tây Nguyên.
- Về mặt chính sách, có thể thấy hệ thống chính sách việc làm cho người dân tộc thiểu số được ban hành khá đầy đủ, nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Các chính sách đã đem lại những hiệu quả tích cực về đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các chính sách, một số chính sách còn xa rời thực tiễn, khó thực hiện.
|