Tớm tắt kết quả đề tài“Báo cáo thường niên xã hội học 2022: Biến đổi cơ cấu việc làm ở Việt Nam trong bối cảnh Covid-19"

12/10/2023

Loại đề tài:

Báo cáo xã hội

Chủ nhiệm:

TS. Phạm Ngọc Tân

Thời gian thực hiện:

Từ tháng 01/2022 đến tháng 12/2022

Tổ chức chủ trì:

Viện Xã hội học

Mục tiêu nghiên cứu

* Mục tiêu tổng quát

        Trên cơ sở phân tích thực trạng biến đổi cơ cấu việc làm giai đoạn 2019-2021 ở Việt Nam trong bối cảnh Covid-19, đề tài sẽ nhận diện và lý giải một số vấn đề đặt ra ở Việt Nam trong bối cảnh mới.

* Mục tiêu cụ thể

- Phân tích thực trạng biến đổi cơ cấu việc làm giai đoạn 2019-2021 ở Việt Nam trong bối cảnh Covid-19;

- Nhận diện và lý giải một số vấn đề đặt ra ở Việt Nam trong bối cảnh mới.

Phương pháp

nghiên cứu:

* Phương pháp phân tích nguồn số liệu thứ cấp

          Phương pháp phân tích nguồn số liệu thứ cấp được sử dụng để phân tích 03 bộ số liệu Điều tra lao động việc làm năm 2019, 2020 và 2021 (thông qua phần mềm SPSS) nhằm phác hoạ bức tranh về biến đổi cơ cấu việc làm của lực lượng lao động ở Việt Nam theo 04 phân hệ sau: 1- Theo tình trạng việc làm (có việc làm, thiếu việc làm và thất nghiệp), 2- Theo ngành kinh tế (nông nghiệp; công nghiệp và dịch vụ), 3- Theo nghề nghiệp (lãnh đạo, quản lý; chuyên môn bậc cao; chuyên môn bậc trung; nhân viên; dịch vụ và bán hàng; lao động có kỹ năng trong nông nghiệp; thợ thủ công và các thợ khác có liên quan; thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị; lao động giản đơn; nghề nghiệp khác) và 4- Theo khu vực làm việc (hộ nông nghiệp; cá nhân làm tự do; cơ sở kinh doanh cá thể; doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước; khu vực nhà nước; khu vực nước ngoài; tập thể và tổ chức đoàn thể khác) trong các mối tương quan với các đặc trưng nhân khẩu - xã hội. Đơn vị phân tích là các nhóm xã hội của lực lượng lao động.

* Phương pháp tham vấn ý kiến chuyên gia

          Đề tài đã triển khai tổ chức 02 hội thảo khoa học để tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học nhằm giúp cho việc phân tích sâu hơn những biến đổi cơ cấu việc làm của lực lượng lao động ở Việt Nam giai đoạn 2019-2021, đồng thời nhận diện và lý giải những vấn đề đặt ra ở Việt Nam trong bối cảnh mới.

Tóm tắt kết quả/

phát hiện chính:

       Kết quả phân tích số liệu Điều tra lao động, việc làm các năm 2019, 2020, 2021 cung cấp bức tranh về sự biến đổi cơ cấu việc làm của lực lượng lao động ở Việt Nam trong bối cảnh covid-19 theo 4 phân hệ: “cơ cấu việc làm theo tình trạng việc làm”, “cơ cấu việc làm theo ngành kinh tế”, “cơ cấu việc làm theo nghề nghiệp”, “cơ cấu việc làm theo khu vực làm việc”. 

       Về biến đổi cơ cấu việc làm theo tình trạng làm việc: Đáng chú ý là trong bối cảnh covid-19, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao nhất trong 10 năm qua. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi có sự gia tăng nhanh, nhất là ở các nhóm lao động: nữ giới; từ 15-30 tuổi; chưa vợ/chồng; có trình độ sơ cấp trở lên trong phân đoạn ; không có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong phân đoạn 2020-2021; ở khu vực thành thị.

       Về biến đổi cơ cấu việc làm theo ngành kinh tế: Việc làm trong ngành nông nghiệp có xu hướng giảm qua các năm 2019, 2020, 2021 và có tỷ lệ tập trung chủ yếu ở các nhóm lao động: nam; từ 31-59 tuổi; thu nhập thuộc nhóm 1 (thấp nhất) và nhóm 2; có vợ/chồng và ở khu vực nông thôn. Việc làm trong ngành công nghiệp có xu hướng tăng qua các năm 2019, 2020, 2021 và tập trung chủ yếu ở các nhóm lao động: nam; từ 15-30 tuổi; thu nhập thuộc nhóm 3 và nhóm 4; chưa có vợ/chồng; ở khu vực thành thị trong các năm 2019, 2020 và ở khu vực nông thôn trong năm 2021. Việc làm trong ngành dịch vụ có xu hướng tăng qua các năm 2019, 2020, 2021 và tập trung chủ yếu ở các nhóm lao động: nữ; 31-59 tuổi; thu nhập thuộc nhóm 4 và nhóm 5 (cao nhất); chưa vợ/chồng và góa/ly hôn/ly thân; ở khu vực thành thị.

       Về biến đổi cơ cấu việc làm theo nghề nghiệp: Việc làm trong nhóm nghề “lao động giản đơn” có xu hướng giảm qua các năm 2019, 2020, 2021 và có tỷ lệ tập trung chủ yếu ở các nhóm lao động: nữ; từ 31-59 tuổi trong các năm 2019 và 2020, từ 15-30 tuổi trong năm 2021; thu nhập thuộc nhóm 1 (thấp nhất) và nhóm 2; có vợ/chồng và góa/ly hôn/ly thân trong các năm 2019 và 2020, chưa vợ/chồng trong năm 2021; ở khu vực nông thôn. Việc làm trong nhóm nghề “Thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị” có xu hướng tăng qua các năm 2019, 2020, 2021 và tập trung chủ yếu ở các nhóm lao động: nam trong năm 2019, nữ trong năm 2020 và 2021; từ 15-30 tuổi; thu nhập thuộc nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 (cao nhất); chưa có vợ/chồng; ở khu vực thành thị. Việc làm trong nhóm nghề “Dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng” có xu hướng tăng qua các năm 2019, 2020, 2021 và tập trung chủ yếu ở các nhóm lao động: nữ; 31-59 tuổi; thu nhập thuộc nhóm 5 (cao nhất); có vợ/chồng và góa/ly hôn/ly thân; ở khu vực thành thị. Việc làm ở nhóm “Nghề trong nông, lâm, ngư nghiệp” có xu hướng tăng qua các năm 2019, 2020, 2021 và có tỷ lệ tập trung chủ yếu ở các nhóm lao động: nam; từ 31-59 tuổi; thu nhập thuộc nhóm 1 (thấp nhất) và nhóm 2; có vợ/chồng và góa/ly hôn/ly thân; ở khu vực nông thôn.

       Về biến đổi cơ cấu việc làm theo khu vực làm việc: Việc làm trong khu vực “hộ nông nghiệp” có xu hướng giảm qua các năm 2019, 2020, 2021 nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn và có tỷ lệ tập trung chủ yếu ở các nhóm lao động: nữ; từ 31-59 tuổi; có vợ/chồng; thu nhập thuộc nhóm 1 (thấp nhất) và nhóm 2; ở khu vực nông thôn. Việc làm khu vực “cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể” có hướng tăng qua các năm 2019, 2020, 2021 và tập trung chủ yếu ở các nhóm lao động: nam; từ 31-59 tuổi; thu nhập thuộc nhóm 3 và nhóm 5 (cao nhất); có vợ/chồng và góa/ly hôn/ly thân; ở khu vực thành thị. Việc làm trong khu vực “doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước” có xu hướng tăng qua các năm 2019, 2020, 2021 và tập trung chủ yếu ở các nhóm lao động: nữ giới; 15-30 tuổi; thu nhập thuộc nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 (cao nhất); chưa vợ/chồng; ở khu vực thành thị.

       Nhìn chung, mặc dù đại dịch covid-19 đã có nhiều tác động đến cơ cấu việc làm của lực lượng lao động ở Việt Nam trong giai đoạn 2019-2021, tuy nhiên vẫn không làm thay đổi xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ đang diệc ra ở Việt Nam. Theo đó, Xu hướng biến đổi cơ cấu việc làm của lực lượng lao động ở Việt Nam trong giai đoạn 2019-2021 vẫn là giảm tỷ lệ trong ngành nông nghiệp, tăng tỷ lệ trong ngành công nghiệp và dịch vụ.

Khuyến nghị:

    + Xây dựng hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế.

    + Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và các kỹ năng cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và tăng khả năng ứng phó, linh hoạt trong bối cảnh khủng hoảng.

    + Tiếp tục tuyên truyền vận động và hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện góp phần thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân theo Nghị quyết số 28-NQ/TW.

    + Hoàn thiện hành lang pháp lý cho vấn đề cứu trợ xã hội để có thể huy động và tổ chức triển khai thực hiện linh hoạt, nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả hơn nữa mọi sự hỗ trợ cho người người dân nói chung và lực lượng lao động nói riêng trong những trường hợp khẩn cấp./.

 

 

Các tin cũ hơn.............................

    Nội dung đang được cập nhật