Loại đề tài:
Đề tài cấp cơ sở
Chủ nhiệm:
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hà
Thời gian thực hiện:
Từ tháng 1- tháng 12/2022
Tổ chức chủ trì:
Viện Xã hội học
Mục tiêu
nghiên cứu:
- Tìm hiểu nhận thức và mức độ ứng dụng CNTT trong học tập của sinh viên
- Phân tích các yếu tố tác động đến việc ứng dụng CNTT trong học tập của sinh viên.
Phương pháp
Các phương pháp nghiên cứu cụ thể được áp dụng trong quá trình thực hiện đề tài gồm phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp và phương pháp nghiên cứu định lượng thông qua điều tra, khảo sát bằng bảng hỏi trực tuyến (khảo sát online) với tổng số mẫu khảo sát là 386 sinh viên đến từ 4 trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tóm tắt kết quả/
phát hiện chính:
Các kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy việc ứng dụng CNTT khá phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập của sinh viên ở Hà Nội hiện nay. Hầu hết sinh viên hiện nay đều sở hữu điện thoại thông minh và máy tính xách tay. Đây cũng là những phương tiện CNTT được sinh viên sử dụng nhiều nhất cho việc học tập. Trung bình mỗi sinh viên dành từ 0,9 đến 5,3 giờ/ngày sử dụng các phương tiện CNTT cho việc học của mình, trong đó điện thoại thông minh và máy tính xách tay là hai phương tiện được sử dụng nhiều nhất. Đa số sinh viên đều đánh giá việc sử dụng các phương tiện CNTT đáp ứng được nhiều cho nhu cầu học tập của bản thân. Các hoạt động học tập ứng dụng CNTT được sinh viên sử dụng thường xuyên nhất trong học kỳ vừa qua là học online, tra cứu thông tin tài liệu sách báo, trao đổi kiến thức với bạn bè, thầy cô online, download tài liệu học tập. Các hoạt động này được sinh viên thực hiện chủ yếu thông qua các mạng xã hội, các ứng dụng hỗ trợ học tập và hộp thư điện tử.
Theo nhận định của sinh viên, vai trò nổi bật của CNTT trong học tập được thể hiện ở một số chiều cạnh như: dễ dàng tìm kiếm tài liệu học tập, nguồn tài liệu và thông tin phong phú; giúp cập nhật thông tin về bài giảng, môn học, các kiến thức mới của thế giới; giúp sinh viên tiếp cận với nhiều nguồn tài nguyên học tập khác nhau và có thể trao đổi thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Tuy vậy trong quá trình ứng dụng CNTT trong học tập sinh viên cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định như: phụ thuộc vào chất lượng mạng và đường truyền internet, làm giảm tương tác trực tiếp giữa các cá nhân và thông tin đa chiều, khó kiểm chứng.
Các kết quả nghiên cứu cũng phản ánh một thực tế rằng kỹ năng sử dụng CNTT trong học tập của đa số sinh viên hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản, có rất ít sinh viên có kỹ năng sử dụng CNTT thành thạo ở mức độ cao hơn. Sinh viên cũng chưa khai thác nhiều các phần mềm/ứng dụng hỗ trợ học tập khác ngoài các phần mềm văn phòng cơ bản. Đây là một hạn chế chủ yếu cần được khắc phục trong thời gian tới để có thể đáp ứng được các yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.
Các tin cũ hơn.............................
Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học quốc gia "Cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam: Thực trạng và xu hướng biến đổi" nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Xã hội học, hướng tới kỉ niệm 70 năm thành lập Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam