Tớm tắt kết quả đề tài:"Thực trạng hợp tác công tư trong đào tạo nghề tại các trường nghề công lập ở Hà Nội "

12/10/2023

Loại đề tài:

Cấp cơ sở

Chủ nhiệm:

TS. Nguyễn Thanh Thủy

Thời gian thực hiện:

12 tháng (1-12/2022)

Tổ chức chủ trì:

Viện Xã hội học

Mục tiêu

nghiên cứu:

Mục tiêu tổng quát

Tìm hiểu thực trạng hợp tác công tư trong đào tạo nghề tại các trường nghề công lập ở Hà Nội; từ đó chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với phương thức hợp tác này.

Mục tiêu cụ thể:

  • Tìm hiểu nhu cầu hợp tác công tư trong đào tạo nghề tại các trường nghề công lập ở Hà Nội;
  • Tìm hiểu thực tiễn hợp tác công tư trong chuyển giao công nghệ và đào tạo tại các trường nghề công lập ở Hà Nội;
  • Chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với phương thức hợp tác công tư trong đào tạo nghề của các trường nghề công lập trên địa bàn Hà Nội.

Phương pháp

nghiên cứu:

Đề tài sử dụng 3 phương pháp cho nghiên cứu này gồm: phương pháp thống kê, phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp và phương pháp nghiên cứu định tính.

- Với phương pháp thống kê, chúng tôi tiến hành xử lý các thông tin sau khi được cung cấp từ các sở, ban, ngành và các trường nghề. Theo đó, các dữ liệu sau khi được tập hợp sẽ được thống kê lại phục vụ các mục tiêu cũng như các nội dung nghiên cứu của đề tài.

- Với phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp, chúng tôi tiến hành phân tích các tài liệu: các văn bản pháp luật cùng với các công trình nghiên cứu khoa học đã tiến hành trước đó với cùng chủ để. Trên cơ sở tổng quan các tài liệu thứ cấp, cho phép đề tài có được những đánh giá về: độ bao phủ của các chính sách đối với vấn đề hợp tác công tư trong đào tạo nghề hiện nay; những điều đã làm được cũng như những khoảng trống trong nghiên cứu về hợp tác công tư trong đào tạo nghề từ các công trình nghiên cứu đã tiến hành.

           Một số nguồn tài liệu chính được đề tài sử dụng:

               + Các văn bản chính sách liên quan đến các vấn đề: hợp tác công tư, đào tạo nghề chiến lược phát triển một số nhóm nghề chủ lực, thị trường lao động, quy hoạch xây dựng mạng lưới các trường giáo dục dạy nghề.

               + Các công trình nghiên cứu khoa học trước đó cùng chủ đề với đề tài.

- Nghiên cứu định tính được chúng tôi thực hiện tại 05 trường đào tạo nghề công lập trên địa bàn Hà Nội. Bao gồm: trường cao đẳng du lịch Hà Nội; trường cao đẳng kinh tế công nghiệp Hà Nội; trường trung cấp xây dựng Hà Nội; trường cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội; trường cao đẳng y tế Hà Nội.

Tại mỗi trường đề tài tiến hành phỏng vấn: 01 cán bộ quản lý, 01 giáo viên và 01 học viên. Cùng với đó, 05 phỏng vấn còn lại được thực hiện với các đối tượng thuộc các cơ quan/tổ chức: Tổng cục giáo dục nghề nghiệp; Sở lao động thương binh xã hội Hà Nội; Viện khoa học giáo dục nghề nghiệp; và 2 lãnh đạo doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kỹ thuật và y tế.

Tóm tắt kết quả/

phát hiện chính:

Hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp theo hình thức hợp tác công tư (PPP) có thể coi là xu hướng hợp tác tất yếu trong bối cảnh nguồn tài trợ từ nhà nước còn hạn chế trong khi các trường nghề tư thục đang có nhiều lợi thế trong cạnh tranh, thu hút người học do được chủ động trong đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cũng như năng lực chuyên môn của các giảng viên.

Sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo nghề thể hiện ở nhiều hình thức như: trao đổi, cung cấp nguồn lực giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp; trao đổi thông tin giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp; hỗ trợ của doanh nghiệp với sinh viên học nghề; hợp đồng đào tạo cho lao động của doanh nghiệp, đưa học sinh đến thực tập tại doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có các hình thức hợp tác như: tiếp nhận sinh viên, giáo viên dạy nghề giáo dục nghề nghiệp thăm quan tìm hiểu về doanh nghiệp, cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp, mời chuyên gia doanh nghiệp về giảng dạy; doanh nghiệp cấp học bổng cho sinh viên, tài trợ thiết bị dạy nghề đào tạo nghề cho nhà trường; hợp tác xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo; tham gia xây dựng chương trình đào tạo...

Hợp tác giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp có thể coi là bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động. Học sinh được tiếp xúc thực tế sản xuất tại doanh nghiệp nhiều hơn, kỹ năng nghề được nâng cao, có cơ hội việc làm tốt hơn. Các cở sở đào tạo xây dựng được giáo trình, tài liệu giảng dạy và học tập gắn với thực tiễn, yêu cầu của xã hội. Các doanh nghiệp có được nguồn lao động bổ sung cho doanh nghiệp đúng với yêu cầu sản xuất, thời gian đào tạo cho người lao động mới khi vào làm việc tại doanh nghiệp được rút ngắn.

Tuy nhiên, việc thiếu một chiến lược hợp tác lâu dài thay vì ngắn hạn, chột giật như hiện nay từ phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang tạo ra những điểm nghẽn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Cùng với việc thiếu hệ thống chính sách, cơ chế ở tầm vi mô đang khiến cho chính các bên (cơ sở đào tạo và doanh nghiệp) gặp khó khăn trong việc xây dựng những chiến lược đầu tư và hợp tác đào tạo có chiều sâu và lâu dài. Rất cần xây dựng một bộ quy định, quy tắc trong hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và học sinh nhằm đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên. Tránh tình trạng nhà trường và doanh nghiệp cùng bắt tay trao học bổng, đào tạo cho sinh viên nhưng đến khi ra trường do thiếu những cơ chế ràng buộc mà sinh viên hoàn toàn có thể bỏ làm việc tại doanh nghiệp đã đào tạo mình mà không gặp bất cứ một trở ngại nào về mặt pháp lý. Bởi về lâu dài, nó sẽ tạo nên định kiến cho các doanh nghiệp khi được đề xuất xây dựng một chiến lược hợp tác lâu dài với cơ sở đào tạo. Đặc biệt trong bối cảnh khi thị trường lao động trong khu vực ASEAN được mở cửa tự do, sự dịch chuyển lao động nguồn lao động giữa các nước vừa tạo ra bước nhảy nhưng cũng là áp lực lớn đối với thị trường lao động nội địa trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường ngay trên chính sân nhà. Do vậy, sự bắt tay giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là hết sức cần thiết và cấp bách, nhằm đảm bảo đào tạo được đội ngũ lao động có trình độ đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới khu vực cũng như trên thế giới.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế tri thức như là một xu hướng tất yếu nhằm nâng cao tiềm lực, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế thì đầu tư cho giáo dục nói chung và cho đào tạo nghề nói riêng theo hình thức hợp tác công tư là hết sức cần thiết và phù hợp. PPP sẽ là tiêu cực nếu hoàn toàn đưa cho quyền kiểm soát của tư nhân, khi đó dễ tạo sự bất bình đẳng trong việc đào tạo đó là: học sinh nghèo khó có thể có nhiều lựa chọn trong việc được đào tạo trình độ, nhiều môn học có thể sẽ bị bỏ ra khi không còn hấp dẫn với nhu cầu của thị trường, dẫn đến tình trạng mất cân đối, các trường chạy theo lợi nhuận và bản thân doanh nghiệp cũng vì lợi nhuận mà họ có thể đào tạo cái này hay không đào tạo cái khác. Do vậy, PPP sẽ là phù hợp nếu đảm bảo sự tham gia của cả nhà nước và khu vực tư nhân nhằm hướng tới đào tạo lực lượng lao động có trình độ chuyên môn được cập nhật các tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại trên cơ sở đảm bảo sự bình đằng trong thụ hưởng cơ hội đào tạo đối với mỗi người.

Khuyến nghị:

Xây dựng một bộ quy tắc trong hợp tác 3 bên giữa nhà trường, doanh nghiệp và học sinh nhằm đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên hướng tới hợp tác bền vững giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

 

Các tin cũ hơn.............................

    Nội dung đang được cập nhật