Loại đề tài:
Cấp cơ sở
Chủ nhiệm:
ThS. Nguyễn Quang Tuấn
Thời gian thực hiện:
Từ tháng 01 năm 2022 đến tháng 12 năm 2022
Tổ chức chủ trì:
Viện Xã hội học
Mục tiêu
nghiên cứu:
Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu thực trạng và một số yếu tố tác động đến việc sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của lao động di cư Việt Nam ở Đài Loan và Nhật Bản, từ đó, đưa ra một số giải pháp tăng cường hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người lao động di cư Việt Nam ở Đài Loan và Nhật Bản.
Phương pháp
Nghiên cứu thực hiện khảo sát ý kiến và quan điểm của 158 người lao động di cư Việt Nam đang ở Đài Loan và 154 người ở Nhật Bản về một số vấn đề liên quan đến sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông qua bảng hỏi điện tử. Các câu hỏi khảo sát được soạn trên Google Forms và được thu thập dữ liệu qua mạng xã hội như Facebook, Zalo hoặc email. Tác giả sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện để gửi đường dẫn (link) bảng hỏi tới những người lao động Việt Nam đang làm việc trong một số loại hình công việc ở Đài Loan và Nhật Bản. Nghiên cứu cũng tiến hành phỏng vấn sâu (14 PVS) và tham khảo ý kiến của người lao động Việt Nam ở Đài Loan và Nhật Bản trong các hội/nhóm trên mạng xã hội Facebook. Ngoài ra, nghiên cứu cũng sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích tài liệu thứ cấp để làm rõ hơn vấn đề nghiên cứu.
Tóm tắt kết quả/
phát hiện chính:
Người lao động Việt Nam làm việc ở Đài Loan và Nhật Bản nhìn chung quan tâm nhiều đến hoạt động chăm sóc sức khỏe. Mạng lưới xã hội và vốn xã hội của lao động Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Đài Loan và Nhật Bản. Các hoạt động phòng ngừa bệnh tật như tiêm phòng vắc xin, đặc biệt là vắc xin Covid-19, khám tổng quát định kỳ của người lao động Việt Nam cơ bản thực hiện tốt, tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận lao động thanh niên còn chưa coi trọng tầm quan trọng của khám sức khỏe định kỳ và tăng cường dinh dưỡng trong việc phòng ngừa bệnh tật, đảm bảo sức khỏe.
Hầu hết người lao động Việt Nam ở Đài Loan và Nhật Bản tham gia bảo hiểm y tế và nó đã đem lại nhiều lợi ích cho người lao động khi sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, những người lao động mới đến còn gặp các khó khăn về thông tin y tế, cách thức hoạt động của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khó khăn về ngôn ngữ. Việc sử dụng dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe của lao động Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là lao động có trình độ học vấn THPT trở xuống và lao động gặp khó khăn về ngôn ngữ.
Khuyến nghị (nếu có)
Từ các kết quả nghiên cứu của đề tài, các cơ quan quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài, các công ty, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể tập trung vào các chương trình truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về y tế và cách thức hoạt động của các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe; chú trọng vào đào tạo giao tiếp ngôn ngữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bên cạnh đào tạo giao tiếp ngôn ngữ trong công việc; tăng cường nâng cao nhận thức của lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài đối với hoạt động tự chăm sóc sức khỏe như tham gia khám sức khỏe định kỳ đẩy đủ và chế độ dinh dưỡng hợp lý để người lao động Việt Nam ở nước ngoài tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thuận lợi hơn, đặc biệt là lực lượng lao động thanh niên, lực lượng lao động có trình độ học vấn THPT trở xuống, lực lượng lao động gặp khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ.
Các tin cũ hơn.............................
Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học quốc gia "Cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam: Thực trạng và xu hướng biến đổi" nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Xã hội học, hướng tới kỉ niệm 70 năm thành lập Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam