Tóm tắt kết quả đè tài cấp Bộ 2019-2020 "Vai trò của công tác xã hội trong bệnh viện hiện nay: Nghiên cứu tại Hà Nội"

25/12/2021

Chủ nhiệm đề tài

TS. Đoàn Kim Thắng

Thời gian thực hiện

2019-2020

Tổ chức chủ trì đề tài

Viện Xã hội học

Mục tiêu nghiên cứu

1. Mục tiêu tổng quát:

Nghiên cứu một số vấn đề về Công tác xã hội trong bệnh viện hiện nay. Phân tích các vấn đề lý luận và thực tiễn hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện theo tinh thần Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nghề CTXH ở Việt Nam và thực hiện Đề án “Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011 - 2020” do Bộ Y tế ban hành.

 

2. Mục tiêu cụ thể:

 

- Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về công tác xã hội trong bệnh viện;

- Phân tích vai trò của công tác xã hội trong các bệnh viện hiện nay (bao gồm: Thực trạng mô hình hoạt động CTXH trong bệnh viện; Vai trò của nhân viên CTXH trong việc hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về CTXH cho người bệnh và người nhà bệnh nhân; Thông tin truyền thông và phổ biến, giáo dục pháp luật; Hỗ trợ nhân viên Y tế; Vận động tiếp nhận tài trợ; Tổ chức các hoạt động từ thiện…) 

- Nhu cầu về công tác xã hội trong bệnh viện và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển CTXH (trong đó có việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên CTXH) trong bệnh viện hiện nay.

Phương pháp nghiên cứu

1. Phương pháp nghiên cứu:

- Phân tích tài liệu có sẵn liên quan đến chủ đề nghiên cứu (các văn bản pháp luật, các báo cáo, bài báo, công trình nghiên cứu đã công bố).

     - Tổ chức: 02 hội thảo (trong đó 01 hội thảo tổ chức vào 2019 và 01 hội thảo sẽ tổ chức vào tháng 9/2020).

     - Tiến hành khảo sát Xã hội học, kết hợp phương pháp định tính và định lượng, tại 02 bệnh viện tại Hà Nội (01 bệnh viện TW có phòng CTXH và 01 bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố chưa có phòng CTXH).

      - Phương pháp quan sát tại bệnh viện được sử dụng nhằm: quan sát tình trạng thực tế của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang diễn ra trong bệnh viện hiện nay. Đồng thời sử dụng phương pháp quan sát xem các hoạt động của các nhân viên y tế trong bệnh viện trong việc tiếp nhận và xử lý bệnh tật của bệnh nhân, nhất là những trường hợp bệnh nhân nặng, bệnh nhân có vấn đề về tâm lý (khủng hoảng, stress…)

    

2. Phương pháp chọn mẫu, cỡ mẫu và địa bàn nghiên cứu:

 

- Cỡ mẫu nghiên cứu 300 phỏng vấn cá nhân bằng bảng hỏi định lượng có cấu trúc và 30 phỏng vấn sâu. Đối tượng phỏng vấn bằng bảng hỏi là các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế, nhân viên CTXH. Phỏng vấn sâu tiến hành với lãnh đạo bệnh viện, người phụ trách về công tác xã hội và nhân viên CTXH trong bệnh viện.

- Địa bàn nghiên cứu: Bệnh viện Nhi TW và bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội.

Tóm tắt kết quả/phát hiện chính của đề tài

(Tóm tắt các phát hiện/kết quả chính của đề tài, từ 01-1,5 trang, tương đương khoảng 600-1000 từ)

 

Mục tiêu của đề tài tập trung vào nghiên cứu vai trò của công tác xã hội trong bệnh viện tại bệnh viện Nhi Trung ương và bệnh viện Đa khoa YHCT Hà Nội hướng tới nhóm bệnh nhân điều trị nội trú. Với cách tiếp cận khoa học, đề tài đã tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò của CTXH trong bệnh viện với bệnh nhân điều trị nội trú trên cơ sở vận dụng lý thuyết hệ thống trong CTXH, lý thuyết hệ thống sinh thái CTXH, lý thuyết trao quyền, lý thuyết nhận thức - hành vi, lý thuyết vai trò. Đồng thời, đề tài cũng vận dụng các khái niệm cơ bản về CTXH dành cho bệnh nhân điều trị nội trú vào trường hợp của bệnh viện cụ thể.

Kết quả khảo sát cho thấy, nhu cầu tiếp cận hoạt động CTXH của người bệnh/người nhà bệnh nhân được khảo sát là rất lớn và vai trò của CTXH trong bệnh viện là rất quan trọng. Tuy nhiên, trong tương quan so sánh giữa nhân viên CTXH với y, bác sỹ thì người bệnh/người nhà bệnh nhân cho biết mong muốn được nhân viên CTXH chăm sóc hỗ trợ nhiều hơn ở một số nội dung như: Tư vấn liên quan đến khám chữa bệnh, tư vấn về quyền lợi khám chữa bệnh và vận động tài trợ giúp bệnh nhân trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, những mong muốn về các tư vấn liên quan đến khám chữa bệnh có tỷ lệ cao hơn, điều này bắt nguồn từ thực tiễn nhân viên CTXH đã và đang thể hiện vai trò của mình trong các hoạt động hỗ trợ người bệnh, nhân viên y tế trong bệnh viện nhằm ngày càng giảm thiểu gánh nặng về sự quá tải của bệnh viện và nhu cầu kết nối khám, chữa bệnh của bệnh nhân/người chăm sóc.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các hoạt động can thiệp trợ giúp của nhân viên CTXH còn những hạn chế. Thực tế này cho thấy bệnh nhân điều trị nội trú được hỗ trợ thông qua hoạt động CTXH còn ở mức thấp. Hơn thế nữa, đa số người bệnh được hỗ trợ từ những hoạt động có tính chất giản đơn là hỗ trợ dinh dưỡng và trao quà (đặc biệt với bệnh nhân nhi). Những hoạt động can thiệp có tính chất chuyên nghiệp như tư vấn liên quan đến việc khám, chữa bệnh, kết nối với y, bác sỹ chưa được nhân viên CTXH vận dụng nhiều.

Khuyến nghị (nếu có)

Đề tài không đặt tham vọng đề xuất nhiều khuyến nghị với Bộ y tế, với hai bệnh viện được chọn làm điểm nghiên cứu, cũng như với nhân viên CTXH của bệnh viện, bởi trong giai đoạn hiện nay thì hoạt động CTXH mới đang được thực hiện thí điểm. Theo đó, qua nghiên cứu này đề tài đề xuất một số khuyến nghị cho Bộ Y tế; cho hai Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Đa khoa YHCT Hà Nội; đồng thời có một số khuyến nghị cho chính các nhân viên CTXH như:

Đối với Bộ Y tế:

- Cần tiếp tục rà soát nội dung các văn bản pháp lý quy định thực hiện nhiệm vụ CTXH trong môi trường y tế theo hướng tách các hoạt động trợ giúp mang tính chất giản đơn (như chỉ đường, hỗ trợ bữa ăn miễn phí…) ra khỏi các hoạt động CTXH chuyên nghiệp (tư vấn, biện hộ).

- Cần nghiên cứu ban hành bộ tiêu chuẩn thừa nhận tính chất chuyên nghiệp của các hoạt động CTXH trong bệnh viện và chỉ đạo việc tuyển dụng nhân viên theo bộ tiêu chuẩn chuyên nghiệp này.

- Cần tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp chỉ đạo nâng cao vị trí của nhân viên CTXH trong bệnh viện lên ngang hàng với vị trí của bác sỹ, đồng thời trao cho họ quyền tham gia vào quá trình ra quyết định điều trị cho bệnh nhân.

Đối với bệnh viện Nhi TW và bệnh viện Đa khoa YHCT Hà Nội:

- Tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ y, bác sỹ về ý nghĩa của các hoạt động CTXH trong bệnh viện, đồng thời mở rộng loại hình tuyên truyền này đến với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

- Tuyển dụng nhân viên CTXH theo khối lượng công việc, trong đó ưu tiên hướng tới tuyển dụng đội ngũ nhân viên được trang bị kiến thức bài bản từ các cơ sở đào tạo về CTXH.

- Nghiên cứu phân chia hoạt động CTXH thành những hoạt động chuyên nghiệp và phi chuyên nghiệp, từ đó thực hiện phân công công việc theo tính chất và độ phức tạp của công việc. Những hoạt động có độ phức tạp cao cần được giao cho nhân viên CTXH được đào tạo bản bản, chuyên nghiệp thực hiện (như tư vấn, kết nối người bệnh với y, bác sỹ, biện hộ chính sách cho người bệnh/người nhà bệnh nhân ...), và những hoạt động có tính chất giản đơn (như chỉ đường, dẫn bệnh nhân đến phòng khám, các hoạt động tặng quà, phát phiếu ăn...) nên được giao cho nhân viên CTXH bán chuyên nghiệp (là những người chưa được đào tạo đúng chuyên ngành hoặc chỉ được tham gia những khóa tập huấn ngắn hạn về CTXH).

- Về lâu dài cần chú trọng hơn vào phát triển các hoạt động CTXH chuyên nghiệp và chuyển dần những hoạt động giản đơn cho các bộ phận khác, như chuyển giao cho hộ lý, lao công…

- Tiếp tục mở rộng hợp tác với các cơ sở đào tạo CTXH từ đó thu hút đội ngũ giảng viên tham gia hướng dẫn, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ CTXH cho đội ngũ nhân viên CTXH của bệnh viện, cũng như tham gia trực tiếp vào quá trình trợ giúp người bệnh.

- Tăng cường các hoạt động định kỳ về giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện CTXH với những bệnh viện có triển khai các hoạt động này nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động trong bệnh viện.

Đối với nhân viên CTXH tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Đa khoa YHCT Hà Nội:

- Nghiên cứu chuyên sâu mô hình tổ chức hoạt động CTXH tại các quốc gia có nền CTXH phát triển từ đó chủ động biện hộ, đề xuất xây dựng mô hình tổ chức hoạt động CTXH chuyên nghiệp tại bệnh viện của mình.

- Tiếp tục nghiên cứu các tiêu chuẩn về CTXH chuyên nghiệp, về hoạt động CTXH chuyên nghiệp trong môi trường bệnh viện và hoàn thiện năng lực của bản thân theo các tiêu chuẩn đó.

- Tham gia phối hợp sâu, rộng với các khoa/phòng điều trị nhằm cung cấp thông tin về các dịch vụ CTXH, đồng thời nắm bắt, đánh giá nhu cầu cần trợ giúp của bệnh nhân để thực hiện các biện pháp can thiệp kịp thời, phù hợp.

- Giảm dần các hoạt động trợ giúp mang tính chất giản đơn (phát phiếu ăn, trao quà...) và tập trung hơn vào các hoạt động CTXH chuyên nghiệp (tư vấn, biện hộ, kết nối, huy động nguồn lực...).

- Nghiên cứu và đề xuất mô hình thiết kế các phòng làm việc “chuyên biệt” phục vụ can thiệp CTXH nhóm, thậm chí cá nhân, dành cho người bệnh và người nhà người bệnh trong những trường hợp cần được trợ giúp.

- Tăng cường thực hiện các hoạt động tiếp cận, đồng hành cùng người bệnh và người nhà bệnh nhân để từ đó nắm bắt kịp thời thông tin về khó khăn, vướng mắc, nhu cầu cần hỗ trợ của họ. Đồng thời, triển khai các biện pháp can thiệp trợ giúp một cách kịp thời, cụ thể, sát sao để hỗ trợ trẻ và người nhà giải quyết vấn đề, vượt qua khó khăn, nhưng không làm thay công việc của họ.

- Tăng cường các biện pháp can thiệp trợ giúp người bệnh và người nhà bệnh nhân ngay từ giai đoạn đầu nhập viện, nhằm kịp thời hỗ trợ giải thích về quy trình can thiệp/khám chữa bệnh, tư vấn về dịch vụ khám/chữa bệnh, về những loại hình chính sách trợ giúp ...

- Thường xuyên xuất hiện tại các khoa/phòng khám/chữa bệnh lâm sàng như một hình thức “quảng cáo” đến với nhân viên y tế về khả năng sẵn sàng can thiệp CTXH trong trợ giúp cho người bệnh./.

 

Các tin cũ hơn.............................

    Nội dung đang được cập nhật