Tóm tắt kết quả đề tài cấp Bộ 2018-2020 "Vai trò của văn hóa cộng đồng đối với chương trình xây dựng nông thôn mới"

25/12/2021

Chủ nhiệm

đề tài

TS. Trương Xuân Trường

Thời gian

thực hiện

Tháng 1/2019 đến tháng 12/2020

Tổ chức chủ trì đề tài

Viện Xã hội học

Mục tiêu nghiên cứu

  • Mục tiêu tổng quát

Tìm hiểu và phân tích lý luận và thực tiễn vai trò của văn hóa cộng đồng đối với chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó đề xuất các khuyến nghị tăng cường vai trò văn hóa cộng đồng nhằm phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

  • Mục tiêu cụ thể

- Tìm hiểu và xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn về văn hóa cộng đồng trong chương trình xây dựng nông thôn mới

- Phân tích những tác động tích cực và tiêu cực của văn hóa cộng đồng đối với chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Đề xuất giải pháp tăng cường vai trò văn hóa cộng đồng trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu chủ yếu của đề tài là sự kết hợp một số phương pháp như sau:

  • Phương pháp phân tích số liệu thứ cấp: Nguồn số liệu thực địa được phân tích là kết quả các nghiên cứu của Chương trình Nông thôn mới quốc gia (thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và các nghiên cứu khảo sát của Viện Hàn lâm Khoa học xã hôi về chương trình nông thôn mới.
  • Phương pháp phân tích và tổng quan các số liệu, tài liệu có sẵn. Bao gồm: Các văn bản chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa cộng đồng, các nghiên cứu đã có gần đây ở trong nước và quốc tế về chủ đề nghiên cứu, các số liệu thống kê, tài liệu, báo cáo trung ương và địa phương khảo sát liên quan đến đề tài. Đây là một nguồn tư liệu nghiên cứu quan trọng. Nguồn tư liệu này sẽ được tập hợp, sàng lọc và phân tích để phục vụ đề tài nghiên cứu.
  • Phương pháp nghiên cứu định tính: Phỏng vấn sâu cá nhân: 30 trường hợp với các đối tượng khác nhau, từ cán bộ chính quyền, đoàn thể, chuyên môn đến đại diện các nhóm xã hội là người dân tại địa bàn 2 xã được khảo sát.
  • Phương pháp nghiên cứu định lượng: Phỏng vấn bằng bảng hỏi của điều tra chọn mẫu. Cỡ mẫu là 320 người trong độ tuổi từ 18- 60, là đại diện các hộ gia đình (mỗi gia đình chỉ phỏng vấn 1 người), được chọn mẫu ngẫu nhiên hệ thống tại 2 xã nông thôn Đồng bằng sông Hồng, trong đó có 01 xã đã hoàn thành chương trình nông thôn mới (đã được công nhận đủ 19 nhóm tiêu chí) và 01 xã đang phấn đấu thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
  • Địa bàn khảo sát:
    • Xã Thư Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội

Xã Thư Phú cách trung tâm thành phố Hà Nội tầm 25Km về phía Bắc. Hiện nay vùng nông thôn này đang diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Xã bắt đầu Chương trình xây dụng nông thôn mới (CTXDNTM) từ năm 2012 đến cuối năm 2019 khi khảo sát vẫn chưa được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM).

  • Xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định

Xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, cách thị trấn Nghĩa Hưng khoảng 35km, cách thành phố Nam Định khoảng 50km về phía Tây Bắc. Là xã nông nghiệp vùng biển nên nghề nghiệp chủ yếu là sản xuất lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt thủy hải sản. Đời sống kinh tế dân cư thuộc  loại trung bình của huyện Nghĩa Hưng. Bắt đầu CTXD Nông thôn mới năm 2011 và đến 2017 được công nhận xã Nông thôn mới.

Tóm tắt kết quả/phát hiện chính của đề tài

  • Đề tài đã xây dựng một khung lý thuyết và hướng tiếp cận thích hợp trong nghiên cứu vai trò của văn hóa cộng đồng đối với chương trình xây dựng nông thôn mới (CTXDNTM) ở nước ta hiện nay.
  • Kết quả khảo sát đã khẳng định các các giá trị nổi bật của văn hóa cộng đồng có tác dụng tích cực đối với CTXDNTM, đó là các giá trị như: tính đoàn kết, thống nhất; là tính tương trợ/liên kết cộng đồng, là tính tự trị tự quản cộng đồng. Những phẩm chất văn hóa cộng đồng đó đã phát huy được giá trị và vai trò trong các phong trào cơ bản của xây dựng NTM như các phong trào: Giao thông  nông thôn, dồn điền đổi thửa, giúp nhau làm kinh tế, cải tạo vườn mẫu, cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn, môi trường xanh- sạch- đẹp và toàn dân xây dựng đời sống văn hóa.
  • Hiện nay các thiết chế văn hóa ở các địa bàn nông thôn bao gồm các thiết chế truyền thống và hiện đại đang tồn tại và phát huy theo mức độ khác nhau đối với mọi hoạt động sống của xã hội nông thôn và cũng có những tác động nhất định đến chương trình xây dựng nông thôn mới. Về các thiết chế văn hóa mới như hệ thống nhà văn hóa, thư viện, bưu điện văn hóa, nhà truyền thống, các câu lạc bộ, các không gian vui chơi, giải trí được xây dựng mới ở nông thôn... Tuy nhiên, trong đó hoạt động nổi bật nhất, thu hút được nhiều thành viên cộng đồng dân cư nông thôn tham gia là loại thiết chế nhà văn hóa thôn và một số câu lạc bộ có cơ sở vật chất và nội dung hoạt động thiết thực và bổ ích. Các thiết chế mới còn lại như nhà văn hóa xã, thư viện, bưu điện văn hóa xã... hiện nay là hoạt động cầm chừng kém hiệu quả hoặc đã biến đổi chức năng hoạt động. Ngược lại các thiết chế văn hóa truyền thống, chẳng hạn như: các tổ chức tôn giáo, các hội lễ đình chùa, các tổ chức phi chính thức (đồng môn, đồng niên, các phường họ) và hoạt động của các dòng họ là vẫn được duy trì mạnh mẽ và có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội nông thôn hiện nay. Các thiết chế văn hóa truyền thống và các cộng đồng truyền thống (hay còn gọi là cộng đồng phi chính thức) có những tác động tích cực đáng kể với chương trình xây dựng NTM, tuy nhiên vai trò nổi bật vẫn là hệ thống các thiết chế văn hóa và tổ chức cộng đồng chính thức (chính quyền, tổ chức đảng và đoàn thể chính trị xã hội). Sự huy động các thiết chế và tổ chức cộng đồng phi chính thức vào xây dựng NTM hiện nay vẫn chưa ở mức tương xứng. Đây là một khoảng trống, một hạn chế còn tồn tại hiện nay trong hoạt động của chương trình xây dựng NTM ở nước ta.
  • Kết quả nghiên cứu cũng phần nào cho thấy các cộng đồng tôn giáo có vai trò đáng kể trong việc thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm ở nông thôn hiện nay. Người dân trong các cộng đồng tôn giáo nhất là Công giáo thường là có ý thức hơn trong các hoạt động vệ sinh và bảo vệ môi trường. Có được điều đó, một phần là sự thấm nhuần một số giáo lý tích cực, mặt khác các tổ chức tôn giáo có tính tự trị/tự quản cao nên các hoạt động cộng đồng của họ là rất có hiệu quả.
  • Kết quả của nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng vai trò to lớn của các tổ chức chính trị xã hội đối với CTXDNTM ở nông thôn hiện nay. Trong  đó có vai trò đầu tàu gương mẫu của đội ngũ đảng viên, của tổ chức đảng ủy, chi bộ thôn xóm; và tiếp theo đó là vai trò các tổ chức như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận tổ chức và nhiều đoàn thể khác, trong đó bao gồm các tổ chức dân sự như: hội tôn giáo, nghề nghiệp, các câu lạc bộ sở thích.v.v...
  • Việc nghiên cứu khảo sát tại hai xã vùng đồng bằng Bắc bộ có điều kiện kinh tế và mức sống khác nhau trong việc thực hiện CTXDNTM trong khi xã có điều kiện kinh tế và mức sống dân cư cao hơn là xã Thư Phú lại chưa được công nhận là xã NTM, ngược lại xã có điều kiện kinh tế và mức sống dân cư thấp hơn là xã Nam Điền lại đã được công  nhận là xã NTM từ cách đây 3 năm (2017). Thực tế khảo sát đã cho thấy kinh tế và mức sống tốt hơn chưa phải là điều kiện tối ưu để thành công xây dựng NTM. Sự thành công của NTM phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trong  trường hợp 2 xã được nghiên cứu là sự thành công  của việc xem người dân là chủ thể của CTXDNTM, của việc biết phát huy những giá trị tích cực của văn hóa cộng đồng làng xã nên đã huy động  được tối đa sức người sức của vào các phong trào xây dựng NTM ở địa phương. Các số liệu khảo sát đã cho thấy trong phần lớn các hoạt động huy động cộng đồng tham gia các phong trào NTM ở cả ba lĩnh vực kinh tế, văn hóa và môi trường thì tại địa bàn xã Nam Điền (Nam Định) người dân tham gia đông đảo hơn và đạt hiệu quả tốt hơn là ở địa bàn xã Thư Phú (Hà Nội).
  • Việc phân tích các cứ liệu thực tế cũng đã cho thấy sự tác động của văn hóa cộng đồng đến CTXDNTM ở hai địa bàn nghiên cứu là có tính hai mặt. Mặc dù sự tác động của văn hóa cộng đồng hiện nay về cơ bản là các giá trị tích cực, nó đã giúp cho CTXDNTM tại  các địa phương đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững. Tuy nhiên bên cạnh đó, sự tồn  tại  và biểu hiện của một số  giá trị văn hóa cộng đồng truyền thống hiện nay đã thể hiện tích tiêu cực, gây cản trở và khó khăn cho tiến bộ xã hội nói chung và CTXDNTM nói riêng. Cụ thể đó là tàn tích, là một số giá trị cộng đồng  truyền thống đã gây nên thực trạng có lúc có nơi còn có những hiện tượng như tính cục bộ, phe phái, tính trông chờ ỷ lại hay là đặc tính “dĩ hòa vi quý”, xem nhẹ pháp luật của môi trường sống duy tình, kiểu “tình làng nghĩa xóm”. Điều này đặt ra vấn đề nên kế thừa và phát triển những giá trị văn hóa cộng  đồng truyền thống nào còn phù hợp, còn tiến cho thời đại ngày nay.
  • Đã có thể kết luận rằng để CTXDNTM được phát triển thành công và bền vững cần phát triển hợp lý và vận dụng được các giá trị của văn hóa cộng đồng. Đó là truyền thống của văn hóa dân tộc, văn hóa làng xã sẽ tiếp tục trường tồn và làm  nên sức sống vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam.

Khuyến nghị (nếu có)

  1. Giải pháp chung:

Một là, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở.

Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhằm huy động mọi người dân

Ba là, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, lấy người dân là chủ thể của chương trình NTM

Bốn là, lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện của địa phương:

Năm là, coi trọng chỉ đạo điểm và xây dựng mô hình.

Sáu là, sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng.

 

 3.2. Các giải pháp cụ thể

  3.2.1. Các giải pháp thuộc về chính sách

  • Phát triển văn hóa nông thôn nói chung và phát triên văn hóa cộng đồng nói riêng cần thể chế hóa trong các văn bản, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và cần được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và dân sự cũng như các tầng lớp trong xã hội nhận thức đầy đủ, tham gia tích cực nhằm hiểu biết và vận dụng trong thực tiễn phát triên nông thôn nói chung và CTXDNTM nói riêng.
  • Môi trường về văn hóa, xã hội: cần xây dựng môi trường văn hóa, văn minh, phát huy những truyền thống văn hóa lành mạnh, tốt đẹp của cộng đồng nông thôn: truyền thống đoàn kết, tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau, tinh thần tương thân, tương ái... Đồng thời, xóa bỏ các tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, cục bộ địa phương, tâm lý chờ thời, ỷ lại, tâm lý dĩ hòa vi quý mà xem nhẹ pháp luật trong đời sống cộng đồng ở nông thôn. Môi trường văn hóa giúp cho việc duy trì, phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng tích cực, từ đó có những tác động quan trọng đến hiệu quả của CTXDNTM.

3.2.2. Các giải pháp về chính quyền các cấp

  • Nhà nước trung ương và chính quyền các cấp cần tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các tổ chức mạng lưới, quy tắc, chuẩn mực của cộng đồng trong quá trình phát triển văn hóa nông thôn. Điều đó có nghĩa là cần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, tôn trọng pháp luật qua đó tạo niềm tin và sự hợp tác lẫn nhau trong cộng đồng. Bên cạnh  đó, khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, hội, nhóm phát triển và hoạt động theo pháp luật nhằm tạo điều kiện để các hội viên, thành viên tham gia hợp tác, chia sẻ các giá trị sống tiến bộ, tích cực. Các tổ chức chính quyền, cơ quan cung cấp dịch vụ công, quản trị cộng đồng tạo được niềm tin và khuyến khích sự tham gia của người dân trong việc đóng góp, huy động nguồn lực cho phát triển nói chung và CTXDNTM nói riêng.
  • Chính quyền và các đoàn thể chính trị- xã hội ở nông thôn hiện nay cần tạo dựng, duy trì đời sống xã hội nông thôn lành mạnh, tiến bộ thông qua các hoạt động cộng đồng chung: duy trì văn hóa tốt đẹp của cộng đồng thông qua các hoạt động: việc cưới, việc tang, lễ hội, sinh hoạt tập thể... Thực hiện tốt các quy chế, quy định về việc cưới, việc tang ở nông thôn để tránh lãng phí, hình thức, bài trừ các hủ tục lạc hậu ảnh hưởng không tốt đến kinh tế, nhận thức của người dân… qua đó duy trì được tinh thần đoàn kết, cộng đồng. Đây là một trong những đặc trưng cần được duy trì của nông thôn Việt Nam trong quá trình phát triển.
  • Khôi phục, duy trì các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng thông qua các lễ hội truyền thống ở nông thôn không chỉ giúp cho tinh thần người dân thoải mái mà còn làm tăng tình cảm gắn bó trong thôn xóm, từ đó bà con dân làng sẵn sàng giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Tham gia lễ hội truyền thống ở địa phương không chỉ là dịp để vui chơi, gặp gỡ mọi người mà còn là cơ hội làm tăng tinh thần đoàn kết, tình cảm làng xóm gắn bó hơn và khi đó tính cố kết cộng đồng được tạo ra và duy trì trong các quan hệ làng xóm. Bên cạnh việc duy trì, tổ chức, cần có các biện pháp để quản lý lễ hội phù hợp với văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn và luật pháp.
  • Xây dựng môi trường văn hóa – xã hội nông thôn lành mạnh, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự xã hội (loại bỏ tệ nạn xã hội, tình trạng trộm cướp, lừa đảo…) qua đó người dân có được cuộc sống an toàn, tin tưởng vào cộng đồng xung quanh. Có như vậy, niềm tin trong cộng đồng mới được duy trì và phát triển.
  • Hoạt động truyền thông, tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về CTXDNTM và các giá trị tích cực của văn hóa cộng đồng.
  • Tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin, tài liệu (sổ tay, hướng dẫn...) về CTXDNTM và các giá trị tích cực của văn hóa cộng đồng cho mọi tầng lớp nhân dân. Tổ chức các hoạt động tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm thành công của các địa phương điển hình trong hoạt động của CTXDNTM và phát huy văn hóa cộng đồng trong phát triển nông thôn.
  • Giải pháp phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong phát triển văn hóa cộng đồng phục vụ CTXDNTM. Người dân ở nông thôn hiện đang là thành viên các tổ chức cộng đồng ở nông thôn, là chủ nhân của các phong trào phát triển xã hội nông thôn. CTXDNTM muốn có sự thành công bền vững cần có sự tham gia tích cực của vai trò chủ là là người dân nông thôn. Do vậy, cần phát huy vai trò chủ thể của chính người dân trong quá trình triển khai, thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Bởi lẽ, chỉ khi nào người dân nhận thức được vai trò chủ thể của mình thì họ mới tin tưởng vào các chính sách của nhà nước, địa phương từ đó sẽ chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của cộng đồng. Đây chính là giải pháp xây dựng và huy động văn hóa cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới.
  • Củng cố và nâng cao vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao trình độ mọi mặt cho đảng viên, cán bộ công chức cơ sở tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn, đi đôi với đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của chi, đảng bộ và chính quyền cơ sở, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở nông thôn hướng vào phục vụ dân, sát với dân, được dân tin cậy, thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn.
  • Chính quyền các cấp phải khơi nguồn và hậu thuẫn vững chắc cho các đoàn thể thực hiện các đề án của họ tham gia giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chú ý tăng cường và phát huy các mối quan hệ, mối liên kết mang tính gia đình - dòng họ - làng xã vốn có truyền thống từ lâu đời nhưng hiện đang bị tác động của thị trường và sự buông lỏng quản lý làm xói mòn, phá vỡ.
  • Các tổ chức hiện đang thu hút sự tham gia sinh hoạt đông đảo của người dân như Hội nông dân, Hội phụ nữ cần được phát huy tối đa vai trò, bên cạnh đó là phát triển, khuyến khích các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính thức theo đặc trưng (sở thích, chuyên môn, hợp tác…) trong tập hợp, hỗ trợ các thành viên tham gia theo hướng thực chất, mang lại lợi ích khi tham gia, tránh hình thức dẫn đến người tham gia không còn tin tưởng và không có nhu cầu tiếp tục tham gia. Việc xây dựng và phát triển bền vững các tổ chức của người dân cần theo hướng đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa các chủ thể, đặt lợi ích bền vững cho người dân và các tổ chức của họ làm trọng tâm, hướng tới liên kết hợp tác Tự chủ - Tự nguyện –Tương trợ.
  • Hiện nay việc huy động vai trò tham gia vào xây dựng NTM của các tổ chức phi chính thức ở nông thôn vẫn còn hạn chế. Chính quyền các cấp nói chung và chương trình NTM nói riêng cần có có kế hoạch để huy động sự tham gia vào xây dựng NTM của các tổ chức phi chính thức vào chương trình quốc gia quan trọng này.
  • Cần đánh giá đúng vai trò tích cực của các tổ chức tôn giáo trong việc thực hiện các mục tiêu chương trình NTM, từ đó đúc kết và nhân rộng các kinh nghiệm cộng đồng tôn giáo trong xây dựng NTM, nhất là ở lĩnh vực bảo vệ mội trường.
  • Cần chú trọng hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở. Hiện nay ở nông thôn có một số thiết chế văn hóa cơ sở đã hoạt động tốt như Nhà văn hóa thôn thì cần đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất trang thiết bị. Mặt khác ở Nhà văn hóa thôn thường không có cán bộ chuyên trách nên có kế hoạch tập huấn, bối dưỡng cán bộ kiêm nhiệm cho công tác văn hóa cơ sở. Mặt khác, cần huy động được các thiết chế văn hóa khác (bao gồm cả truyền thống và hiện đại) vào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và thiết thực thực hiện tiêu chí văn hóa trong 19 tiêu chí NTM.
  • Cần có những nghiên cứu quy mô hơn để đánh giá đúng đắn về hiện trạng văn hóa cộng đồng, các xu thế biến đổi và tìm hiểu, đề xuất các hướng giải pháp khả thi trong việc vận dụng văn hóa cộng đồng vào phát triển nông thôn. 

 

Các tin cũ hơn.............................

    Nội dung đang được cập nhật