Tóm tắt kết quả đề tài cơ sở 2019:"Một số đặc điểm xã hội của người cao tuổi (Qua phân tích số liệu VHLSS)"

23/12/2021

Chủ nhiệm

đề tài

Nguyễn Thị Ngọc Hà

Thời gian

thực hiện

2019

Tổ chức chủ trì đề tài

Viện Xã hội học

Mục tiêu

nghiên cứu

Tìm hiểu một số đặc điểm nhân khẩu xã hội và điều kiện sống của người cao tuổi qua xử lý và phân tích bộ số liệu VHLSS

Phương pháp nghiên cứu

- Tổng luận các công trình nghiên cứu cùng chủ đề;

- Xử lý và phân tích số liệu định lượng (bộ số liệu VHLSS 2006 & 2016);

- Phân tích tổng hợp các thông tin, số liệu từ tài liệu, các công trình khoa học có sẵn liên quan đến chủ đề trong khoảng 10 năm trở lại đây để so sánh, đánh giá.

Tóm tắt kết quả/phát hiện chính của đề tài

Từ kết quả phân tích số liệu Điều tra mức sống dân cư, bài nghiên cứu đã cung cấp một số thông tin về đặc điểm xã hội cơ bản của người cao tuổi Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, người cao tuổi Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số với tốc độ diễn ra nhanh và có xu hướng già ở nhóm già nhất. Cùng với đó là xu hướng nữ hóa dân số cao tuổi diễn ra ở tất cả các nhóm tuổi song nổi bật nhất ở nhóm từ 80 tuổi trở lên. Tuổi thọ của nữ giới cao hơn tuổi thọ nam giới nhưng tuổi nghỉ hưu của nữ giới lại thấp hơn tuổi nghỉ hưu của nam dẫn đến thực trạng người cao tuổi nữ dễ rơi vào cảnh góa bụa và gặp khó khăn về tài chính hơn. Số người cao tuổi tăng nhanh và tình trạng nữ hóa dân số cao tuổi đặt ra những thách thức rất lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe và xây dựng các chính sách phúc lợi cho người cao tuổi phù hơp theo giới và nhóm tuổi.

Thứ hai, phụ nữ cao tuổi có nhiều yếu thế hơn nam giới cao tuổi về trình độ học vấn. Sự chênh lệch này càng trở nên rõ rệt hơn ở các trình độ cao hơn. Điều này cho thấy những hạn chế về cơ hội tiếp cận với việc làm có chất lượng, tiếp cận các dịch vụ xã hội và tiếng nói trong gia đình, cộng đồng của người cao tuổi nữ.

Thứ ba, có khoảng một nửa số người cao tuổi vẫn đang tiếp tục làm việc dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó người cao tuổi nam có tỷ lệ tham gia lao động cao hơn so với người cao tuổi nữ ở tất cả các loại hình nghề nghiệp. Tỷ lệ người cao tuổi tham gia lao động, làm việc có xu hướng gia tăng song vẫn tập trung ở nhóm sản xuất nông-lâm-thủy sản là nhóm việc làm thường có thu nhập thấp và không ổn định. Điều này đặt ra những thách thức cho xã hội trong vấn đề giải quyết việc làm và đảm bảo tài chính cho người cao tuổi.

Thứ tư, quy mô trung bình hộ gia đình có người cao tuổi có xu hướng ngày càng thu hẹp lại. Trong đó tỷ lệ hộ gia đình chỉ có 1 người cao tuổi có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Những người cao tuổi sống ở nông thôn, những người cao tuổi ở nhóm trên 80 tuổi và người cao tuổi nữ là những đối tượng dễ rơi vào tình trạng sống một mình.

Thứ năm, các điều kiện sống của người cao tuổi nhìn chung đã có sự cải thiện theo thời gian, nâng dần chất lượng sống về sinh hoạt và ăn ở, song mức thu nhập bình quân của người cao tuổi vẫn còn thấp, đặc biệt là đối với người cao tuổi ở nông thôn. Già hóa dân số là đặc trưng của những nước phát triển có thu nhập cao, không phải tại các nước thu nhập thấp. Việt Nam là nước có thu nhập trung bình nhưng đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh. Lịch sử các nước phát triển cho thấy dân số già khi đã giàu còn Việt Nam thì khác. Dân số Việt Nam đang già hóa nhanh chóng nhưng mức thu nhập lại thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay. Đây là một thách thức lớn đối với Nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội.

 

Nguyễn Thị Ngọc Hà

    Nội dung đang được cập nhật