Phương pháp nghiên cứu
|
Đề tài sử dụng phương pháp phân tích dựa trên các tài liệu có sẵn liên quan đến chủ đề tiêu dùng, gia đình và hành vi tiêu dùng. Từ các nguồn số liệu, tài liệu thứ cấp có liên quan, tác giả sẽ tiến hành tập hợp, sàng lọc và phân tích để phục vụ đề tài nghiên cứu.
Dựa trên bộ số liệu Khảo sát mức sống dân cư (VHLSS) năm 2016 của Tổng cục Thống kê, tác giả tiến hành lọc số liệu để chọn ra những hộ gia đình trẻ (có chủ hộ từ 35 tuổi trở xuống và đang sống chung với vợ/chồng) và các gia đình không trẻ (nhóm các hộ gia đình có chủ hộ trên 35 tuổi và đang có vợ/chồng). Các phân tích về hành vi tiêu dùng chủ yếu sử dụng số liệu của Mục 5 (Chi tiêu), trong đó, tập trung phân tích thực tế mức chi tiêu của các hộ gia đình cho các mặt hàng ăn uống (lương thực, thực phẩm) và chi tiêu dùng hàng không phải lương thực, thực phẩm cũng như những khoản chi khác được tính vào chi tiêu.
Mẫu nghiên cứu trong báo cáo bao gồm 997 hộ có đại diện chủ hộ từ 35 tuổi trở xuống, đang có vợ/chồng. Các phân tích trong phần nội dung dựa trên bộ số liệu đã được gia trọng (sử dụng biến weight 9). Vì vậy, kết quả đạt được mô tả thực trạng tiêu dùng của các gia đình trẻ trên quy mô toàn quốc, với đại diện chủ hộ gia đình trẻ là 2.569.962, chiếm 10,61% trong tổng số hơn 24 triệu hộ gia đìnhViệt Nam.
Bên cạnh đó, đề tài cũng sử dụng các phương pháp so sánh, diễn dịch và quy nạp trong quá trình phân tích tư liệu nghiên cứu. Việc này giúp cho quá trình sàng lọc và xử lý vấn đề có tính hệ thống, đảm bảo độ tin cậy và có cơ sở khoa học trong việc rà soát và đánh giá thông tin. Tham khảo, xử lý và chọn lọc thông tin theo mục tiêu nghiên cứu, tìm kiếm số liệu so sánh, đối chiếu và phân tích, bình luận để rút ra nội dung cơ bản, khai thác các số liệu hay liên quan tới chủ đề nghiên cứu trên cơ sở những số liệu và thông tin thu thập được.
|
Tóm tắt kết quả/phát hiện chính của đề tài
|
Dựa trên kết quả xử lý bộ số liệu Khảo sát mức sống dân cư (VHLSS) năm 2016 của Tổng cục Thống kê, đề tài phân tích thực trạng hành vi tiêu dùng trong các gia đình trẻ thông qua sự khác biệt mức chi tiêu theo các chỉ báo: gia đình trẻ và gia đình không trẻ, trình độ học vấn của chủ hộ, quy mô thành viên hộ gia đình, thu nhập bình quân đầu người trong hộ và địa bàn sinh sống của các hộ gia đình.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, một số đặc điểm gia đình như trình độ học vấn của chủ hộ, quy mô thành viên hộ, thu nhập bình quân đầu người trong hộ và địa bàn cư trú của hộ có những ảnh hưởng nhất định đến mức chi tiêu dùng các mặt hàng của gia đình trẻ và gia đình không trẻ; đáng chú ý là có sự khác biệt về tiêu dùng giữa các gia đình trẻ sinh sống tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Các gia đình trẻ ở Việt Nam hiện nay nhìn chung chi tiêu ăn uống trong các dịp lễ, tết; chi tiêu ăn uống thường xuyên và chi cho tiêu dùng hàng ngoài lương thực, thực phẩm chủ yếu với mức chi trung bình và luôn thấp hơn so với gia đình không trẻ. Điều này có thể lý giải rằng, có thể số lượng thành viên trong gia đình không trẻ thường cao hơn so với gia đình trẻ, do đó, mức chi tiêu dùng các mặt hàng của nhóm gia đình này luôn ở mức cao hơn.
Nhìn chung, mức chi trung bình hộ cho hoạt động ăn uống trong các dịp lễ, tết và chi ngoài lương thực, thực phẩm của gia đình trẻ ở Hà Nội cao hơn gia đình trẻ ở TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên, các gia đình trẻ ở TP. Hồ Chí Minh lại có mức chi bình quân đầu người cao hơn so với các gia đình trẻ ở Hà Nội. Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là hai vùng có tỷ lệ gia đình trẻ chi tiêu ăn uống thường xuyên luôn ở mức cao hơn nhiều so với gia đình trẻ sinh sống ở các vùng còn lại.
Trình độ học vấn của chủ hộ càng cao thì mức chi tiêu dùng trong các ngày lễ, tết; chi tiêu ăn uống thường xuyên và chi ngoài lương thực, thực phẩm càng lớn. Có sự khác biệt khá rõ nét khi xem xét mối liên hệ giữa trình độ học vấn và mức chi tiêu ngày lễ, tết ở hai thành phố lớn của Việt Nam. Trong khi ở Hà Nội, trình độ học vấn của chủ hộ càng cao sẽ càng chi tiêu ở mức cao thì ở TP. Hồ Chí Minh lại cho thấy xu hướng hỗn hợp, chi cho hoạt động tiêu dùng ở mức cao không chỉ rơi vào nhóm chủ hộ gia đình trẻ có trình độ học vấn cao mà còn có cả ở một bộ phận chủ hộ gia đình trẻ có trình độ học vấn thấp.
Thu nhập bình quân đầu người trong hộ càng ở mức cao càng chi cho tiêu dùng ngày lễ, tết; chi tiêu ăn uống thường xuyên và chi ngoài lương thực, thực phẩm ở mức cao. Ngược lại, nhóm thu nhập hộ càng thấp càng chi tiêu cho ngày lễ, tết; chi tiêu ăn uống thường xuyên và chi ngoài lương thực, thực phẩm ở mức thấp. Thực tế này hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, gia đình có mức thu nhập cao, điều kiện kinh tế tốt thường sẽ chi tiêu nhiều hơn so với những gia đình có thu nhập thấp.
|
Khuyến nghị
|
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, hành vi tiêu dùng của các gia đình Việt Nam nói chung và gia đình trẻ nói riêng đang dần thay đổi trước sự chuyển dịch tất yếu của nền kinh tế thị trường. Những nhóm gia đình trẻ có điều kiện kinh tế và trình độ học vấn cao sẽ có khả năng tiếp cận và dễ dàng sử dụng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo phục vụ cho cuộc sống của họ hơn so với các nhóm gia đình trẻ có điều kiện kinh tế thấp, trình độ học vấn thấp. Mặt khác, quá trình phân tích tư liệu nghiên cứu cũng cho thấy, những nghiên cứu tổng quan, tổng thể về hành vi tiêu dùng trong gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay ở nước ta vẫn còn nhiều khoảng trống cần khai thác. Do đó, những nghiên cứu phân tích, đánh giá toàn diện về thực trạng hành vi tiêu dùng cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến mô hình và xu hướng tiêu dùng trong các gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần giải thích hàng loạt câu hỏi chính sách và chiến lược có liên quan đến tiêu dùng và định hướng hành vi tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay./.
|