Nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cho nghiên cứu viên trẻ, sáng ngày 30/3/2017, tại Viện Xã hội học, Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác Quốc tế tổ chức seminar khoa học với chủ đề: “Trao đổi về phương pháp nghiên cứu Xã hội học qua nghiên cứu về hàng rong ở Hà Nội” do TS. Nguyễn Tuấn Minh, Phòng Biên tập - Trị sự trình bày. Đến dự Hội thảo có nhiều cán bộ nghiên cứu trẻ của Viện Xã hội học. Hội thảo tập trung thảo luận về phương pháp nghiên cứu xã hội học thông qua tham luận trình bày của diễn giả về nghiên cứu những người buôn bán rong ở đô thị Việt Nam.
Dưới góc nhìn xã hội học, diễn giả đã xem hoạt động buôn bán rong ở đô thị như một dạng thương mại đặc thù với đặc trưng di động, đường phố và phi chính thức. Để hiểu thực trạng buôn bán rong cần phải hiểu quy luật cung cầu và quá trình chuyển đổi đô thị (đô thị hóa, siêu đô thị hóa, nghèo khổ ở nông thôn) và các yếu tố văn hóa, thói quen trong lối sống nông thôn và đô thị.
Ngoài việc chỉ ra sự đa dạng và quy mô buôn bán rong ở đô thị, diễn giả cũng đã đề cập đến sự chênh lớn giữa chính sách và thực tiễn trong quản lý hoạt động này ở Việt Nam hiện nay; những đặc trưng của hoạt động buôn bán rong trong lịch sử kinh tế; đặc trưng “yếu thế” của nhóm những người buôn bán rong trong khu vực phi chính thức; những logic di chuyển của những người buôn bán rong. Diễn giả kêu gọi cần thiết phải thực hiện hiệu quả các chính sách liên quan đã được ban hành (nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương) nhằm đảm bảo thúc đẩy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực của hoạt động buôn bán rong hiện nay.
Tại buổi seminar, nhiều ý kiến trao đổi đã được thảo luận, gợi mở nhiều hướng nghiên cứu khác nhau và vận động chính sách liên quan đến hoạt động buôn bán rong ở đô thị nói riêng cũng như khu vực phi chính thức ở Việt Nam nói chung.
Lê Quang Ngọc