Phòng Đô thị và Công nghệ

20/08/2020

I. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Đô thị và Công nghệ

 

1. Đề xuất, tổ chức và triển khai thực hiện các nghiên cứu xã hội học về những vấn đề liên quan đến quản lý, phát triển đô thị và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và mục tiêu phát triển bền vững.

 

2.  Đề xuất và triển khai các hoạt động tư vấn khoa học cho các chính sách, chương trình, dự án phát triển đô thị và phát triển khoa học - công nghệ ở Việt Nam từ hướng tiếp cận xã hội học.

 

3.  Hợp tác nghiên cứu, trao đổi thông tin, kiến thức và kết quả nghiên cứu xã hội học về phát triển đô thị với các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định.

 

4.  Kết hợp nghiên cứu với đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về xã hội học đô thị và xã hội học công nghệ.

 

5. Quản lý lao động, tài sản của Phòng theo quy định của Nhà nước, của Viện Hàn lâm và của Viện Xã hội học.

 

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Viện trưởng.

 

II. Nghiên cứu xã hội học đô thị và một số thành tựu

Nghiên cứu những vấn đề xã hội của đô thị cũng là một chủ đề trọng tâm của Viện Xã hội học ngay từ những năm đầu thành lập. Phát huy thế mạnh của các phương pháp xã hội học trong việc phân tích và lý giải những vấn đề xã hội, những nghiên cứu của Viện đã chỉ ra những bất cập giữa quản lý kinh tế và quản lý xã hội tại các đô thị, đưa ra những khuyến nghị cho giới hoạch định chính sách quản lý đô thị. Đồng thời các nghiên cứu này đã góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý các quá trình xã hội ở đô thị.  

Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mặc dù Việt Nam có mức độ đô thị hóa còn thấp, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam cũng đã tạo ra được khuôn mẫu phát triển mới với các đặc trưng cơ bản như: quy mô gia đình nhỏ hơn; hôn nhân ngày càng ít phổ biến hơn và tuổi kết hôn lần đầu cao hơn; các mối quan hệ thân tộc lỏng lẻo hơn; mức sinh thấp hơn, đặc biệt là ở các nhóm tuổi trẻ; lối sống ngày càng phụ thuộc vào dịch vụ công cộng; chất lượng sống của các gia đình đô thị cao hơn; sự phân cực điều kiện sống cao hơn; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn, đặc biệt là ở các bậc học vấn và chuyên môn cao. Đi kèm với những thay đổi này là sự hình thành các nhu cầu mới của dân cư đô thị, từ nhu cầu nhà ở, nhu cầu đi lại, sinh hoạt, học tập, v.v... Nhiều phát hiện nghiên cứu đã góp phần luận chứng cho các giải pháp quản lý đô thị tại một số thành phố nhằm đáp ứng những nhu cầu đa dạng của dân cư.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra những điểm yếu của công tác quản lý đô thị là việc thiếu quan tâm đến những khía cạnh xã hội của cuộc sống dân cư, là việc chậm lồng ghép các chỉ tiêu dân số vào công tác kế hoạch, thiếu một hệ thống thông tin dân số thống nhất, có độ tin cậy cao, và được cung cấp kịp thời, vốn rất cần thiết cho các cấp quản lý đô thị.

Một khía cạnh khác trong nghiên cứu đô thị là vấn đề nghèo khổ đô thị. Trên cơ sở phân tích thành phần xã hội-nghề nghiệp của nhóm người nghèo, các đặc trưng về thu nhập, mức sống, nhà ở, và chăm sóc sức khỏe của họ, các nghiên cứu đã khẳng định khả năng tự vươn lên, tính năng động của người nghèo. Những chính sách xóa đói giảm nghèo cho địa bàn đô thị cũng đã được phân tích như: chính sách lao động và việc làm; chính sách quy hoạch đô thị; chính sách phát triển các dịch vụ công cộng ở các khu dân cư nghèo; chính sách tín dụng nhỏ; và đặc biệt là chính sách động viên sự tham gia của người dân trong việc cải thiện điều kiện sống của cộng đồng.

Viện Xã hội học là một trong những đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu khả năng tham gia của cộng đồng trong việc lập quy hoạch, xây dựng, và quản lý đô thị, một vấn đề còn rất mới ở Việt Nam. Trong khuôn khổ của Dự án VIE/95/050 về Nâng cao năng lực lập kế hoạch và quản lý đô thị cho thành phố Hà Nội,  nghiên cứu của Viện đã góp phần khẳng định tiềm năng của các cộng đồng dân cư đô thị trong việc lập quy hoạch, đóng góp công sức, vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, và công tác quản lý phát triển đô thị tại địa phương. Những phát hiện này đã giúp cho tìm ra những giải pháp quản lý nhằm phát huy sự tham gia của cộng đồng trong quản lý đô thị.

Nghiên cứu những khía cạnh xã hội về nhà ở là một hướng nghiên cứu quan trọng của Viện Xã hội học. Như đã nói ở trên, ngay từ cuối những năm 1970, Viện (lúc đó là Ban Xã hội học) đã đảm nhiệm đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước "Những khía cạnh xã hội của vấn đề ở" thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Nhà nước 26 - 01. Đề tài tập trung vào hai hướng: thứ nhất, mối quan hệ hữu cơ giữa cơ cấu dân cư, lối sống dân cư với nhà ở ; và thứ hai, chính sách vĩ mô trong lĩnh vực nhà ở. Những kiến nghị từ nghiên cứu đã được trình lên Trung ương và Tiểu ban Văn kiện Đại hội VI (1986). Kết quả nghiên cứu theo hướng thứ nhất đã tạo ra cơ sở dữ liệu quí cho lĩnh vực thiết kế nhà ở và qui hoạch đô thị, được đưa vào giáo trình Xã hội học đô thị của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Hướng nghiên cứu thứ hai của đề tài đã tập trung luận chứng cho đề xuất chính sách nhằm xoá bỏ từng bước chế độ bao cấp về nhà ở. Những đề xuất này đã có ảnh hưởng tới giới hoạch định chính sách về nhà ở và thực tiễn đã chứng tỏ quan điểm đúng đắn của nó: chính sách bao cấp về nhà ở đã được xoá bỏ sau đó.

Trong giai đoạn sau Đổi mới, nghiên cứu xã hội học đô thị đã từng bước tiếp cận được với những nghiên cứu quốc tế thông qua các dự án hợp tác. Một số dự án nghiên cứu như “Nhà ở cho người nghèo đô thị” (1994), “Nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu về phát triển đô thị” (1998-2000) không chỉ giúp nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp cận với trình độ quốc tế của cán bộ xã hội học, mở ra các hướng nghiên cứu mới mà còn cung cấp tài liệu, phổ biến kiến thức xã hội học cho đội ngũ cán bộ quản lý đô thị, thiết kế kiến trúc, qui hoạch đô thị, sinh viên xã hội học. Việc thực hiện các dự án này cũng góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý đô thị các cấp.

Đề tài "Hiện trạng quản lý, sử dụng và nhu cầu nhà ở của dân cư Hà Nội " (1997) thực hiện theo đề nghị của Sở nhà đất Hà Nội đã cung cấp những cơ sở dữ liệu cho Chương trình phát triển nhà ở Hà Nội đến năm 2010. Một số cán bộ xã hội học đô thị đã là những chuyên gia tư vấn cho một số chương trình và dự án về phát triển đô thị. Nhiều hội nghị quốc tế, quốc gia hay hội thảo trong nước về lĩnh vực này đã có sự tham gia thường xuyên của các cán bộ xã hội học.

Từ năm 2000 Xã hội học Đô thị tập trung vào nghiên cứu  quá trình đô  thị hoá. Đô thị Việt Nam có những đặc trưng nhân khẩu chủ yếu tương tự như các đô thị trên thế giới khi so sánh với khu vực nông thôn: quy mô gia đình nhỏ hơn; hôn nhân ngày càng ít phổ biến hơn và tuổi kết hôn lần đầu cao hơn; mức sinh thấp hơn, đặc biệt là ở các nhóm tuổi trẻ.

Đáng chú ý là quá trình đô thị hoá ở các thành phố lớn nước ta, như thủ đô Hà Nội. Thành phố Hồ Chí Minh… trong thập niên qua không hoàn toàn chỉ do công nghiệp hoá, hiện đại hóa và các nguồn tăng dân số tự nhiên và tăng cơ học truyền thống, mà việc điều chỉnh lại địa giới hành chính, biến các vùng nông thôn ven đô trở thành nội thành do yêu cầu mở rộng không gian đô thị.

Quá trình biến đổi kinh tế - xã hội từ xã ngoại thành trở  thành phường nội thành là một quá trình đa dạng, bao gồm: sự chuyển đổi nghề nghiệp, cơ cấu lao động việc làm của dân cư, từ đa số làm nông nghiệp sang phi nông nghiệp; sự chuyển đổi đời sống xã hội, văn hoá tinh thần, lối sống từ nông thôn sang lối sống đô thị; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, biến đổi cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu lao động, sinh hoạt, đời sống ở đô thị; thay đổi bộ máy quản lý, hành chính từ nông thôn (làng, xã) sang đô thị (phường). Phục vụ  mục đích trên  10 xã ngoại thành Hà Nội trở thành phường đã là địa bàn khảo sát quen thuộc của phòng Xã hội học Đô thị.

Giai đoạn 2005 - 2006, cùng với các chuyên ngành Xã hội học khác, Xã hội học Đô thị nghiên cứu vấn đề an sinh xã hội ở đô thị. Trong điều kiện nước ta hiện nay, hệ thống an sinh xã hội chưa thể bao phủ toàn bộ các nhóm xã hội đông đảo và phức tạp ở các thành phố lớn. Một số người dân chưa thể tiếp cận với hệ thống phúc lợi xã hội và dịch vụ an sinh xã hội, và hầu như không được hệ thống an sinh xã hội quan tâm đến. Rất nhiều cư dân đô thị vẫn chỉ dựa vào nguồn hỗ trợ phi chính thức từ gia đình, họ hàng, hàng xóm v.v… Ngoài ra, ở đô thị còn có một số lượng lớn người nhập cư (dài hạn và tạm thời) cũng nằm ngoài sự bao phủ của hệ thống an sinh xã hội.

Trong khi đó, khu vực kinh tế không chính thức ở đô thị chiếm tỷ trọng cao trong nguồn lao động và nguồn thu nhập hộ gia đình đô thị. Bộ phận dân cư đô thị không có khả năng tham gia các loại hình bảo hiểm chính thức là khá lớn, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp nhất. Vì thế vấn đề bảo đảm an sinh xã hội cho nhóm dân cư khu vực kinh tế không chính thức và việc nhanh chóng phát triển hệ thống an sinh xã hội chính thức và phát huy vai trò của mạng lưới xã hội trong việc phòng chống những rủi ro về kinh tế, xã hội đối với họ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội đô thị .

Vấn đề an sinh xã hội hiện nay là nhu cầu cấp bách đối với những người lao động trong khu vực phi chính thức. Yếu tố kinh tế là yếu tố quyết định khả năng tham gia các loại bảo hiểm của người lao động trong khu vực phi chính thức và gia đình họ. Các dịch vụ và hình thức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và các loại hình bảo hiểm khác cần mở rộng đến các tầng lớp dân cư, đặc biệt tại các địa bàn có đông người lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức để người dân hiểu và tham gia vào các dịch vụ an sinh xã hội. Vai trò của chính quyền cấp cơ sở và tổ chức xã hội, tổ chức đoàn thể, cộng đồng ở địa phương (Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi…) rất quan trọng trong lĩnh vực này.

Ngoài các hướng nghiên cứu chính, phòng XHH Đô thị còn đảm nhiệm thêm công tác đào tạo, giảng dạy môn XHH Đô thị, XHH đại cương cho các khoá chính qui & tại chức của Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Quốc tế học Trường Đại học Hà Nội; Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; Trường Đại học Công đoàn; Phân viện Báo chí & Tuyên truyền. Một số cán bộ tham gia hướng dẫn cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ trong cả nước và còn tham gia giảng dạy cho các lớp tập huấn của các dự án, các bộ ngành, các tổ chức quốc tế về những chuyên đề như: Môi trường đô thị; Giao thông đô thị; Nhà ở đô thị; Đô thị hoá; Tư vấn cộng đồng, Đánh giá nhanh sự tham gia của cộng đồng; Các dịch vụ đô thị; Giới và cộng đồng; Giới và phát triển; Chuẩn bị, thực hiện, giám sát hoạt động dự án…

III. Đội ngũ cán bộ

1. TS. Trần Nguyệt Minh Thu, Trưởng phòng

2. TS. Hồ Ngọc ChâmPhó Trưởng phòng

3. ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hà

Các tin cũ hơn.............................