Tạp chí xã hội học 35 năm đồng hành cùng viện xã hội học và ngành xã hội học việt nam

12/10/2017

    Việc thành lập Ban Xã hội học tại Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam vào năm 1977 đã tạo cơ sở ban đầu cho quá trình phát triển của xã hội học Việt Nam nói chung, trong đó có sự ra đời của Tạp chí Xã hội học. Tạp chí bắt đầu ra mắt số đầu tiên vào quý 1 năm 1983 theo Giấy phép xuất bản số 26/XB-BC do Bộ Văn hóa và Thông tin cấp ngày 1/1/1983. Tiền thân của Tạp chí Xã hội học là tờ “Thông báo Xã hội học” được phát hành năm 1982. Trải qua 35 năm hoạt động, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và Viện Xã hội học, Theo thời gian, Tạp chí Xã hội học đã liên tục phát triển cùng Viện Xã hội học và ngành Xã hội học Việt Nam. Tạp chí luôn là cơ quan ngôn luận của ngành xã hội học, là diễn đàn của giới nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng xã hội học, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác nghiên cứu và đào tạo xã hội học ở Việt Nam.

 

    Tổng Biên tập đầu tiên là Giáo sư Vũ Khiêu (giai đoạn 1983-1988). Các Tổng Biên tập tiếp theo là PGS. Tương Lai (1989-2000), GS.TS Trịnh Duy Luân (các giai đoạn 2000-2001 và 2006-2011), PGS.TS Mai Quỳnh Nam (giai đoạn 2001-2005) và từ năm 2012 đến nay là PGS.TS Đặng Nguyên Anh. Tạp chí có Hội đồng biên tập gồm  thành viên là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành khoa học có chuyên môn, uy tín và nhiều kinh nghiệm trong việc xét duyệt và phản biện các bài gửi đến Tòa soạn. Trong quá trình phát triển, Tạp chí Xã hội học đã tập hợp được đông đảo đội ngũ cộng tác viên bao gồm các nhà quản lý, nghiên cứu, giảng dạy, các nghiên cứu sinh xã hội học… từ các cơ quan, các viện, các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học và các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Nhiều tác giả nước ngoài cùng với cán bộ trong Viện đã viết bài đăng trên Tạp chí và có những đóng giá trị cho sự phát triển của ngành xã hội học Việt Nam.

 

    Tạp chí Xã hội học tiếng Việt được xuất bản mỗi năm bốn số và cho đến nay đã phát hành được 138 số với gần 2.000 bài viết. Các bài nghiên cứu được công bố trên Tạp chí luôn phản ánh chân thực những hướng nghiên cứu chủ yếu của Viện Xã hội học cũng như của ngành xã hội học Việt Nam nói chung, góp phần giải quyết nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của Xã hội học, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Là diễn đàn trao đổi học thuật của các nhà nghiên cứu và giảng dạy xã hội học, Tạp chí Xã hội học đã thể hiện bức tranh toàn cảnh của xã hội Việt Nam được các độc giả quan tâm. Các bài viết xoay quanh các chủ đề biến đổi dân số, xã hội học đô thị, xã hội học nông thôn, xã hội học lao động, công nghệ, xã hội học văn hóa, xã hội học gia đình, xã hội học sức khỏe, xã hội học truyền thông đại chúng, an sinh xã hội, chính sách xã hội và công tác xã hội, xã hội học môi trường v.v…

 

    Trong những năm đầu hoạt động (1982-1986), khi Xã hội học còn khá mới mẻ đối với nhiều người Việt Nam, Tạp chí đã tập trung giới thiệu những kiến thức cơ bản về lý thuyết, phương pháp nghiên cứu xã hội học và xác định vai trò, vị trí của xã hội học trong hệ thống các khoa học xã hội ở Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn Viện Xã hội học định hình, xây dựng lực lượng và tích lũy kinh nghiệm. Các bài đăng trên Tạp chí Xã hội học cũng phản ánh những vấn đề kinh tế xã hội trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi đất nước thống nhất và trước thềm Đổi mới, tập trung vào các chủ đề đô thị, nhà ở, phát triển nông thôn, vấn đề lao động và việc làm, gia đình, văn hóa, lối sống. Ngoài ra, Tạp chí còn giới thiệu nhiều thông tin và công trình nghiên cứu xã hội học tại một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và trên thế giới, góp phần định hướng, lựa chọn các chủ đề và phương pháp nghiên cứu phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu đăng trên Tạp chí Xã hội học đã góp phần cung cấp luận cứ, bằng chứng và nhu cầu cấp thiết tiến hành công cuộc Đổi mới ở nước ta.

 

    Từ năm 1986 đến 2007 là giai đoạn Tạp chí Xã hội học tập trung đăng tải những nghiên cứu phục vụ sự nghiệp Đổi mới của đất nước, chuyển từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực tiễn công cuộc Đổi mới đã có những tác động to lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam, đặt ra nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, lý giải và dự báo. Đây cũng là giai đoạn nghiên cứu xã hội học Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Tại Viện Xã hội học, nhiều chương trình, đề tài trong nước cũng như dự án hợp tác nghiên cứu với quốc tế đã được triển khai. Quá trình này mở đầu cho xu hướng hội nhập của xã hội học. Trong giai đoạn này, nhiều nhà nghiên cứu được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ xã hội học tại các trường đại học có uy tín trên thế giới trở về đã góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các nghiên cứu cũng như các bài đăng trên Tạp chí Xã hội học. Hầu hết các bài viết tập trung tìm hiểu những biến đổi xã hội dưới tác động của quá trình Đổi mới, làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn, cũng như cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chẳng hạn, qua nhiều bài viết nghiên cứu về chủ đề dân số, Tạp chí đã góp phần cho sự thành công của Chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam. Những bài nghiên cứu về giải thể cấu trúc xã hội nông thôn, biến đổi phân tầng xã hội, trợ giúp các nhóm yếu thế được đăng trên Tạp chí đã đóng góp nhất định cho thành tựu chung của Việt Nam về xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trong thời kỳ Đổi mới.

 

    Từ năm 2007 đến nay, Tạp chí Xã hội học tiếp tục đăng tải những kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ công cuộc Đổi mới của đất nước, cụ thể là quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội của đất nước theo mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Những biến đổi về cơ cấu xã hội trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2008 cùng với tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường đã đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi phải đẩy mạnh nghiên cứu, phân tích và lý giải từ hướng tiếp cận xã hội học và tiếp cận liên ngành. Theo sát những hướng nghiên cứu mới, Tạp chí đã chọn lọc đăng nhiều bài viết có chất lượng về mô hình phát triển và quản lý sự phát triển xã hội bền vững; di dân và tái định cư, biến đổi cấu trúc phân tầng và bất bình đẳng xã hội, vấn đề về tam nông; an sinh xã hội, quản lý hộ khẩu; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; các tổ chức xã hội dân sự; ứng phó với biến đổi khí hậu và môi trường, v.v…

 

    Trong 35 năm qua, Tạp chí Xã hội luôn là một diễn đàn khoa học có uy tín trong giới nghiên cứu, được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận là tạp chí khoa học hàng đầu trong lĩnh vực xã hội học cũng như khoa học xã hội nói chung ở Việt Nam với số điểm tối đa dành cho một tạp chí khoa học xuất bản trong nước. Tạp chí cũng là một môi trường khoa học để nhiều cán bộ trẻ phấn đấu, thử thách, thể hiện năng lực và trưởng thành. Việc có bài viết công bố kết quả nghiên cứu trên Tạp chí là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự thành công của một luận án nghiên cứu sinh hay đề tài nghiên cứu xã hội học các cấp.

 

    Cùng với sự phát triển không ngừng về mặt chất lượng, trong thời gian qua Tạp chí Xã hội học cũng liên tục tăng trang và số lượng bản phát hành nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và sự phát triển của ngành. Từ những bản in đầu tiên với số lượng còn hạn chế, trải qua 35 năm, Tạp chí Xã hội học tiếng Việt đã trở thành nguồn tham khảo quen thuộc không chỉ trong giới xã hội học mà cả trong hầu hết các cơ sở đào tạo khoa học xã hội, các cơ quan quản lý của Đảng và Nhà nước.

 

    Bắt đầu từ năm 2013, Tạp chí đã xuất bản số tiếng Anh (với tên gọi Sociology), chu kỳ 2 số mỗi năm, nhằm góp phần giới thiệu những thành tựu nghiên cứu của ngành xã hội học Việt Nam với quốc tế, từng bước hội nhập với thế giới. Ấn phẩm Sociology không chỉ được các độc giả trong và ngoài nước đón nhận mà còn là diễn đàn của một số học giả nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam. Mặc dù đội ngũ cán bộ Tòa soạn còn chưa có nhiều kinh nghiệm biên tập tiếng Anh, song Tạp chí Sociology có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu và truyền bá tri thức của ngành xã hội học Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

 

    Vượt qua nhiều khó khăn để trưởng thành về mọi mặt, Tạp chí Xã hội học luôn bám sát và phục vụ tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh sinh động hoạt động nghiên cứu và đào tạo xã hội học trên phạm vi cả nước. Qua 35 năm hoạt động, Tap chí Xã hội học đã nhiều lần đạt danh hiệu Tập thể lao động suất sắc, 20 lần nhận được bằng khen cấp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và của Thủ tướng Chính phủ.

 

    Trong những năm gần đây, trước những đòi hỏi của quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập, Tạp chí Xã hội học đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng và hoàn thiện quy trình hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế. Những quy định về nguồn trích dẫn, tài liệu tham khảo, quy trình phản biện độc lập, quy trình biên tập, tóm tắt nội dung… đã dần được áp dụng. Tạp chí cũng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho quá trình lưu trữ, quản lý và biên tập các bài viết thuận tiện, chính xác và hiệu quả hơn. Tuy nhiên để tiến tới đạt chuẩn xuất bản quốc tế đồng thời đáp ứng những yêu cầu cấp thiết về công tác tư tưởng trong tình hình mới, Tạp chí Xã hội học sẽ cần tiếp tục  hoàn thiện để tiếp tục có những bước phát triển nhanh, mạnh hơn nữa.

 

    Nhân dịp 35 năm thành lập, Tạp chí Xã hội học xin gửi lời cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan chức năng, các tác giả, các nhà nghiên cứu, các biên tập viên, các cộng tác viên và toàn thể bạn đọc đã quan tâm, cổ vũ và nhiệt tình cộng tác trong suốt quá trình phát triển của Tạp chí. Phát huy những thành quả đạt được, Tạp chí Xã hội sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, trở ngại để không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu của ngành xã hội học Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xứng đáng với truyền thống và uy tín của Tạp chí cũng như niềm tin của bạn đọc.

 

 

TẠP CHÍ XÃ HỘI HỌC