Phản hồi của người dân đối với chương trình mục tiêu quốc qua về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020: Một số phát hiện bước đầu

20/06/2017
     Nước ta hiện nay vẫn là một nước nông nghiệp với khoảng 65% dân cư đang sống tại khu vực nông thôn. Phát triển nông nghiệp nông thôn đã, đang và sẽ còn là mối quan tâm hàng đầu, có vai trò quyết định đối với việc ổn định kinh tế xã hội đất nước trong những năm tiếp theo. Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn không phải chỉ là nhiệm vụ của nông dân, ở khu vực nông thôn mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Từ những mục tiêu trên Chính phủ đã ra Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nội dung xây dựng nông thôn mới hướng tới thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia được quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ (và Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 cho giai đoạn 2016-2020) bao gồm 19 tiêu chí.  Xây dựng nông thôn mới theo phương châm phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, đặt ra các chính sách, cơ chế hỗ trợ và hướng dẫn. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện.

     Một trong những điểm nổi bật của Chương trình xây dựng nông thôn mới đó là đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Thực tế cho thấy, Chương trình xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, hợp lòng dân. Như vậy, nông thôn và nông thôn mới khác nhau như thế nào, điều gì làm cho người dân cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới? Để trả lời cho những câu hỏi này, năm 2016, Viện Xã hội học đã thực hiện đề tài khoa học cấp cơ sở: Phản hồi của người dân đối với chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020: Một số phát hiện bước đầu (nghiên cứu trưởng hợp huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ)[1]. Đề tài đã sử dụng phương pháp phân tích tài liệu và thực hiện 24 phỏng vấn sâu tại hai xã Xuân Lũng, Xuân Huy - Huyện Lâm Thao – Tỉnh Phú Thọ.

     Kết quả đề tài nghiên cứu cho thấy, phản hồi của người dân tại các xã khảo sát là khá tích cực trước các vấn đề liên quan đến chất lượng và hiệu quả cơ sở vật chất văn hóa. Người dân trực tiếp tham gia từ khâu quy hoạch, mua nguyên vật liệu, giám sát thi công và kết quả là công trình nghiệm thu nhanh chóng, đạt chất lượng tốt với kinh phí đầu tư thấp, tránh thất thoát, lãng phí. Các sân tập luyện thể dục thể thao  được sử dụng thường xuyên, hàng ngày. Nhà văn hóa là nơi tổ chức văn nghệ, các cuộc họp, triển khai các nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước đến với nhân dân. Bên cạnh những mặt tích cực, phản hồi của người dân cũng cho thấy rằng, nguồn tài chính hoạt động ở các nhà văn hóa, thể thao thôn, xóm rất eo hẹp chủ yếu do nhân dân đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao thôn, xã còn thiếu và yếu, chủ yếu sử dụng cán bộ kiêm nhiệm trái ngành nghề, không sáng tạo được những hoạt động phong phú, gần gũi cuộc sống, thu hút được mọi tầng lớp người dân.

     Liên quan đến y tế, để thực hiện tốt tiêu chí số 15 về y tế trong xây dựng nông thôn mới vẫn có một số điểm không phù hợp và vướng mắc cần phải giải quyết. Đầu tiên là vấn đề nhân lực. Hầu hết các cơ sở y tế tuyến cơ sở không có bác sĩ mà chỉ có các y sĩ tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp y hoặc bác sĩ liên thông mà rất ít có các bác sĩ đại học về công tác theo đúng qua chuẩn 1 bác sĩ trên một cơ sở y tế. Chính điều đó làm y tế tuyến xã vẫn chưa thực sự tạo được sự “hấp dẫn” đối với người dân. Thứ hai là vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT), việc mua BHYT đang được Nhà nước và các dự án hỗ trợ tiền mua thì người dân rất hang hái tham gia. Nhưng khi hết hỗ trợ thì người dân lại lưỡng lự không biết có tham gia tiếp hay không. Hiện nay tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế huyện Lâm Thao đạt 77%, các xã nghiên cứu đạt 72% đó là một con số khá cao tuy nhiên để duy trì được con số này sẽ đòi hỏi nhiều yếu tố như: điều kiện kinh tế, nhận thức về quyền lợi, niềm tin vào chất lượng các dịch vụ y tế, …

     Chương trình xây dựng nông thôn mới không chỉ đơn thuần là xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mà kèm theo đó là các hoạt động kinh tế xã hội khác. Mục tiêu quan trọng nhất của chương trình này là xây dựng nông thôn mới khang trang, sạch đẹp, đời sống của người dân được nâng cao. Mỗi địa phương có những điểm xuất phát khác nhau, có những điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội không giống nhau nên có những biện pháp, cách thức riêng. Để những biện pháp xây dựng nông thôn mới phù hợp với mỗi địa phương thì chính quyền cần chỉ rõ những giá trị thiết thực mà các chương trình đem lại, và chính những người dân địa phương phải là chủ thể tham gia bàn bạc, lập kế hoạch và quyết định các hoạt động của chương trình.

 



[1] Đề tài do nghiên cứu viên Lương Ngọc Thúy, phòng Nông thôn - Viện Xã hội học đồng chủ nhiệm. Quý độc giả có thể tham khảo toàn văn đề tài tại Thư viện của Viện Xã hội học. Địa chỉ: Phòng 902, Tầng 9, Số 1 Liễu Giai - Ba Đình - Hà Nội. Điện thoại liên hệ: (04) 62730714.

Viện Xã hội học

    Nội dung đang được cập nhật