Trong những năm qua, số người Việt Nam đi làm việc
tại nước ngoài có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, theo đại diện Cục Quản lý
nước ngoài (2014) cho biết, tính đến năm 2014 thì có đến 50/63 tỉnh thành không
thống kê được số liệu lao động trở về nước. Bên cạnh đó, chưa có chính sách hỗ trợ
đối với nhóm đối tượng này; chưa cung cấp thông tin và hướng dẫn họ đăng ký tìm
việc làm phù hợp và phần lớn người lao động về nước tự phải tìm việc và tạo
việc làm cho chính mình.
Trước thực trạng trên, Viện Xã hội học đã
thực hiện đề tài nghiên cứu “Chính sách
hỗ trợ tái hòa nhập cho người đi xuất khẩu lao động trở về”[1]
nhằm tìm hiểu về những chính sách hiện hành của Nhà nước cho nhóm đối tượng đi
Xuất khẩu lao động trở về, từ đó xác định những khoảng trống của chính sách. Phân tích thực
trạng tiếp cận các chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước
ngoài trở về tái hòa nhập với cuộc sống mà cụ thể ở đây là tái hòa nhập về việc
làm, vốn và đào tạo kỹ năng, tay nghề. Đề tài đã sử dụng phương pháp tổng quan
tài liệu và khảo sát xã hội học tại hai tỉnh Hà Nội và Hải Dương. Kết quả nghiên
cứu đã cho thấy một số điểm đáng chú ý sau.
Thứ nhất, Việt Nam đã ban hành khá
nhiều chính sách và văn bản pháp luật về lao động Việt Nam là việc ở nước ngoài
với tập trung chủ yếu vào mục tiêu đưa người đi lao động và tạo điều kiện tốt
nhất để người lao động hoàn thành hợp đồng. Trong khi đó, chính sách cho nhóm
lao động trở về còn khá ít, tập trung chủ yếu vào vấn đề việc làm và phát triển
kinh tế cho nhóm gặp khó khăn, và chưa có nghị định hướng dẫn cụ thể để triển
khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động trở về.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ
việc làm cho lao động trở về chưa phát huy hiệu quả, chính sách hỗ trợ vốn còn
hạn chế, và công tác đào tạo nghề chưa được quan tâm đúng mức. Chính sách
thường chỉ nêu ra việc hỗ trợ, khuyến khích khá chung chung, trong khi đó nhiều
lao động khi trở về nước không nắm được thông tin cơ quan nào hỗ trợ họ và điều
kiện để được hỗ trợ là như thế nào.
Thứ ba, người lao động trở
về sau một thời gian làm việc ở nước ngoài vẫn phải quay lại làm những công
việc giản đơn. Nhà nước chưa tận dụng được đội ngũ lao động được coi là có tay
nghề này; Cuối cùng, các cơ quan đối tác liên quan như doanh nghiệp tuyển chọn
lao động đi làm việc ở nước ngoài, hay chính quyền địa phương cũng chưa có
chương trình hay chính sách nào hỗ trợ người lao động trở về tiếp cận được việc
làm và vốn.
Từ những kết quả nghiên cứu
kể trên, đề tài cho rằng cần phải có chính sách quan tâm hơn đối với nhóm đi
lao động ở nước ngoài trở về. Nhà nước cần tiếp tục tiển khai các chính sách hỗ
trợ một số lao động trở về gặp khó khăn, nhưng mặt khác, nên nhìn nhận đa số
người lao động ở nước ngoài trở về là nhóm có tiềm năng, cần được quan tâm tạo
điều kiện để họ phát huy vai trò góp phần phát triển doanh nghiệp và thị trường
lao động có chất lượng. Một số ví dụ cụ thể về những biện pháp và chính sách hỗ
trợ như: về vấn đề việc làm, cần xây dựng cơ sở dữ liệu bao gồm những thông tin
về trình độ tay nghề, kỹ thuật chuyên môn, nhu cầu việc làm của người lao động
về nước để khi các doanh nghiệp có nhu cầu có thể dễ dàng truy cập, xem xét
tuyển dụng. Về vấn đề vay vốn, nên có chương trình cho vay vốn phát triển doanh
nghiệp riêng cho những người đi lao động nước ngoài trở về có năng lực và có đề
án kinh doanh triển vọng. Chương trình đào tạo nghề cho người lao động ở nước
ngoài trở về cũng cần được chú trọng hơn, không chỉ nhằm giúp họ tái hòa nhập
thị trường lao động, môi trường kinh doanh trong nước mà còn hướng tới phát huy
tay nghề, kinh nghiệm, ngoại ngữ của nhóm đặc thù này. Ngoài ra,tăng cường ký kết với
các quốc gia tuyển dụng lao động để tạo điều kiện cho lao động khi về nước có
cơ hội tiếp cận việc làm ở các công ty của quốc gia đó đang hoạt động ở Việt
Nam.
Viện Xã hội học