Ở Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội gồm Mặt trận tổ quốc,
hội Phụ nữ, hội Nông dân, hội Cựu chiến binh và đoàn Thanh niên có vai trò quan
trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và
Nhà nước. Mặt khác, các tổ chức này còn tham gia tích cực vào các dịch vụ xã hội
nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hiện nay, các nghiên cứu về vai trò của
các tổ chức chính trị-xã hội phần lớn mới chỉ dừng ở việc đánh giá thực trạng trợ
giúp của các tổ
chức này đối với các nhóm đối tượng thụ hưởng. Trong khi đó, còn thiếu những nghiên cứu đánh giá về mặt tư vấn chính sách đối
với việc đảm bảo an sinh xã hội của các tổ chức này đối với cư dân nông thôn với tư cách như
là một chủ thể phúc lợi. Năm
2016, Viện Xã hội học đã thực hiện đề tài nghiên cứu cấp cơ sở “Vai trò
của các tổ chức chính trị-xã hội trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho cư dân
nông thôn”.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã cho thấy một số điểm đáng
chú ý sau. Thứ nhất, hoạt động cho vay vốn, đào tạo rất phát triển ở các tổ
chức chính trị - xã hội hiện
nay mặc dù đây không phải là hoạt động chủ yếu được quy định dành cho các tổ chức này. Hay nói cách khác vai
trò phát triển kinh tế của các tổ chức chính trị-xã hội đang có ưu thế hơn so với
các vai trò khác, nó trở thành một hoạt động, một lý do quan
trọng để thu hút các thành viên. Thứ hai, liên quan đến tư vấn về mặt chính sách, nghiên cứu đã chỉ ra rằng
yếu tố vùng miền là một chỉ báo quan trọng trong việc xây dựng các kế hoạch
hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội. Việc nắm bắt được sự khác biệt vùng
miền, khu vực giúp các đoàn thể này tìm cho mình các phương thức hoạt động phù
hợp với từng địa phương cụ thể, từ đó tạo động lực cũng như sự thu hút đối với
các thành viên và những người chưa phải là thành viên. Trong vấn đề mở rộng
thành viên của các tổ chức đoàn thể cần phải quan tâm hơn nữa tới nhóm cư dân
có mức thu nhập trung bình.
Hiện nay các hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội cho
thấy dường như chỉ đáp ứng được nhu cầu của hai nhóm người có mức sống đối lập
nhau đó là những người nghèo nhất và những người có mức sống trung bình khá trở
lên. Nhóm nghèo bị thu hút bởi lợi ích kinh tế mà họ có được khi tham gia tổ chức.
Nhóm trung bình khá trở lên tham gia vì được giao lưu, được trao đổi, thúc đẩy
vốn xã hội. Trong khi đó nhóm có mức thu nhập trung bình có thể nói là nhóm chiếm
tỷ lệ chủ yếu trong xã hội nông thôn hiện nay dường như chưa được quan tâm. Hay
nói đúng hơn là họ chưa tìm thấy được một giá trị, ý nghĩa thực sự khi tham gia
các đoàn thể này. Vì thế nên có sự quan tâm đến nhóm này nhiều hơn thông qua việc
tìm hiểu các nhu cầu, mong muốn của họ để một mặt giữ chân những thành viên hiện
có, mặt khác thu hút thêm sự tham gia của các thành viên mới.
Viện Xã hội học