Hội
nhập với khu vực và thế giới đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đưa đến không ít
những thách thức đối với nước ta. Đặc biệt từ khi gia nhập tổ chức Thương mại
thế giới WTO, bộ mặt kinh tế của đất nước cũng có nhiều thay đổi, tạo ra nhiều
việc làm cho người lao động nhưng cũng đòi hỏi người lao động phải chủ động và
tích cực hơn trong việc tìm kiếm việc làm và thích ứng với những việc làm mới,
nghề nghiệp mới.
Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp. Số
lượng lao động hiện nay ở nông thôn chiếm đến 70,3%. Nhu cầu lao động, việc làm
là một mối quan tâm hàng đầu của người dân khu vực nông thôn. Theo Tổng cục thống
kê năm 2012, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn tập trung ở độ tuổi thanh
niên từ 15 đến 29 tuổi chiếm 66,1%. Đặc biệt, xu hướng thanh niên tham gia
ngành nông nghiệp giảm mạnh từ 62,2% (năm 2000) xuống còn 48,4% (năm 2011),
trong khi đó ngành công nghiệp lại tăng từ 13% (2000) lên 21,3% (2011) và dịch
vụ tăng từ 24,8% (2000) lên 30,3% (2011). Và tỷ lệ này đều tăng liên tục qua
các năm. Điều đó khẳng định xu hướng thanh niên chuyển từ các lao động ngành
nông nghiệp sang các ngành nghề thuộc công nghiệp và dịch vụ đang diễn ra mạnh
mẽ.
Vấn đề việc làm và nghề nghiệp của
thanh niên luôn là một đề tài thu hút nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, chưa có đề
tài nghiên cứu chuyên sâu và đề cập đến sự biến đổi nhu cầu việc làm của thanh
niên nông thôn và về khả năng thích
ứng trong hội nhập nghề nghiệp của họ. Đề tài khoa học cấp cơ sở năm
2016 của Viện Xã hội học “Đánh giá của
thanh niên về hội nhập nghề nghiệp hiện nay”[1] được thực
hiện dựa trên cơ sở tổng hợp, phân tích các nguồn tài liệu, các cuộc điều tra,
khảo sát của Viện nghiên cứu Thanh
niên thuộc Trung
ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh. Kết quả phân tích của đề tài đã cho thấy, thanh niên ngày
càng có nhận thức rõ ràng hơn về thực trạng việc làm - nghề nghiệp hiện
nay, thấy
được những yêu cầu và đòi hỏi của công việc cũng như sự cạnh tranh
trên thị trường lao động trong quá trình hội nhập.
Đa số thanh niên đều có nhu cầu và sự
lựa chọn của riêng mình,
nhưng họ lựa chọn ngành dịch vụ là nhiều nhất. Điều này tương đồng với thực trạng phát triển chung của tình hình
kinh tế đất nước. Họ
mong muốn nhiều nghề mới hơn từ lĩnh vực buôn bán, dịch vụ thương mại. Thanh
niên hiện nay nhiều
người không muốn làm nghề nông, là nghề có
thu nhập không cao mà chỉ mong muốn được lựa chọn những ngành nghề nào có thu nhập tốt hơn. Đa
số họ lựa chọn nghề nghiệp theo sở thích là chính, họ được tự do lựa chọn công
việc họ thích mà ít nghe lời khuyên từ gia đình, bạn bè, nhà trường. Đối với
thanh niên, yếu tố
thu nhập, tiền lương, lại là một
yếu tố quan trọng nhất trong việc lựa chọn nghề nghiệp hiện nay. Đa số thanh
niên đều chỉ mong có nghề nào lương cao mà ít quan tâm các nghề nào lương bình
thường hoặc những nghề theo ước mơ. Đến lứa tuổi trường thành thì nhu cầu đó
lại càng được tăng lên, do cuộc sống ngày một khó khăn và phải đương đấu với
mối lo về cuộc sống hàng ngày.
Thực trạng trên đặt ra cho các cấp
chính quyền và các
đoàn thể phải có nhiều chính sách phù hợp với tình hình chung hiện nay. Cần
thiết mở nhiều lớp dạy nghề hơn, phát triển mạnh mẽ các trung tâm đào tạo để trang bị cho thanh niên
năng lực thích ứng với những đòi hỏi của công việc, những yêu cầu
của hội nhập nghề nghiệp hiện nay. Cần
có nhiều lớp định hướng nghề nghiệp cho thanh niên và đem môn học này vào nhà
trường. Phải tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, nâng cao chất lượng các nội
dung học tập trong nhà trường cũng như các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ cho
người dân. Tất cả nhằm giúp cho nhu cầu và quá trình hội nhập nghề nghiệp của
thanh niên được cải thiện hơn, cuộc sống của thanh niên và gia đình họ ngày càng tốt hơn theo xu hướng chung của xã hội.
Đề tài khuyến nghị cần sớm có các chính sách giúp chuyển
dịch cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn để có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm
ổn định hơn cho thanh niên nông thôn cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của
thị trường lao động. Phải có các giải pháp hữu hiệu của Chính
phủ để giải quyết tình trạng mất cân đối trong đào tạo của nước ta hiện nay, đồng
thời cần có giải pháp kết nối cung - cầu giữa hệ thống giáo dục - đào tạo và
người sử dụng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng của thị
trường lao động thanh niên.
[1] Đề tài
do Ths. Nguyễn Phan Lâm, Trung tâm điều tra Dư luận xã hội, Viện Xã hội học làm
chủ nhiệm. Quý độc giả có thể tham khảo toàn văn tại Thư
viện của Viện Xã hội học. Địa chỉ: Phòng 902, Tầng 9, Số 1 Liễu Giai - Ba Đình
- Hà Nội. Điện thoại liên hệ: (04) 62730714.
Viện Xã hội học