Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là một vấn đề có
ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển xã hội nói chung và phát triển đô thị
nói riêng, phản ánh tình trạng an sinh của hộ gia đình cũng như của toàn xã hội.
Có ba lý do chính khiến
nhà ở cho người thu nhập thấp trở thành vấn đề nổi cộm ở Việt Nam: (1) Nhiều người vẫn còn sống đang trong các
căn nhà vốn do nhà nước xây dựng từ những thập niên 60 hiện đang xuống cấp, cũ
kỹ, chưa được bảo trì, sửa chữa;
(2) Giá bất động sản đô thị
tăng vọt trong thời gian qua khiến việc sở hữu nhà ở tại các đô thị lớn càng trở
nên khó khăn, kể cả đối với những người có thu nhập cao hơn trung bình; (3) Sự bùng nổ các luồng di cư nông thôn ra
đô thị đang là những thức lớn đối với vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị bền
vững (Jalel Sager, Lê Vũ Cương, 2010). Vậy trước tình hình này,
các chính sách về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp của Việt Nam hiện nay
như thế nào? Những ai tiếp cận được nhà ở
xã hội? Chất
lượng nhà ở xã hội
và các kỳ vọng xã hội
về nhà ở phản ánh các ý nghĩa xã hội nào xét từ phương diện cấu trúc xã hội? Cuối
cùng, việc chậm trễ thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội sẽ để lại những hệ
lụy cho xã hội sau này?
Để góp phần trả lời các
câu hỏi nghiên cứu trên, viện Xã hội học
đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Nhà ở
xã hội cho người thu nhập thấp – Những vấn đề chính sách và thực tiễn”. Kết
quả nghiên cứu của đề tài đã chỉ ra rằng, tại Hà Nội, chính sách nhà ở xã
hội là một chương trình hỗ trợ nhà ở có điều kiện. Những người thuộc diện được
xem xét tham gia chương trình hỗ trợ là người có thu nhập thấp có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng và chưa có nhà ở
(hoặc nếu có nhưng diện tích ở
dưới 8m2/người). Tuy nhiên, không phải mọi đối tượng thu nhập thấp đều
có cơ hội như nhau trong tiếp cận nhà ở xã hội. Có 5 khó khăn nổi bật mà người
thu nhập thấp gặp phải trong quá trình tiếp cận nhà ở, đó là rào cản về tiếp cận
thông tin, rào cản về thủ tục xác nhận thu nhập, rào cản về hộ khẩu, rào cản về
tiêu chí chấm điểm và rào cản về tiếp cận vay vốn.
Những bất cập trong tiếp cận nhà ở xã hội khiến một
số nhóm như cán bộ công chức, viên chức làm việc trong khu vực chính thức, cán
bộ làm việc trong lĩnh vực công an, quân đội có “lợi thế hơn”, trong khi đó người
nghèo, người cận nghèo, người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức gặp
khó khăn hơn trong tiếp cận nhà ở xã hội. Tình trạng khan hiếm đất đô thị cùng
chi phí để xây dựng nhà ở xã hội còn tương đối cao, cũng như nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu nhiều so với nhu cầu
thực tế là những nguyên nhân dẫn đến người nghèo, người cận nghèo và lao động
trong khu vực phi chính thức tại Hà Nội khó có thể mua nhà. Thiếu quỹ đất với
giá thành hợp lý cũng khiến nguồn cung đất không theo kịp nhu cầu của tổng thể.
Người
dân sinh sống tại các khu nhà ở xã hội hiện nay vẫn gặp một số bất cập trong tiếp
cận dịch vụ xã hội cơ bản do phần
lớn các khu nhà ở xã hội ở vị trí xa trung tâm
thành phố. Đi làm mất nhiều thời gian hơn, khám chữa bệnh khó khăn do không gần
các bệnh viện lớn, trường học cho con không thuận tiện, xa khu vui chơi giải
trí cho trẻ nhỏ là những điều người dân ở khu nhà ở xã hội dễ gặp phải. Cùng với đó, chất lượng xây dựng chưa như mong muốn,
phân bố các hộ dày trong cùng một tầng… là những điểm trừ của nhà ở xã hội. Tuy
nhiên, do diện tích căn hộ nhỏ với giá thành hợp lý, được hỗ trợ vay vốn mua
nhà khiến nhà ở xã hội vẫn là lựa chọn của nhiều người thu nhập thấp.
Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội có nhiều nỗ lực
nhằm tăng quỹ nhà ở xã hội bằng việc ban hành các quy định như các dự án nhà ở
thương mại phải dành 25% diện tích sàn cho quỹ nhà ở xã hội, chính sách hỗ trợ
chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, từ đó tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội
cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên việc thực thi chính sách trên thực tế không
đem lại nhiều kết quả. Cơ hội mở rộng diện tích cho nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn. Tình trạng nguồn cung nhà ở xã hội không đủ so với nhu
cầu thực tế của người dân vẫn đang diễn ra.
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu, đề tài cũng gợi mở cho các nhà
hoạch định chính sách trong việc giải quyết vấn đề về nhà ở xã hội tại thành
phố Hà Nội như: có cơ chế, chính sách để tập trung
hơn nữa nguồn vốn, quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập
thấp; đơn giản hóa thủ tục đăng ký, đặc biệt là những thủ tục liên quan tới việc
xác nhận điều kiện để chứng nhận vay vốn; phát triển thêm quỹ nhà cho thuê phục
vụ cho nhu cầu của nhóm nghèo đô thị, đặc biệt là công nhân, sinh viên; nâng
cao tính công bằng, công khai trong xét duyệt bởi sự chênh lệnh giá giữa nhà ở
xã hội và nhà ở thương mại có thể là nguyên nhân làm nảy sinh tiêu cực; có thêm
những chính sách ưu đãi hấp dẫn, kích thích doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào
lĩnh vực nhà ở xã hội; phát triển mô hình nhà ở thương mại giá rẻ.
Viện Xã hội học